Tản mạn

Bài học từ một lần đến nhà bạn ăn tối

Tôi nhớ ngày xưa, cứ mỗi lần có khách là cả nhà lại rộn ràng chuẩn bị đồ ăn. Bố tôi sẽ bắt con gà làm thịt. Mẹ tôi sẽ đi chợ mua đủ nguyên liệu về làm nem. Tôi cũng phụ giúp bố mẹ nhặt rau củ. Nhiều khi mất cả buổi sáng loay hoay nấu nướng để tiếp đãi khoảng ba, bốn người khách. Mẹ tôi nói đồ ăn thể hiện sự hiếu khách, thế nên việc chuẩn bị những món ăn ngon để tiếp đãi khách là rất nên làm. Và hôm nào cũng vậy, sau khi ăn uống xong thì đồ ăn còn thừa rất nhiều. Có nhiều món gần như còn không đụng tới, và ai cũng mệt bơ phờ. 

Sau này sang Mỹ, tôi lại quen với một số người bạn nấu ăn rất ngon. Mỗi lần họ mời bạn bè (trong đó có tôi) đến ăn thì hôm đó chắc hẳn là có những món thật đặc biệt: xôi xéo, phở bò, bún bò Huế, bánh xèo, bún chả nướng, cơm tấm…những món mà với tôi là cả một thứ nghệ thuật bậc cao. Mỗi lần không chỉ có một món mà đến những ba, bốn món đặc biệt. Để chuẩn bị được một bữa như vậy phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Thế nên không biết tự bao giờ, tôi cứ nghĩ như một điều hiển nhiên rằng muốn mời bạn về nhà thì phải đãi một vài món nào đó thật đặc biệt, không thể đơn giản được.

Tôi lại là một người nấu ăn rất kém. Thực sự thì tôi không thích nấu nướng và cũng không có đủ kiên nhẫn cho việc đó. Món ăn cầu kì nhất mà tôi nấu có lẽ là món rau củ xào với thịt bò, mất khoảng 15 đến 20 phút để hoàn thành. Còn lại tôi thường ăn rau củ luộc chấm nước mắm, rau salad (mấy loại rau trộn lại với nhau ăn sống). Thịt hay cá thì tôi chỉ bỏ ít muối và tiêu rồi cho vào lò nướng. Tôi là người ăn uống dễ tính, và cũng may chồng tôi còn dễ tính hơn nhiều. Nên dường như không có vấn đề gì với điều đó, trừ duy nhất một việc: tôi thích mời bạn bè về nhà ăn uống. Tôi luôn cảm thấy ăn ở nhà tạo không gian ấm áp, yên tĩnh, dễ chịu hơn là ở nhà hàng. Điều đó làm cho mọi người dễ chia sẻ và gần gũi nhau hơn. Chúng tôi có thể ngồi bao lâu thoả thích mà không có cảm giác làm phiền ai hết. Chúng tôi cũng có thể cười nói mà không sợ ai liếc ngang liếc dọc. Thế nhưng khi nghĩ đến những căng thẳng liên quan đến việc chuẩn bị nấu nướng thì tôi thường từ bỏ ý định đó và cuối cùng chọn đi ăn nhà hàng cho tiện.

Thế rồi, một lần qua nhà bạn ăn tối hoàn toàn thay đổi cách nhìn của tôi về việc tiếp đãi bạn bè, người thân.

Tôi gặp John, Emma và hai con gái một lần cùng chồng đi nhà thờ ( tôi không theo Giáo, nhưng thỉnh thoảng vẫn đi nhà thờ vì thích cảm giác bình yên và được che chở mỗi khi ở đó). Chồng tôi biết John và Emma trước đó, nhưng phải đến hôm ấy tôi mới gặp hai bạn. Thế rồi John mời chúng tôi qua ăn tối vào tuần tiếp theo. Tôi lúc đó vừa sang Mỹ còn có rất ít bạn bè, thế nên khá háo hức khi được gặp gỡ gia đình bạn ấy.

Chiều hôm ấy, tôi chạy qua hiệu sách gần nhà mua một bộ truyện ngắn về các nàng công chúa làm quà cho hai bé, rồi cùng chồng qua nhà John ăn tối. Khi tôi bấm chuông thì cả nhà cùng ra mở cửa đón chào. Hai em bé nhà bạn (một bé 4 tuổi, một bé 2 tuổi rưỡi) chạy đến ôm chào chúng tôi. “Hi Anh! Hi Trang”, bé lớn chào chúng tôi với cái giọng còn rất ngọng của người Mỹ học phát âm tiếng Việt, nhưng tôi cảm thấy dễ thương vô cùng. Tôi biết các bạn đã dạy cho bé cách phát âm tên của chúng tôi trước đó.

