Làm cha mẹ

Món quà quí giá tôi dành cho con

Không có một cách nào để làm người mẹ hoàn hảo. Nhưng có hàng nghìn cách để làm một người mẹ tốt ( Sưu tầm)

Làm mẹ, ai trong chúng ta cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Trước khi con gái ra đời, tôi đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức và chuẩn bị một kế hoạch thật hoàn hảo cho việc nuôi dạy con cái, tất cả bắt đầu với việc nuôi con bằng sữa mẹ. Với tôi, có một sự thật không cần phải bàn cãi: sữa mẹ là một món quà thật quí giá mà người mẹ có thể dành cho con, và việc cho con bú mẹ trực tiếp mang lại lợi ích tuyệt vời cho sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần cho bé. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và duy trì cho con bú mẹ đến 2 tuổi. Tôi, một bà mẹ dám hi sinh, không ngại khó, ngại khổ, tất nhiên sẽ đặt cho mình cái mục tiêu cao nhất: cho con bú mẹ đến tận 2 tuổi và nói không với sữa công thức!

Thế nhưng, kế hoạch này thất bại một cách nhanh chóng. Con gái tôi không chịu bú mẹ. Bé gào khóc mỗi lần bị ép bú, và chỉ bú được một tí là lăn ra ngủ. Khoảng 20- 30 phút sau, bé lại dậy, và lại gào khóc. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày làm tôi mệt mỏi vô cùng. Không khí trong nhà trở nên ngột ngạt. Chồng tôi nhiều hôm còn không muốn về nhà khi nghĩ đến việc bước chân vào cửa là nghe tiếng con khóc, tiếng vợ than phiền, và nhà cửa bề bộn. Tôi thường nghe nhiều người kể về cảm giác yêu thương mỗi lần được cho con bú, còn với tôi đó là một cực hình, và tôi nghĩ với con cũng vậy. Bé thích bú bình, và bú tốt hơn nhiều. Thế nhưng mỗi lần mang bình sữa cho con, cảm giác tội lỗi lại xâm lấn tôi. Tôi thấy mình là một người mẹ thất bại – đến việc cơ bản nhất là cho con bú mà cũng không làm được. Trong tôi luôn là hỗn độn của hai trạng thái cảm xúc: căng thẳng khi cho con bú mẹ, và tôi tội lỗi khi cho con dùng bình.

Tôi tâm sự chuyện này với Lindsay, một người bạn tôi quen chưa lâu nhưng khá là thân thiết. Lindsay có ba đứa con và khá nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái. Tôi thường tìm đến bạn khi có những lo lắng của người lần đầu làm mẹ. Sau khi nghe tôi than phiền về việc cho con bú, Lindsay bảo tôi: “Với tớ, món quà quí nhất tớ nghĩ mình có thể cho con là một người mẹ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Với bé đầu, tớ suôn sẻ trong việc cho con bú nên duy trì sữa mẹ đến lúc con gần 2 tuổi. Nhưng bé thứ hai nhà tớ lại không chịu bú mẹ. Tớ vắt sữa cho bé được 6 tháng thì chuyển qua sữa công thức. Giờ bé vẫn khoẻ mạnh bình thường đấy thôi. Cậu đừng tự quá áp lực mình về chuyện đó”.

Và thế là sau hai tháng căng thẳng, mệt mỏi, tôi quyết định vắt sữa và cho con bú bình hoàn toàn. Từ khi bú bình, bé uống tốt hẳn lên, và sau mỗi lần uống no nê là ngủ cả 3-4 tiếng. Những căng thẳng, áp lực về việc cho con bú tự nhiên biến mất, và tinh thần tôi thoải mái hơn nhiều. Trước đây, đầu tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn, người lúc nào cũng vất vơ vất vưởng. Nhưng khi tinh thần tôi thoải mái và được ngủ nhiều hơn, tôi có khoảng trống và năng lượng để sắp xếp mọi việc trong nhà.  Mọi thứ bắt đầu có qui cũ hơn, và dần dần nhiều tiếng cười đùa hơn trong gia đình. Khi con gái Thảo An được 11 tháng tuổi, tôi quyết định ngừng vắt sữa và chuyển sang cho bé uống sữa ngoài. Quyết định đến đến một cách khá dễ dàng và nhẹ nhàng. Mặc dù trong tôi cũng có thoáng buồn, nhưng hoàn toàn không còn cảm giác tội lỗi nặng nề như trước. Tôi nghĩ mình đã làm những gì tốt nhất có thể trong khả năng rồi.

