Làm cha mẹ

Những lợi ích từ việc hạn chế mua sắm đồ chơi cho con

Gia đình chị họ tôi có ba bạn bé dưới 5 tuổi. Bước vào nhà chị luôn làm tôi cảm giác như đang bước vào một cửa hàng đồ chơi. Phải có hơn chục bộ lego nhiều chi tiết trộn lẫn vào nhau, không còn biết bộ nào lại bộ nào. Trong nhà có đến vài chục chiếc ô tô, máy bay đồ chơi đủ thể loại, màu sắc, từ đơn giản đến phức tạp. Có lẽ trên thị trường có loại đồ chơi gì thì trong nhà chị có loại đó. Thế nhưng mỗi lần đến chơi, tôi cảm giác các bé gần như không hào hứng lắm với những món đồ chơi của mình. Giữa đống đồ chơi hỗn độn, lũ trẻ hết cầm lên lại đặt xuống, chơi với mỗi thứ một tí, rồi lại đòi người lớn mở ipad, tivi cho xem.

Cuộc sống hiện đại, khi hàng hoá trở nên rẻ hơn rất nhiều so với thu nhập, thì việc mua sắm đồ chơi cho con không còn phải cân đo, đong đếm quá nhiều. Nếu như ngày xưa, việc mua sắm đồ chơi cho con gần như là một điều xa xỉ khi bố mẹ còn đang phải vật lộn với những nhu cầu của cuộc sống thường ngày,  thì ngày nay, không chỉ với gia đình giàu có, mà những gia đình bình dân cũng có thể mua sắm đồ đạc cho con một cách thoải mái. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông đầy rẫy những quảng cáo sản phẩm đồ chơi giúp con phát triển tốt, tăng cường trí nhớ, tăng cường khả năng sáng tạo. Điều này càng khơi dậy trong các ông bố bà mẹ nhu cầu mua sắm cho con. Họ nghĩ rằng nếu không có thứ đồ chơi này thì con sẽ không phát triển được kĩ năng nào đó, hoặc phát triển muộn hơn so với bạn bè cùng lứa.

Những ông bố bà mẹ trở nên hoang mang trước núi sản phẩm để lựa chọn. Với phương châm thừa còn hơn thiếu, càng nhiều càng tốt, các ông bố bà mẹ bắt đầu mua các thể loại đồ chơi trên thị trường, với hi vọng bằng một cách nào con mình sẽ phát triển được những kĩ năng như sản phẩm giới thiệu. Hơn nữa, nhìn ánh mắt con vui sướng đón nhận những bộ đồ chơi mới, hẳn nhiều ông bố, bà mẹ, thậm chí ông bà nội ngoại càng có động lực mua thêm đồ chơi cho con cháu. 

Bản thân tôi khi mới bước vào thế giới làm mẹ cũng vậy. Tôi dành khá nhiều thời gian tìm hiểu xem ở độ tuổi của con thì cần mua những đồ chơi gì. Mỗi lần lên báo mạng hay facebook, đập vào mắt tôi luôn là quảng cáo các sản phẩm khẳng định giúp con thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, vận động tốt hơn, kết hợp tay chân tốt hơn. Tôi lo sợ nếu mình không mua những thứ đồ chơi đó nghĩa là tôi đang hạn chế sự phát triển của con. Ngày ấy, một phần lớn thời gian trong ngày của tôi là dùng để nghiên cứu các loại đồ chơi trên thị trường, và săn đồ chơi giảm giá. Điều này lấy đi khá nhiều thời gian và năng lượng của tôi. Căn hộ một phòng ngủ của gia đình trở nên thật chật chội với đủ các thứ đồ chơi, nào là xe đi bộ, jumperoo, các thể loại thú nhồi bông,…Vậy nhưng, con gái tôi dường như không hứng thú mấy với đồ chơi, và chơi được một thời gian ngắn là chán. Thường thì con sẽ hứng thú với những vật dụng thật trong nhà, và hào hứng hơn khi được chơi cùng bố mẹ.

Tôi tự hỏi sau này lớn lên, thế hệ con gái tôi, những cô bé, cậu bé lớn lên tràn ngập trong thế giới đồ chơi như vậy, liệu chúng có còn cảm giác hồi hộp chờ đợi để nhận được một món quà mới? Liệu chúng có còn học được cách nâng niu, gìn giữ những món đồ của mình? Và liệu việc lớn lên trong thế giới vật chất như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của các con?

Tôi bắt đầu đọc thêm nhiều sách về nuôi dạy con cái, và có một điều khá là thống nhất trong những cuốn sách tôi đọc: Sự thật là con cái không cần nhiều đồ chơi như người lớn nghĩ. Nhiều nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng ít đồ chơi không những giúp cho người lớn tiết kiệm tiền bạc, năng lượng, giúp nhà cửa gọn gàng hơn, mà thực sự điều này còn mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ.

