Để việc ăn uống của con trở nên nhẹ nhàng hơn
Bà nội vừa bay từ Việt Nam sang chơi cùng cả nhà.
Bữa tối đầu tiên, sau khi ăn xong, bố lấy cam mời bà ăn. Bà vừa đưa miếng cam lên miệng liền nhăn mặt: “Cam chua thế! Bà không ăn được đâu!”
Thảo An, ba tuổi, ngồi bên cạnh liền quay sang nói với bà: “Có đồ ăn là tốt rồi bà nội ạ!”
Cả nhà được trận cười giòn. Tôi thực sự ngạc nhiên vì cái cách con ngây ngô bắt chước bố mẹ để giải thích cho bà trong một tình huống hài hước như vậy.
======
Nguyên nhân là mỗi lần dọn đồ ăn, nếu Thảo An giận dỗi không chịu ăn món này, món kia, hay đòi hỏi một món ăn khác, chúng tôi sẽ nhắc nhở con: “Có đồ ăn là tốt rồi con gái ạ!”. Và trong trường hợp đó, chúng tôi thường để con tự quyết định với thái độ rất thoải mái:
- Con có thể chọn ăn đồ tôi đã nấu sẵn dù nó không hợp khẩu vị con
- Con có thể uống sữa, ăn bánh mì hay hoa quả (những thứ luôn có sẵn trong nhà)
- Con có quyền không ăn.
Tôi để con tự do quyết định việc ăn uống của mình với ba lựa chọn trên, phương pháp mà tôi gọi là: “Thoải mái trong khuôn khổ“.
Tôi không vội đi nấu đồ ăn khác để đáp ứng khẩu vị của con.
Tôi không dụ dỗ, nịnh nọt con ăn xong sẽ có phần thưởng.
Tôi không tỏ thái độ khó chịu, hậm hực hay ép buộc, doạ nạt con phải ăn cho bằng được.
Vì sao tôi chọn cách ứng xử này?
======
Vì tôi muốn dạy con rằng ăn uống là CHO con, KHÔNG PHẢI cho bố mẹ.
Nhiều khi vì chỉ muốn con ăn được, chúng ta thường tìm đến những giải pháp tạm thời như chiều theo sở thích của con, nịnh con, rồi khi không được nữa thì chuyển sang ép buộc, la mắng con. Điều này tạo cho trẻ ấn tượng: “Mình ăn là để cho bố mẹ!”. Những bữa ăn gia đình sẽ trở thành cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái.
Rõ ràng, người lớn chúng ta là người nắm cái quyền chủ động trong tay mình. Con cái phụ thuộc vào chúng ta để đáp ứng nhu cầu ăn uống thiết yếu cho con. Thế nhưng, vì sự lo lắng, quan tâm thái quá, vô hình chung, chúng ta trao cái quyền chủ động ấy vào tay con.
Con sẽ lợi dụng sự lo lắng của người lớn để đặt ra những yêu cầu, điều kiện cho mình:
- Bố mẹ phải cho con xem Tivi, điện thoại, hay cho con bánh kẹo thì con mới ăn
- Phải có người đút cho con ăn
- Phải có món này, món kia hợp khẩu vị với con
Bằng việc giữ thái độ bình thản và thoải mái trước việc ăn ít hay nhiều của con, tôi muốn dạy con rằng: ĂN là CHO BẢN THÂN CON. Ăn là để con cảm thấy dễ chịu, có năng lượng, giúp cơ thể con khoẻ mạnh. Nếu con chọn không ăn, thì hậu quả tự nhiên là con sẽ đói, khó chịu trong người.
Tôi không cần phải la mắng, dạy dỗ con. Tôi không cần phải trừng phạt con. Không có bài học nào có sức mạnh lớn hơn là để con thực sự trải nghiệm cảm giác đói và hậu quả của nó – một bài học rất tự nhiên của cuộc sống. Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận một vài lần con bị đói, nhưng về lâu dài, đó là bài học thiết thực nhất, là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để dạy con ý nghĩa đích thực của việc ăn uống.
