Làm cha mẹ

Chuyện ứng xử với con thường ngày

Chuyện đưa con đi chơi

Hôm ấy, tôi cùng chồng đẩy Thảo An đi dạo chơi. Trời mùa thu hơi se lạnh. Tôi mặc một chiếc dài tay nhẹ nhàng, còn Thảo An mặc bộ quần áo với độ dày vừa phải. Thời tiết ở đây nhiều lúc thay đổi đột ngột nên tôi thường mang thêm chăn và áo khoác cho con mỗi lần ra ngoài chơi. Ra gần đến biển, gió bắt đầu thổi mạnh, cảm giác hơi lạnh, tôi vội lấy chiếc áo khoác mỏng mặc vào cho con. Đi được một lúc, tôi đắp lên con thêm một cái chăn mỏng nữa. Cuối cùng, tôi quyết định lôi cái áo khoác của chồng ra đắp thêm cho con, miệng lẩm bẩm: ” Mùa thu gì mà lạnh vậy!”

Chồng nhìn tôi một cách khó hiểu: “Sao mẹ mặc cho con nhiều lớp thế! Con ngột quá rồi kìa!”

Tôi quay sang bảo: ” Trời đang lạnh mà! Bố không thấy mẹ nổi cả da gà rồi sao!”

Chồng tôi cười:” Biết là thế nhưng đâu đến mức trùm cả mấy lớp chăn áo cho con vậy. Tại mẹ đang thấy lạnh nên có đắp cho con bao nhiêu lớp vẫn cứ nghĩ là con đang lạnh giống mình đó thôi!”

“À! Đúng vậy thật!”

Hôm đó tôi quên không mang theo chiếc áo dự phòng cho mình. Vì có cảm giác lạnh trong người nên tôi nghĩ con cũng có cảm giác giống mình, tìm cách đắp hết cái này đến cái kia lên người con, thậm chí cả khi con thấy nóng bức, khó chịu.

Hmm, nhiều lúc cái tôi nghĩ con cần hoá ra là cái tôi cần chứ không hẳn là điều con thực sự cần!

Chuyện đồ ăn nóng lạnh

Trưa ấy, tôi nấu món cơm thịt gà rang sả – món ăn yêu thích của Thảo An. Con vừa đi chơi công viên cả buổi sáng cùng bố về, vận động nhiều nên rất đói bụng. Cơm vừa chín tới, tôi vội vàng lấy ra thổi nguội rồi trộn thịt gà cho con ăn. Con vừa háo hức cầm thìa xúc ăn thì kêu lên:” Mẹ ơi, đồ ăn nóng quá!” Rõ ràng trước khi cho con ăn, tôi đã thử và thấy vừa miệng rồi. Tôi bảo con: “Không nóng đâu! Mẹ thử rồi mà!” Con gái im lặng một lúc rồi từ từ vừa thổi vừa ăn.

Hôm khác, con muốn quả ăn táo ở tủ lạnh. Tôi gọt vỏ rồi cắt miếng ra để lên bàn cho con. Vừa bỏ miếng táo lên miệng, con kêu lên:” Mẹ ơi, lạnh quá!“. Tôi nhanh chóng bảo con: ” Không sao đâu! Chỉ hơi lạnh chút, nhưng ăn vậy ngon mà!” Sau một lúc ngần ngừ, con cũng ăn gần hết quả táo.

Câu chuyện nóng lạnh – không nóng, không lạnh vẫn diễn ra khá thường xuyên mỗi ngày.

Một thời gian sau, tôi bắt đầu để ý không thấy con kêu ca đồ ăn nóng hay lạnh nữa. Mỗi lần lấy đồ ăn ra, con thậm chí còn không thử mà hỏi luôn: “Món này có lạnh không mẹ?” ” Cái này nguội chưa mẹ?” Tôi bỗng giật mình: “Rõ ràng là con biết phân biệt nóng lạnh, sao lại đi hỏi ý kiến mình?”

À, hoá ra từ trước đến nay, tôi đã ép đặt cảm giác của mình lên con. Tôi cho rằng trẻ con thì thích làm quá lên mọi việc: Nóng tí thì nóng quá, lạnh tí thì lạnh quá, mình là người lớn thì mới biết thực sự thế nào là nóng lạnh. Sau một thời gian, con không còn tin tưởng vào cảm giác bên trong mình nữa và nghĩ rằng chỉ có mẹ mới đánh giá đúng được vị đồ ăn.

Tôi cảm thấy có điều gì đó sai sai trong việc mình làm. Cảm giác của mỗi người một khác, tại sao tôi lại có thể vô lý bắt con lúc nào cũng có cảm giác giống mình? Chưa kể, lưỡi của tôi có thể chai hơn vì đã nếm trải rất nhiều cấp độ nóng lạnh khác nhau trong thời gian dài, không còn nhạy cảm như lưỡi của con. Kết quả của việc tôi luôn phủ nhận cảm giác của con là giờ đây con mất tin tưởng vào cảm giác của mình.

Hmm, đúng là sai thật!

Chuyện đọc sách cho con

Thảo An rất thích đọc sách. Hàng ngày, yêu cầu nhiều nhất của con có lẽ là: ” Mẹ đọc sách cho con!”

Những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi hào hứng chấp nhận lời đề nghị đó. Tôi có thể ngồi đọc cho con cả chục cuốn sách một lúc. Tôi cảm thấy vui xen lẫn chút tự hào vì đã truyền được nguồn đam mê đọc sách cho con. Những ngày ấy, mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng. Tôi thấy con mình thật biết nghe lời, ngoan ngoãn.

Thế nhưng những ngày trong người uể oải, mệt mỏi, thứ tôi cảm thấy rất phiền toái và khó chịu nhất lại chính là cái yêu cầu này của con. Tôi cáu kỉnh gắt lên: “Mẹ cần nghỉ ngơi! Con tìm trò khác chơi đi!” Con gái ủ rũ đi chỗ khác, một lúc sau lại quay lại đòi tôi đọc sách tiếp. Tôi vừa bực bội vừa cảm thấy tội lỗi. Những ngày ấy, tôi thấy con mình sao ương bướng, khó chiều!

Thế nên, nhiều khi con ngoan hay hư không phải ở con, mà là ở tâm trạng của tôi.

Để lại một bình luận