Nhìn trên bàn thìa dĩa cho mọi người sẵn sàng, bên cạnh là mấy ly nước lọc. Chúng tôi bắt đầu ngồi vào bàn ăn. Và tôi thấy John bưng ra một tô mỳ Ý với một tô nước sốt ăn kèm. Nói là mỳ Ý, thực ra chỉ đơn giản là gói mì luộc. Tô mỳ có phải đến 3 loại mì khác nhau. John bảo: “Bọn tớ hết mì rồi nên trộn mấy thứ còn lại trong nhà vào với nhau”. Tô nước sốt gồm một ít sốt cà chua và thịt viên mua sẵn ở siêu thị. Theo tôi đoán thì các bạn chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút để chuẩn bị cho bữa tối. Phải nói là tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Đừng hiểu nhầm, tôi không có ý đánh giá các bạn ấy không “hiếu khách”.  Tôi chỉ ngạc nhiên là vì lần đầu tiên tôi được một người mời đến ăn tối với chỉ một món ăn duy nhất. Rồi sự ngạc nhiên ấy qua đi nhanh, chúng tôi bắt đầu hỏi han và chia sẻ cuộc sống với nhau. Và sau bữa ăn thì tô mì Ý cũng hết một cách sạch sẽ.

Chúng tôi ra ghế sofa và tiếp tục câu chuyện đang dở. Hai bé gái rất hào hứng với món quà tôi tặng, thế là John mở ra cho hai bé xem qua. Khi bé lớn đòi bố đọc những câu chuyện cho bé nghe, John nhẹ nhàng bảo: “ Không được con gái. Trang và Anh đang ở đây, bố muốn nói chuyện với hai bạn. Chúng ta có thể đọc sau khi hai bạn về được không?”.  Bé lớn phụng phịu gật đầu. Chúng tôi có một buổi tối thật dễ chịu. Tôi để ý là cả buổi tối hôm đó, John và Emma không hề dùng điện thoại, và hoàn toàn tập trung nói chuyện với chúng tôi. Tôi cảm nhận được một sự tiếp đãi rất chân thành của các bạn.

Trên đường từ nhà John về hôm đó, tôi cảm thấy vui lạ. Tôi nhận ra rằng hoá ra mời bạn đến nhà thật đơn giản. Tôi không cần phải mất thì giờ chuẩn bị những món ăn thật ngon, tôi chỉ cần một thái độ niềm nở chân thành khi bạn đến nhà là đủ. Từ góc độ một người khách, tôi đã không hề nghĩ: “ Sao bạn ấy mời mình đến nhà mà chỉ có thế này thôi nhỉ?”, và tôi cũng không hề có một chút cảm giác gì gọi là không được tôn trọng. Ngược lại, tôi cảm thấy dễ chịu khi biết hai bạn ấy đã không phải quá vất vả chuẩn bị bữa ăn cho mình. 

Từ đó, tôi cảm thấy thật tự tin và hào hứng về khoản tiếp đãi bạn bè . Từ chỗ gần như không dám mời bạn về nhà, bây giờ chúng tôi mời bạn bè vài tuần một lần, và luôn có những buổi tôi thật thoải mái và vui vẻ ( ít nhất là theo cảm nhận của tôi). Tôi nấu những món ăn đơn giản hợp với khả năng của mình. Những hôm có hứng thì tôi nấu món cầu kì hơn, mất thời gian hơn, nhưng tôi không đặt cho mình một tiêu chuẩn nào hết. Và cũng nhờ John và Emma, tôi và chồng học được thói quen cất hết điện thoại, ipad vào tủ mỗi khi khách đến. Điều đó giúp chúng tôi tập trung trò chuyện hơn, và cảm thấy thư giãn hơn khi tâm không bị phân tán bởi những thứ khác. Tôi tin bạn bè tôi sẽ luôn cảm thấy được sự tôn trọng và hiếu khách mỗi khi đến nhà qua thái độ chân thành của mình, dù bữa ăn rất đơn sơ, giản dị.

Thế đó, chỉ một hôm qua nhà bạn ăn tối nhưng tôi đã có một cách nhìn hoàn toàn khác về tiếp đãi bạn bè: đó chỉ đơn giản là cơ hội để mọi người gặp mặt, hỏi han và chia sẻ với nhau về cuộc sống. Một không gian gọn gàng, ấm cúng, và một thái độ chân thành là đủ để ta có thể trở thành một chủ nhà hiếu khách rồi. Và tất nhiên, nếu bạn là người giỏi nấu nướng, và có thể làm một bữa ăn ngon lành chỉ trong chốc lát, thì quả thật người khách đến nhà bạn thật là may mắn!