Làm cha mẹ

Quan sát bạn Mỹ dạy con (Phần 2)

Đã hơn một năm kể từ ngày tôi gặp Victoria và Corine ở Gather. Cô bé giờ đã lên ba, cao lớn, tự tin, cởi mở và sáng tạo hơn nhiều. Chúng tôi vẫn gặp nhau vài tuần một lần ở Gather, và tôi có nhiều thời gian hơn để quan sát cách Victoria dạy dỗ con. Bạn ấy luôn làm tôi ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh, sáng tạo trong cách nuôi dạy con cái của mình. Sau này, tôi mới biết Victoria là giáo viên tại một trong những trường mầm non Montessori danh tiếng nhất thành phố Evanston, nơi tôi sinh sống. Điều đó lý giải phần nào trong tôi thắc mắc tại sao bạn ấy có thể giao tiếp với con tuyệt vời như vậy.

Ở Gather có một khu sáng tạo với đủ các thể loại giấy màu, bút sáp, bút chì màu, bút lông, màu nước, cọ vẽ… Tôi thường chỉ cho Thảo An dùng bút chì màu vẽ lên giấy, vì như vậy thì chân tay, quần áo con sạch sẽ hơn. Thỉnh thoảng khi con kiên quyết muốn dùng màu nước quá thì tôi mới lưỡng lự cho con dùng, nhưng luôn canh canh bên cạnh để chắc chắn con không lấy tay nhúng vào khay màu nước. Mỗi lần con đưa tay nhúng vào khay màu là tôi nhanh chóng lôi tay con ra, vừa lau chùi tay cẩn thận vừa nhắc nhở: “ Không được! Con không được bỏ tay vào khay màu. Nhìn này, tay con bẩn chưa!”. Sợ con chưa hiểu hết, tôi lại đưa bàn tay nhem nhuốc ra cho con xem rồi tiếp tục: “ Eo ôi! Bẩn quá! Eo ôi! Tay Thảo An bẩn chưa này!” để cho con thấy được hậu quả của việc mình vừa làm.

Thế nhưng với Victoria thì cách ứng xử của bạn hoàn toàn ngược lại. 

Hôm ấy, cô bé Corine muốn vẽ. Sau một lúc vẽ bằng cây cọ, cô bé bắt đầu cảm thấy chán và nghĩ ra một ý tưởng hay ho. Cô nhúng một ngón tay vào màu nước rồi thích thú vẽ lên giấy. Lúc đầu chỉ là một ngón tay, sau thì cả bàn tay, rồi thì không dừng lại ở đó, cô bé nhúng nốt cả bàn tay còn lại vào khay vẽ. Victoria đang ngồi đọc sách ở bàn bên cạnh. Cô biết hết việc con gái đang làm, nhưng tỏ vẻ như không để ý. 

Một lúc sau, Corine giơ bàn tay của mình ra và gọi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ nhìn này! Tay con nhiều màu chưa?”. Victoria ngước đầu lên nhìn Corine mỉm cười và nói: “Wow! Bàn tay con sặc sỡ quá!” Được mẹ cỗ vũ, cô bé thích thú tiếp tục chơi với khay vẽ. Một lúc sau, Corine tuyên bố mình đã vẽ xong. Victoria nhẹ nhàng đến bên cạnh nhìn những tác phẩm của cô bé, khuôn mặt rạng lên vẻ tự hào. Cô cẩn thận đặt những bức vẽ ấy sang một góc bàn để cho khô rồi quay sang nói với Corine: “Nào bây giờ thì chúng ta vào phòng vệ sinh rửa tay thôi”. 

Chứng kiến cách Victoria thoải mái và nhẹ nhàng xử lý tình huống, tôi thực sự nể phục. Cùng một sự việc nhưng cách ứng xử của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Con gái tôi sau những lần bị mẹ cấm đoán như vậy có thể sẽ “ngoan ngoãn” không bao giờ dùng tay nhúng vào khay vẽ nữa. Thế nhưng, con cũng học được rằng sự sáng tạo của mình là một việc hoàn toàn không được khích lệ, là một điều không nên làm. Sau một thời gian, con sẽ bắt đầu sợ sệt khi khám phá những điều mới, con sẽ không còn muốn sáng tạo nữa. Còn với Corine, cô bé đã học được rằng sự sáng tạo của cô là có giá trị, và cô được khuyến khích điều đó. Victoria tôn trọng sự sáng tạo của con mình, và cô ấy không muốn can thiệp vào quá trình sáng tạo đó. Tay con bẩn có thể rửa, quần áo con bẩn có thể thay, nhưng niềm yêu thích sáng tạo và sự tò mò khám phá là những hành trang đi cùng con suốt cuộc đời. 

Câu chuyện chưa dừng lại đó.

