Phát triển bản thân

Hạn chế mua sắm để có cuộc sống thoải mái hơn

Chúng ta làm công việc mình ghét để kiếm tiền mua những thứ mình không cần để tạo ấn tượng với những người mình không quan tâm (Sưu tầm)

Những dịp cuối năm luôn được coi là những dịp mua sắm lớn nhất ở Mỹ. Chỉ cần dạo quanh khu mua sắm là bạn có thể thấy ngay những bảng hiệu đỏ rực với dòng chữ “Giảm giá lớn 50-75%” ở hầu hết các cửa hàng. Có cửa hàng thậm chí còn có khẩu hiệu “Get It or Regret it” – Hãy mua đi, không bạn sẽ hối hận đó. Tôi nhiều hôm vốn không có ý định mua gì, nhưng đi qua những cửa hàng với tấm bảng giảm giá to đùng như vậy lại không kiềm lòng được. Có những món đồ giá gốc là $60-$70, sau khi giảm giá còn có $10-$15. Và mỗi lần vậy, tôi lại hào hứng ôm về được vài món đồ.

Ngắm nhìn những món đồ ưng ý với giá bèo, tôi cảm thấy như mình đang nhận được món hời lớn. “Ôi cái áo len này chất liệu thật tốt, kiểu dáng đẹp mà chỉ có $10! Biết thế hôm ấy mình lấy 2 chiếc nhỉ”, tôi thầm tiếc nuối. Và rồi tôi quay lại cửa hàng tìm thêm chiếc thứ hai. Rồi nhân tiện bỏ vào giỏ thêm mấy cái phông giảm giá.

Mặc lên mình những chiếc áo mới mua, tôi thấy thật sung sướng. Chất liệu vải mềm mại, kiểu dáng đơn giản, thật là hợp với phong cách của tôi. Và cảm giác sung sướng đó lại kích thích tôi đến cửa hàng nhiều hơn. Tôi nhìn những món đồ mới mua với cảm giác thật hài lòng. Lướt qua tủ quần áo hiện tại, tôi thấy mình còn thiếu một vài chiếc quần jean tối màu, một chiếc váy kiểu nhẹ nhàng. Và tôi ước gì có thêm vài chiếc áo ngực mềm mại, thoải mái, không có gọng kim loại. Có thêm một cái áo khoác dạ nữa thì tuyệt. Và thế là chỉ mấy ngày trước tôi còn cảm thấy ổn với tủ quần áo của mình, bây giờ nó bỗng làm tôi khó chịu. “Giá mà tôi có thể thay hết cái đống này bằng những thứ hợp với phong cách mình hơn”, tôi thầm nghĩ và tưởng tượng tủ quần áo trong mơ của mình.

Đó là tâm trạng của tôi vào những hôm đang ở trạng thái hưng phấn mua sắm. Trong đầu tôi chỉ  hiện lên những thứ tôi đang thiếu, và cảm thấy mình không thể hạnh phúc được cho đến khi có nó.  Thế nhưng có thực sự như vậy không? Có chắc là  khi thay thế tất cả tủ quần áo cũ bằng những thứ quần áo mà tôi cho là “phong cách của mình” thì tôi hoàn toàn thoả mãn không? Và sự thoả mãn đó có được lâu dài không? Tôi nghi ngờ về điều này. 

Tôi nhớ lại ngày xưa khi mua những chiếc quần jean, chiếc áo khoác đó, tôi cũng có cảm giác sung sướng hệt như khi mua chiếc cái áo len, áo phông bây giờ. Nếu không thì chắc tôi đã không mua chúng rồi. Nhưng rồi sau vài lần mặc, cái cảm giác đặc biệt ấy qua đi, và rồi sau ít tháng nữa thì tôi cảm thấy thật nhàm chán khi mặc chúng. Thế nên chẳng có gì đảm bảo những thứ tôi mua lần này sẽ được tôi thích thú lâu dài. 

