Làm thế nào để vượt qua ghen tị
Một người bạn nhắn tin cho tôi thông báo vừa được thăng chức lên vị trí quản lý. Tôi nhắn tin lại chúc mừng bạn, nhưng trong niềm vui ấy có đan xen cảm giác khó chịu. Trong lúc tôi đang là bà mẹ bỉm sữa suốt ngày bận bịu với con cái, nhà cửa thì bạn tôi đang dần tìm được vị thế trong công ty mình. Tôi cảm thấy ghen tị với người bạn ấy.
Đã từ lâu nay tôi không còn lên Facebook. Có nhiều lý do tôi dùng để giải thích với mọi người việc từ bỏ nó. Rằng nó chỉ là nơi sống ảo để người ta khoe khoang cuộc sống của mình. Rằng nó chỉ có ý nghĩa với những mối quan hệ nông cạn, xã giao. Rằng nó là thứ dễ nghiện và lãng phí thời gian quá nhiều. Rằng thông tin trên đó là nhảm nhí và tiêu cực. Nhưng nếu thành thật với bản thân mình, lý do lớn nhất chính là cảm giác khó chịu mỗi lần dùng nó. Tôi nhìn những người bạn xinh đẹp, sành điệu tụ tập ở quán hàng sang chảnh, những chuyến du lịch đắt tiền, những chia sẻ về cuộc sống gia đình lãng mạn,ngọt ngào. Tôi nhấn nút like. Tôi bình luận hào hứng. Nhưng bên trong, cảm giác ghen tị đang chiếm lấn tâm hồn tôi. Cuộc sống sôi động trên Facebook ấy làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán.
Ghen tị, với tôi, là một điều đáng xấu hổ. Đồng hành cùng nó luôn là cảm giác thất vọng với bản thân mình. Hẳn là một người nhỏ nhen và ích kỉ thì mới ghen tị với hạnh phúc, thành công của những người xung quanh? Ghen tị như một vị khách không mời mà đến. Lý trí bảo tôi nó là thứ cảm xúc tồi tệ mà tôi phải tìm cách tránh xa. Thế nhưng, nó lại thường xuất hiện một cách bất ngờ và tôi bất lực nhìn nó kiểm soát hết cảm xúc trong mình.
Ghen tị làm tôi cảm thấy bất mãn hơn với cuộc sống của mình. Dù tôi có thành công đến thế nào đi chăng nữa thì sẽ luôn có người thành công hơn tôi, giàu có hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi, quyền lực hơn tôi…Thế nên, đem bản thân mình ra so sánh với người khác sẽ luôn là một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ có hồi kết. Nó tạo ra một nguồn năng lượng tiêu cực mà một một khi rơi vào đó, tất cả những gì tôi có thể thấy là sự thiếu thốn của bản thân mình. Tồi tệ hơn, nó có thể huỷ hoại mối quan hệ của tôi với những người xung quanh. Tôi quyết định tìm hiểu và học cách kiểm soát nó.
Dưới đây là một số phương pháp đã giúp tôi rất nhiều khi đối mặt với ghen tị trong mình:
Hạn chế những tác nhân dễ gây cảm xúc ghen tị trong mình
Một khi vẫn chưa kiểm soát được cảm xúc ghen tị thì giải pháp tạm thời ta có thể làm là tìm cách tránh xa những tác nhân dễ gây ra cảm xúc ghen tị trong mình. Với tôi, ghen tị thường xuất hiện mỗi lần lên Facebook. Thế nên, tôi quyết định từ bỏ nó. Điều đó giúp tâm tôi tĩnh lặng hơn rất nhiều. Bạn có thể dành một ít thời gian suy nghĩ xem những điều gì thường dễ kích động cảm xúc ghen tị trong bạn, và có cách nào giúp bạn hạn chế những điều đó.
Học cách chấp nhận cảm giác ghen tị của mình
Sự thực thì không ai muốn thừa nhận mình đang ghen tị với người khác. Người ta có thể dễ dàng cảm thông với những lo lắng, sợ hãi, căng thẳng của bạn, nhưng sẽ rất ít người cảm thông khi bạn chia sẻ cảm xúc ghen tị của mình. Tôi thường tìm cách phớt lờ cảm xúc ghen tị, thậm chí chối bỏ nó. Nhưng điều đó chỉ làm ghen tị trở nên tồi tệ hơn. Ghen tị tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực trong cơ thế mình. Nếu ta không dám đối diện trực tiếp và tìm cách cho nó thoát ra, thì nguồn năng lượng ấy sẽ bị dồn nén, mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, và chỉ chờ đợi mọi cơ hội có thể để bùng nổ.
Bây giờ mỗi lần ghen tị xuất hiện, tôi học cách mỉm cười và nhẹ nhàng tiếp đón nó. Tôi ngồi yên lặng với người bạn ấy một lúc, cảm nhận những thay đổi trong cơ thể của mình. Cảm xúc ghen tị không đến nỗi khó chịu như tôi tưởng tượng. Tôi cũng rộng lượng hơn với bản thân mình. Tôi không trách bản thân vì có những cảm xúc tiêu cực đó. Thực chất thì ghen tị là một cảm xúc rất tự nhiên của con người, và có thể coi nó là một bản năng sinh tồn trong quá khứ. Biết chấp nhận và đối diện trực tiếp với ghen tị là bước đầu tiên giúp tôi vượt qua nó.