Một nghiên cứu ở đại học Ohio chỉ ra rằng ít đồ chơi sẽ giúp cho chất lượng chơi của trẻ tốt hơn. Trong thí nghiệm này, những người nghiên cứu quan sát 36 em bé độ tuổi từ 18-30 tháng tiếp xúc với hai phòng đồ chơi khác nhau: một phòng có 4 đồ chơi và một phòng có 16 đồ chơi. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng với phòng ít đồ chơi, em bé sẽ dành nhiều thời gian để chơi và khám phá mỗi món đồ chơi trong đó lâu hơn. Đồng thời, các bé cũng sáng tạo ra nhiều cách chơi với những đồ vật đó hơn. Trong khi đó, những em bé ở phòng nhiều đồ chơi chỉ ngó nhiêng mỗi thứ đồ chơi một tí và rồi đi tìm thứ khác để chơi. Những em bé này cảm thấy nhàm chán với đồ chơi sớm hơn. Điều này cũng có thể dễ hiểu vì khi có quá nhiều sự lựa chọn, các bé sẽ dễ bị phân tán tư tưởng, và không thực sự tập trung chơi với bất cứ một món đồ nào. Trái lại, một em bé trong một trường ít đồ chơi không còn cách này khác sẽ trở nên tập trung hơn, sẽ chú ý, tìm hiểu, khám phá từng đồ chơi tỉ mỉ . Nói cách khác, ít đồ chơi giúp trẻ tập trung và sáng tạo hơn, giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn. 

Cách đây hai thập kỉ, ở Đức có một chương trình thử nghiệm mang tên “Trường mầm non không đồ chơi” . Trong chương trình này, người ta sẽ cất hết đồ chơi trong phòng học ở một trường mầm non trong vòng ba tháng và quan sát phản ứng của những đứa trẻ. Trong ngày đầu tiên, lũ trẻ cảm thấy khá bối rối vì chúng đã quá quen với môi trường có nhiều đồ chơi. Thế nhưng chỉ đến ngày thứ hai, chúng bắt đầu tự sáng tạo ra rất nhiều các trò chơi khác nhau. Lũ trẻ tự tạo ra luật chơi và thống nhất với nhau. Và sau ba tháng thì việc không có đồ chơi dường như không ảnh hưởng gì chúng. Trái lại, những đứa trẻ trở nên sáng tạo hơn rất nhiều. Chúng cũng trở nên tự tin hơn, giỏi hơn trong việc giải quyết các vấn đề và kết nối với bạn bè xung quanh.

Nhiều khi chúng ta quá đề cao vai trò của đồ chơi với sự sáng tạo của trẻ. Chúng ta sợ rằng trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán khi xung quanh chúng không có “đủ” đồ chơi. Chúng ta nghĩ rằng phải tạo ra một môi trường thật thú vị cho trẻ bằng cách mua thật nhiều đồ chơi. Nhưng thực tế thì sự sáng tạo luôn có sẵn trong mỗi đứa trẻ. Khoảng thời gian nhàm chán là cơ hội để trẻ có thể dùng trí sáng tạo của mình. Trẻ không cần thiết phải có một bộ áo công chúa lộng lẫy hay một chiếc xe ô tô đồ chơi tinh xảo mới có thể chơi được. Những chiếc khăn có thể biến thành một chiếc váy công chúa xinh đẹp, những miếng gỗ kết lại với nhau có thể biến thành một chiếc ô tô, tất cả chỉ cần bằng trí tưởng tượng phong phú của trẻ. Khi có ít đồ chơi, trẻ sẽ dùng trí tưởng tượng của mình để tạo ra vô vàn thứ đồ chơi khác nhau. Người lớn chúng ta chỉ cần tin tưởng vào sức sáng tạo của trẻ.

Ít đồ chơi giúp không gian sống gọn gàng hơn, người lớn cũng không phải mất quá nhiều thơi gian và năng lượng cất đặt đồ chơi đúng chỗ. Với bản thân tôi, điều này hết sức quan trọng. Khi một không gian sống bừa bộn với đủ các thể loại đồ chơi, tôi trở nên dễ bực bội, cáu bẳn hơn nhiều. Điều đó làm tôi trở nên thiếu kiên nhẫn với con. Khi tôi bắt đầu thanh lọc và hạn chế mua sắm đồ chơi cho con, mỗi ngày tôi không còn phải mệt mỏi dọn dẹp nhà cửa nhiều như trước nữa. Tôi thoải mái hơn, dành thời gian chơi với con được nhiều hơn. 

Là người lớn, nhiều khi thấy trẻ hờ hững với những thứ đồ chơi trong nhà là ta lại vội vàng tìm mua đồ chơi mới cho con. Vấn đề là trẻ con rất dễ thích thú với những thứ đồ chơi mới, nhưng chúng cũng rất dễ chán. Cứ như vậy, đến một lúc, chúng ta sẽ cần những đồ chơi phức tạp hơn, đắt tiền hơn. Điều này làm trẻ trở nên phụ thuộc vào đồ chơi mà quên mất rằng tự chúng có thể sáng tạo ra những thú vui cho bản thân mình. 

Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của đồ chơi. Với trẻ em, chơi là làm việc. Khi chơi là khi trí não các con được kích thích và phát triển. Thế nhưng, hãy cẩn thận và lựa chọn kĩ càng hơn các loại đồ chơi mà bạn mang về nhà. Đồ chơi không phải là cái thay bố mẹ giúp con giải trí. Đồ chơi là phương tiện giúp kết nối giữa con cái và bố mẹ. Trẻ em cần thời gian và sự tập trung của bố mẹ hơn là những đồ chơi ấy. Tôi tin đã đến lúc chúng ta cần phải để đồ chơi về lại đúng vị trí của nó trong cuộc sống của trẻ em.