Làm cha mẹ

Quan sát bạn Mỹ dạy con (Phần 1)

Tôi thường đưa Thảo An đến một khu vui chơi trong thành phố có tên là Gather khi con được khoảng 7 tháng tuổi. Nói là khu vui chơi nhưng thực chất chỉ là một ngôi nhà nhỏ được người ta thiết kế lại để phù hợp với chỗ chơi của em bé tầm 0-5 tuổi. Không gian ở đó vừa phải nên tôi có thể thư giãn ngồi uống cà phê mà vẫn yên tâm vì con luôn trong tầm mắt. Lượng đồ chơi không nhiều nhưng được chọn lọc khá tinh tế, kích thích sự sáng tạo của em bé. Tôi đưa con đến đó gần như mỗi ngày, kể cả bây giờ lúc Thảo An đã 18 tháng. Ở đó, tôi có cơ hội được gặp gỡ và chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm với những người mẹ có con tầm tuổi mình hoặc lớn hơn một ít. Và tôi có rất nhiều cơ hội được tận mắt quan sát cách người Mỹ dạy dỗ con cái của họ. 

Nhìn chung, tôi rất thích cách giáo dục con cái của người Mỹ. Tôi có thể cảm nhận rõ được sự tôn trọng con cái trong từng lời nói, hành động của họ. Trong số đó, Victoria là người tôi rất ngưỡng mộ và ảnh hưởng rất nhiều đến tôi trong cách nuôi dạy con cái. 

Tôi gặp Victoria lần đầu tiên vào một buổi chiều cách đây hơn một năm, khi cô con gái của bạn, Corine, vẫn chưa đầy 2 tuổi. Hôm ấy trời mưa, có mỗi tôi và bạn ấy đưa con đến chơi ở Gather. Tôi nhìn thấy ở Corine có một sự cởi mở, tự tin hiếm thấy của một em bé mới 2 tuổi, và khả năng đối đáp lưu loát cũng như sự sáng tạo một cách đáng kinh ngạc cho lứa tuổi đó. Buổi chiều hôm ấy, sau khi chứng kiến cách Victoria giao tiếp với Corine, tôi hoàn toàn có thể hiểu được vì sao cô bé Corine lại thông minh đến như vậy. 

Lúc tôi vừa đến, Corine vẫn đang chơi trò xếp hình. Cô bé sắp xếp các chiếc hộp từ lớn đến bé vào với nhau. Sau khi xếp xong, cô bé muốn lấy từng chiếc hộp ra để chơi lại. Cô bé thò bàn tay của mình vào kéo chiếc hộp bé nhất ra, nhưng vì kích thước giữa những chiếc hộp đó khá gần nhau, chiếc hộp bé xếp vừa khít với chiếc hộp bên ngoài nó nên cô bé loay hoay mãi vẫn không lấy ra được. Tôi liếc nhìn mẹ cô bé. Victoria lặng yên ngồi nhìn con gái loay hoay với những chiếc hộp của mình nhưng không hề phản ứng gì. Cho đến khi Corine nhìn mẹ với ánh mắt cần giúp đỡ, thì Victoria mới bắt đầu lên tiếng: “ Cách của con hình như không ổn lắm. Con thử lật ngược chiếc hộp lại xem sao?”. Corine lật chiếc hộp lại, và theo lực hấp dẫn, chiếc hộp bé tự động rơi ra khỏi chiếc hộp lớn. “Thật là kì diệu!”, cô bé thốt lên với anh mắt tràn đầy vui sướng xen lẫn ngạc nhiên.

Sau một lúc chơi chán với những chiếc hộp, cô bé Corine chuyển sang trò chơi trò búp bê. Cô bé dùng xe đẩy đưa búp bê đi chợ mua đồ ăn uống. Cô bé cho búp bê ăn, hát cho búp bê nghe và sáng tạo ra nhiều trò khác nữa. Sau đó, Corine quyết định cho bạn búp bê đi tắm. Cô bé tìm cách cởi chiếc áo cho búp bê nhưng không biết làm cách nào. Một lần nữa, cô nhìn về mẹ: “Mẹ ơi, mẹ giúp con cởi áo cho búp bê”. Victoria mỉm cười chỉ tay vào cánh tay trái của búp bê và nhẹ nhàng bảo: “Con thử cởi cánh tay bên này của bạn ấy trước xem sao?”. Cô bé làm theo lời mẹ, từ từ rút cánh tay búp bê ra khỏi chiếc áo. Cô bé lại nhìn mẹ chờ tiếp sự hướng dẫn. “Con cởi tiếp cánh tay bên kia nào”. Sau một lúc, cô bé đã cởi được cả hai cánh tay của bạn búp bê , rồi lại nhìn mẹ xem bước tiếp theo là gì. Lần này, Victoria không hướng dẫn nữa mà hỏi lại con: “ Thế bây giờ theo con mình nên làm gì tiếp?”. Im lặng suy nghĩ một lúc, cô bé Corine cẩn thận kéo toàn bộ chiếc áo ra khỏi đầu búp bê và vui sướng thốt lên: “ Con làm được rồi”. Victoria mỉm cười nhìn con với ánh mắt khích lệ, như thể muốn nói với con rằng: “ Ừ, mẹ cũng tự hào về con lắm!”.