Hướng suy nghĩ của mình đến những điều may mắn trong cuộc sống
Đây có lẽ là một trong những cách nhanh nhất giúp tôi điều chỉnh cảm xúc ghen tị của bản thân. Nó giúp tôi có cái nhìn ưu ái và hào phóng hơn về cuộc sống của mình. Có thể tôi thua kém nhiều người, nhưng sự thật thì cuộc đời đã ưu ái với tôi rất nhiều thứ. Sự thật thì cũng rất nhiều người mơ ước một cuộc sống như tôi. Tôi hướng suy nghĩ của mình đến những điều tốt đẹp cuộc sống mang lại cho tôi. Tôi thấy thật may mắn khi có một thân thể lằn lặn, khoẻ mạnh. Tôi thấy thật may mắn vì sinh ra khi đất nước đã hoà bình, không còn phải lo chiến tranh, bom đạn. Tôi thấy thật may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có đủ bố mẹ, có những người yêu thương tôi hết lòng….cứ thế, trong lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn. Và tôi bỗng thấy mình thật giàu có.
Cầu mong cho người tôi ghen tị được hạnh phúc
Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng đây là một phương pháp khá hiệu quả. Trong đạo Phật, Hỷ vô lượng (Mudita) có nghĩa là tâm thức vui mừng khi thấy điều lành của chúng sinh. Thực hành Mudita được xem là phương thuốc chữa căn bệnh ghen tị. Ta hiểu rằng hạnh phúc và thành công của một người cũng chính là hạnh phúc và thành công của tất cả mọi người. Thế nên, khi một ai đó đạt được một điều gì đó tốt đẹp hơn mình trong cuộc sống, hãy thầm chúc mừng họ. Và rồi, tự nhiên yêu thương cũng lan toả trong bạn. Mudita là cách nhìn niềm vui trong cuộc sống như một điều vô hạn.
Nếu ai đó đạt được một điều gì mà ta mong muốn, ví dụ như một ngôi nhà to chẳng hạn, ta có thể chủ động chia sẻ niềm vui cùng người ấy bằng cách nói với bản thân mình rằng: “ Thật tốt cho anh ấy. Cũng như mình, anh ấy muốn hạnh phúc. Cũng như mình, anh ấy cũng muốn thành công. Cũng như mình, anh ấy cũng muốn chu cấp cho gia đình. Cầu mong cho anh ấy được hạnh phúc. Cầu mong anh ấy đạt được nhiều thành công hơn nữa.”( Trích Dalai Lama, Desmond Tutu, Douglas Abrams trong The book of Joy)
Nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống này không phải là một cuộc cạnh tranh.
Ẩn sau cảm giác ghen tị là nỗi sợ hãi. Tôi từng nghĩ rằng thế giới này vận hành ở trạng thái khan hiếm, thể như ngoài kia chỉ có duy nhất một chiếc bánh mà nếu như ai may mắn được phần lớn hơn thì phần của tôi sẽ bị nhỏ đi. Khi một ai đó thành công, tôi cảm thấy dường như họ đã lấy đi một phần cơ hội được thành công của bản thân mình.
Nhưng thực tế, vũ trụ này dồi dào và vô tận lắm. Tôi tin sẽ luôn có cơ hội cho tôi thực hiện ước mơ của mình. Việc ai đó thành công hay giàu có không làm phần bánh của ta nhỏ hơn. Có chăng, họ chỉ làm cho chiếc bánh chung của tất cả chúng ta to ra mà thôi.
Nhắc nhở bản thân về mục tiêu của mình.
Mỗi người ở mỗi thời điểm có một cuộc sống khác nhau, mục đích khác nhau. Mục tiêu của bạn tôi ở thời điểm đó là tạo một vị thế trong công ty mình, và bạn đã nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó. Còn mục tiêu của tôi là tập trung cho gia đình nhỏ của mình. Thế nên, thay vì ghen tị với bạn mình, tôi thầm chúc mừng bạn đã đạt được mục tiêu của bạn, và cũng thầm chúc mừng tôi đang từng bước tiến gần hơn với mục tiêu của bản thân.
Việc so sánh bản thân với người khác sẽ bòn rút năng lượng và lái bạn về hướng ngược lại với mục tiêu của bản thân. Thế nên, khi cảm giác ghen tị xuất hiện, hãy nhớ lại mục tiêu của mình và tìm cách thực hiện nó. Nhớ rằng, người duy nhất mà bạn nên so sánh, đó chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. Mỗi người trong cuộc đời này có một hành trình và sứ mệnh khác nhau. Hãy tập trung vào hành trình của mình, và thế là đủ.
Trong tôi vẫn còn nhiều ghen tị, và có lẽ tôi sẽ cần cả cuộc đời này để học cách đối mặt với nó. Nhưng những phương pháp này đã giúp tôi rất nhiều. Ghen tị vẫn gõ cửa lòng tôi, nhưng nó không còn có sức mạnh trấn áp cảm xúc của tôi như ngày xưa nữa.