Một hôm khác, Corine lại tiếp tục muốn vẽ. Nhưng lần này, cô bé lại có một ý tưởng phải gọi là một “thảm hoạ” với người lớn. Cô lấy cây cọ và chấm một chấm nhỏ mũi mình. Cô lén nhìn mẹ mình, nhưng Victoria tỏ vẻ không để ý. Xong cô bé bắt đầu thích thú nhúng cây cọ vào khay màu rồi tô lên toàn bộ mũi, lên má, lên trán, thậm chí lên môi của mình. Tôi hơi sửng sốt một xíu, nhưng cũng im lặng xem Victoria sẽ xử lý như thế nào. Victoria biết hết mọi việc cô con gái nhỏ của mình đang làm nhưng cũng như mọi khi, im lặng không nói gì. Còn Corine lúc đó thì mải mê vẽ và thích thú với ý tưởng mới của mình. 

Được một lúc, Corine bắt đầu cảm thấy khó chịu. Hình như một phần màu nước bị vướng vào mắt cô bé. Cô bé gọi: “ Mẹ ơi, giúp con!”. Lúc ấy, Victoria mới từ từ đi ra và nhẹ nhàng hỏi: “Con sao vậy?”. Cô bé trả mếu máo trả lời: “Nước màu vào mắt con rồi. Con thấy khó chịu lắm!”. Màu nước vướng vào phần ngoài rìa mắt của Corine, Victoria lấy chiếc khăn ướt rồi bảo con nhắm mắt lại để cô lau nhẹ nhàng. Xong đó, Corine vẫn tiếp tục mếu máo. Victoria hỏi lại con: “Có điều gì vẫn làm con khó chịu à?”. Corine chỉ vào mũi. Thì ra cô nàng cho cả luôn cọ vẽ vào trong lỗ mũi của mình. Victoria nhẹ nhàng lấy tăm bông và xoay xoay vào mũi Corine cho ra hết phần màu vẽ bên trong. Cô hỏi: “Con thấy đỡ hơn chưa?”. Cô bé vẫn mếu máo rồi bảo: “Miệng con khó chịu lắm!”. Cô bé tô màu nước lên môi mình, chắc trong lúc mím môi màu nước trôi vào miệng. Victoria lấy chiếc giấy, gấp làm đôi và hướng dẫn Corine gập miệng lại vào miếng giấy. Corine làm theo, một ít màu thấm vào giấy. Victoria chỉ vào tờ giấy rồi bảo: “Con nhìn này! Màu trong miệng con thấm ra giấy rồi này. Mình làm thêm lần nữa nhé?”. Corine nhìn chiếc khăn thấm đầy màu, có chút ngạc nhiên và thích thú, rồi lại tiếp tục làm theo hướng dẫn của mẹ. Cuối cùng, Victoria mang lại cốc nước lọc cho con. Cô bé uống vài nhụm, khuôn mặt vui vẻ trở lại. 

Victoria chụp ảnh khuôn mặt con rồi đưa cho con xem. “Nhìn này, khuôn mặt con trông thật hài hước!”. Hai mẹ con cùng cười thích thú. Cô dẫn Corine vào trong gương xem khuôn mặt mình, và giữ khuôn mặt ngố ấy cho đến khi cô nàng bảo mẹ là muốn đi rửa mặt để chơi trò khác.

Victoria đã xử lý rất bình tĩnh, rất nhẹ nhàng. Bạn không nhanh chóng lau hết mặt cho con, dù tôi biết bạn nhận ra được vấn đề là Corine bị màu nước nhem vào mắt, mũi, miêng ngay từ đầu. Bạn chỉ đợi đến lúc Corine tỏ ra khó chịu và cần sự giúp đỡ. Corine sẽ cho bạn biết từng nơi khó chịu, và bạn nhẹ nhàng giúp con từng bước một.Trong suốt quá trình ấy, bạn không hề mắng mỏ hay khiển trách con một lời nào. 

Hôm đó, tôi có nói với Victoria là tôi khá ngưỡng mộ cách bạn ấy xử lý tình huống lúc nãy. Nếu là tôi, chắc hẳn phản ứng đầu tiên của tôi khi thấy con vẽ lên mặt sẽ là” Không, không!!! Con không được làm thế…làm thế là bẩn lắm!!” và chắc tôi sẽ hốt hoảng lên nếu màu nước vướng vào mắt mũi con, sẽ vội vàng lau hết toàn bộ màu nươc lên mặt con một cách nhanh chóng. Victoria chia sẻ với tôi: “Tớ chắc lần sau Corine sẽ không làm vậy nữa. Cậu thấy đó, con bé đã rất khó chịu, gần như muốn khóc khi màu vướng vào mắt, mũi, miệng. Con tự nhận ra được hậu quả mình phải chịu khi dùng cọ vẽ lên mặt. Tốt nhất là để trẻ con tự rút ra bài học cho bản thân chúng.

Đúng thật! Có nhiều việc trong cuộc sống, để con vấp ngã và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình một lần sẽ tốt hơn nhiều là ngăn cản con cả trăm lần và con vẫn không hiểu lý do tại sao. Cô bé Corine đã vừa được thoả sức với trí sáng tạo của mình, và đồng thời cũng đã học được một bài học về cách dùng cọ vẽ.