Một lúc sau, cô bé lại muốn chơi trò dress up, một trò chơi mà các bạn bé sẽ hoá trang thành một nhân vật tưởng tượng nào đó, có thể là công chúa, bác sĩ, đầu bếp, lính cứu hoả,…Ở Gather có rất nhiều quần áo, giày dép, nón mũ phục vụ cho trò chơi này. Để tiết kiệm chỗ, người ta đặt những chiếc mũ lên thành của bức tường ngăn cách khu dress up và gian đồ hàng. (Gian đồ hàng có bàn ăn, bếp nấu, nồi niêu song chảo, tủ lạnh và các thể loại đồ ăn bằng nhựa). Các bé khoảng 3-5 tuổi có thể dễ dàng lấy những chiếc mũ ấy vì bức tường khá thấp, nhưng với các bạn bé hơn thì thường cần sự trợ giúp của người lớn. Corine muốn lấy chiếc mũ lính cứu hoả, nhưng nó lại quá cao so với cô. Cô bé nhón chân lên với lấy chiếc mũ, nhưng càng với thì chiếc mũ lại càng tụt vào sâu phía bên kia của thành tường. Victoria chứng kiến sự cố gắng của Corine nhưng vẫn ngồi yên với thái độ thản nhiên. Sau một hồi loay hoay không biết cách nào để lấy chiếc mũ, cô bé mới ngoái đầu về phía mẹ chờ sự giúp đỡ. Victoria không vội vàng lại lấy chiếc mũ cho con mà chỉ từ tốn nói: “Con thử nhảy thật cao đẩy cho chiếc mũ rơi hẳn sang bên kia thử xem”. Corine nghe lời mẹ, nhảy lên thật cao, chọc tay vào chiếc mũ. Chiếc mũ rơi hẳn sang khu nhà bếp. Cô bé chạy lon ton vào khu bếp lấy chiếc mũ ấy và mang ra khoe với mẹ, trong lòng hẳn rất sung sướng. 

Hôm ấy, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi chứng kiến cách Victoria giao tiếp với con gái.  Tôi biết người Mỹ nhìn chung đều rất khuyến khích sự độc lập ở con cái, nhưng với Victoria, nó dường như ở một đẳng cấp khác. Bạn ấy sáng tạo trong từng tình huống cụ thể với con. Cả buổi chiều hôm ấy, bạn không hề chen vào cuộc chơi của con. Thỉnh thoảng, bạn cũng tham gia vào cuộc chơi với con nếu con muốn, nhưng hoàn toàn không hướng dẫn hay chỉ đạo con chơi thế này thế kia. Bạn thư giãn và lặng lẽ quan sát con, để con tự ý thoả sức sáng tạo của mình. Khi con cần giúp đỡ, bạn ấy cũng không vội vàng lại giúp con một cách nhanh chóng, mà bạn suy nghĩ cẩn trọng xem trong việc nhờ vả ấy, việc gì mình thực sự cần giúp con, và việc gì con có thể tự làm được. Tôi nghĩ đó là một kĩ năng mà bạn đã học tập và trau dồi rất nhiều, không phải tự nhiên mà có.

Tôi thầm nghĩ về cách mình nuôi dạy con từ trước đến nay. Nếu là tôi trong trường hợp của Victoria, có lẽ tôi đã chạy ngay lại lấy chiếc hộp ra cho con, cởi chiếc áo búp bê cho con, lấy chiếc mũ cho con thậm chí trước khi con ra hiệu cần mình giúp đỡ. Tôi thường chọn những hành động thuận tiện cho bản thân mình. Rõ ràng, làm những việc đó sẽ nhanh hơn so với việc kiên nhẫn xem con loay hoay, rồi từng bước hướng dẫn con đạt được mục đích. Nhưng với Victoria thì khác. Bạn xem mỗi tình huống là một cách để giúp con sáng tạo hơn, độc lập hơn. Bạn tạo một khoảng cách vừa phải để con có thể được tự do khám phá và tạo cảm giác độc lập cần thiết cho con, nhưng cũng đủ gần để con có thể cảm thấy an toàn và tin tưởng rằng mình sẽ được giúp đỡ khi cần. 

Chỉ là một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác của hai mẹ con nhà Corine nhưng bản thân tôi thì đã học được một bài học rất lớn về cách nuôi dạy con cái. Không cần những bài học dài dòng, không cần những sự kiện to tát, Corine đã có vô vàn cơ hội để học thêm nhiều kĩ năng mới một cách nhẹ nhàng và vui vẻ chỉ bằng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Tất cả là nhờ vào một người mẹ sáng tạo, kiến nhẫn và có kiến thức nuôi dạy con cái. Và quan trọng hơn nữa, khi việc giao tiếp với con cái như cách mà Victoria làm với Corine diễn ra hằng ngày, hằng giờ, thì sức mạnh của nó trở nên thật kì diệu. Và bằng chứng là một cô bé Corine rất tự tin, độc lập, sáng tạo nhưng cũng không kém phần nhí nhảnh, đáng yêu.