Thật sự nếu được lựa chọn, thì tôi vẫn luôn muốn cho con bú sữa mẹ đến tận 2 tuổi. Nhưng với tôi, sự thoải mái của cả mẹ và con là điều quan trọng hơn nhiều. Sữa mẹ là tốt nhất, nhưng sữa công thức cũng ổn mà. Bú mẹ là tốt nhất, nhưng bú bình cũng có sao đâu. Chặng hành trình làm mẹ đầu tiên dạy tôi rằng: đừng tự áp lực mình với những cái kế hoạch gọi là hoàn hảo ( hay cũng có thể gọi là cầu toàn?) , bởi cái hoàn hảo đó chỉ mang tính tương đối mà thôi. Và quan trọng hơn, tôi nhận ra rằng món quà quí giá nhất mà tôi có thể dành cho con, đó là bản thân tôi, một người mẹ khoẻ mạnh và hạnh phúc…Một người mẹ hạnh phúc và một trái tim yêu thương là đủ đầy để cho con một khởi đầu tốt đẹp. 

Tôi không những áp dụng tinh thần đó vào việc cho con bú, mà còn việc cho con ăn, giao tiếp với con hằng ngày. Mọi thứ cần có một sự cân bằng giữa sức khoẻ của con và sự thoải mái, hạnh phúc của người mẹ. Ví dụ: tôi tin là con cần ăn một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Thế nên, tôi cố gắng đảm bảo khẩu phần ăn của con đa dạng thịt-cá-rau-củ-quả. Nhưng tôi học cách nấu nướng đơn giản, nhiều khi chỉ đơn giản là luộc lên rồi xay ra. Không mất nhiều công sức và thời gian nấu nướng nên tôi cũng không cảm thấy ức chế khi con không ăn, và cũng không phải ép con ăn hết khẩu phần cho đỡ tốn công! Tôi có năng lượng nói chuyện cười đùa với con trong bữa ăn, và để con tự quyết định ăn uống bao nhiêu tuỳ bản thân bé. 

Có câu nói: “ Bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có”. Cũng như vậy, bạn không thể cho con hạnh phúc và an yên nếu trong bạn không có điều đó. Trong giai đoạn đầu đời, em bé rất cần sự yêu thương che chở của người mẹ. Tôi để ý những ngày mệt mỏi, tôi không thể nào kiên nhẫn được với con. Tôi dễ dàng quát mắng con và hoàn toàn không nhạy cảm với những nhu cầu của bé. Kết quả là khi tôi càng mệt mỏi thì con lại càng khó tính. Còn khi tôi vui vẻ, khoẻ mạnh, một ngày của tôi với con hoàn toàn khác. Tôi bình tĩnh nhẹ nhàng chơi với con. Tôi nhạy cảm hơn với những khó chịu của bé. Tôi âu yếm, vỗ về con nhiều hơn. Và những ngày đó, con bỗng nhiên cũng trở nên ngoan ngoãn hơn nhiều. Em bé có thể không hiểu được mẹ nói gì, nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận được cảm xúc bên trong của người mẹ và phản ứng với cảm xúc đó. Thế nên, tôi đặt sức khoẻ và tinh thần của bản thân mình như là một sự ưu tiên hàng đầu, bởi tôi biết điều đó mang lại lợi ích lâu dài trong hành trình làm mẹ của tôi.