Tôi nhận ra là mình phải cẩn thận hơn với những cảm hứng nhất thời ấy. Mua sắm là một thứ rất dễ gây nghiện. Khi có được thứ này rồi thì tôi lại muốn có thứ kia. Nó là một cái vòng luẩn quẩn mà càng mua thì lại càng thấy thiếu. Điều này không chỉ đúng với quần áo, mà với cả các thiết bị điện tử, nội thất trong nhà, phương tiện đi lại. Khi tôi để đầu óc mình trong trạng thái mua sắm, thì tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy thiếu thốn và khó chịu. Kết quả là tôi mất quá nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng cho việc sắm sửa đồ đạc trong nhà. 

Tôi tin đồ đạc có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Một chiếc áo với chất liệu vải tôt, kiểu dáng vừa vặn mặc lên sẽ thoải mái hơn những chiếc áo thô cứng, bó chật. Một cái dao bền và sắc dùng sẽ thích hơn một cái dao chất lượng kém. Một bộ bàn ghế sang trọng sẽ tôn lên ngôi nhà của bạn hơn hẳn một bộ bàn ghế cũ kĩ. Đồ đạc là để phục vụ con người. Thế nhưng, nếu không cẩn thận thì ta sẽ trở thành nô lệ của đồ đạc. 

Có một sự khác biệt lớn giữa những cái ta cần và những cái ta muốn. Những cái ta cần là những thứ thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, và với đời sống hiện tại thì không quá khó khăn để có chúng: ít bộ quần áo để mặc, đôi giày để đi, nồi niêu để nấu nướng, nước để tắm giặt, thức ăn, nơi ở. Chỉ có những thứ mà ta muốn thì gần như không bao giờ có điểm dừng và luôn khiến ta khổ sở để sở hữu chúng:  chiếc áo đẹp hơn, chiếc đồng hồ sang hơn, bộ đồ nấu nướng xịn hơn, ngôi nhà to hơn…Có đáng không khi ta vất vả dành giụm tiền nửa năm trời chỉ để mua được một chiếc điện thoại xịn hơn, trong khi cái ta đang có vẫn dùng tốt? Có đáng không khi mỗi tháng ta vẫn phải chật vật xoay xở cho tiền thuê nhà, nhưng lại sẵn sàng bỏ ra nửa tháng lương để mua một chiếc váy thật đẹp? Chúng ta cứ tưởng là những thứ đó sẽ mang lại cho mình hạnh phúc, nhưng ngẫm kĩ lại, ta sẽ thấy cái hạnh phúc, thoả mãn đó thật tạm bợ. Sau một vài tháng, những món đồ đắt tiền ấy không còn mang lại một cảm xúc gì đặc biệt, và ta lại tiếp tục khổ sở kiếm tiền để mua sắm những thứ tiếp theo. Ta bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho nó, và cái ta nhận được là thêm những áp lực và bất mãn cho cuộc sống của mình.

Tôi thật không muốn mình phải vất vả làm việc, căng thẳng kiếm tiền chỉ để thoã mãn nhu cầu về đồ đạc. Tôi chấp nhận một chút bất tiện về vật chất cho những thứ khác mà tôi trân trọng hơn: đó là cảm giác được tự do về tài chính, là thời gian và năng lượng cho những điều mà tôi thích và với những người mà tôi yêu thương. 

Tôi hiện tại đang sống trong một căn hộ nhỏ một phòng ngủ với chồng và con gái. Hầu hết đồ vật trong nhà là đồ cũ hoặc mua lại hoặc là được những người bạn cho. Tủ quần áo của chúng tôi khá là khiêm tốn, và nhiều trong số đó cũng là đồ cũ. Đổi lại, tôi không phải quá căng thẳng về tiền bạc, có thời gian gần gũi con cái, có thời gian cho bản thân mình. Tất nhiên cũng có những ngày tôi ước ao có thứ này thứ kia, nhưng hầu hết thì tôi cảm thấy hạnh phúc và trân trọng những thứ tôi đang có. 

Tôi chúc cho bạn và tôi, chúng ta cùng học được cách biết đủ…bởi chỉ khi biết đủ, chúng ta mới thực sự tìm được hạnh phúc và bình yên thực sự của cuộc sống.