======
Vì tôi muốn dạy con tin tưởng và lắng nghe cảm giác bên trong mình.
Chúng ta thường bị ám ảnh bởi nỗi sợ con đói.
Tôi cũng từng nghe nhiều người than phiền: “Con tớ không biết đói là gì!” Hay “Bé nhà tớ ham chơi lắm. Không phỉnh nịnh thì cả ngày sẽ chẳng có thìa cơm nào vào bụng!”
Điều tôi muốn nói với các bậc bố mẹ là: ĐỪNG SỢ CON ĐÓI.
Để con được đói là một điều thực sự cần thiết, vì chỉ khi đói, con mới có được sự liên kết rõ ràng của việc ăn uống và cảm giác dễ chịu khi no. Nếu không, con sẽ không hiểu được ý nghĩa thực sự của việc ăn uống. Chúng ta thường quá tập trung vào việc tìm mọi cách để con ăn no, mà quên mất rằng cách đơn giản nhất là ĐỂ CON ĐƯỢC ĐÓI.
Khi đói, con sẽ tự tìm đến đồ ăn để thoả mãn nhu cầu năng lượng – đó là bản năng sinh tồn của con người. Kể cả một em bé vừa chào đời, không cần ai dạy dỗ, khi đói đã biết khóc đòi ti mẹ. Và khi đói, cũng không đứa trẻ nào lại từ chối đồ ăn trước mặt mình (trừ khi đồ ăn đó quá tệ!).
Thế nhưng, chính chúng ta đang tước dần đi cái bản năng sinh tồn đó của con.
Chính NIỀM TIN HẠN CHẾ của chúng ta về con là RÀO CẢN trong việc giúp con ăn uống hào hứng và chủ động.
Chúng ta cho rằng trẻ con thì không biết được cảm giác đói, no trong mình. Chỉ người lớn chúng ta mới biết được con nên ăn lúc nào, ăn cái gì, ăn bao nhiêu cho đủ. Thay vì tôn trọng và lắng nghe nhu cầu ăn uống của con, chúng ta can thiệp quá sâu. Kết quả là chúng ta căng thẳng, mệt mỏi khi con không ăn theo ý mình. Tự chúng ta tạo cho con những thói quen xấu trong ăn uống. Và nguy hiểm hơn, chúng ta làm con mất đi kết nối với cảm giác bên trong cơ thể mình.
Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân tin tưởng vào bản năng tồn tại của con. Con biết cơ thể con cần gì. Khi đói, tự con sẽ biết tìm đến đồ ăn, và con sẽ ăn lượng thức ăn mà con nghĩ là cần thiết. Và thỉnh thoảng, hãy cho con cơ hội được cảm nhận cơn đói.
======
Tôi muốn dạy con rằng: Có đồ ăn đã là một điều may mắn.
Từ khi Thảo An khoảng một tuổi rưỡi, tôi gần như không có chế độ ăn riêng cho con. Tôi có thay đổi cách chế biến để phù hợp hơn với khẩu vị của con như nấu nhạt hơn một tí, không bỏ hạt tiêu, không nấu đồ cay, cắt thịt nhỏ ra trước cho con… nhưng về cơ bản thì bố mẹ ăn gì, con ăn nấy.
Có những bữa con thích ăn. Có những bữa con không thích. Có bữa con ăn ít. Có bữa con ăn nhiều. Có bữa con không ăn.
Tôi học cách bình thường với điều đó. Kể cả người lớn mình cũng có những ngày lười ăn, những ngày chán ăn. Có những món hôm nay thấy ngon, ngày mai thấy chán. Thế nên, con cũng vậy thôi.
Tôi rất hạn chế việc dùng bánh kẹo hay hứa cho xem Tivi để dụ dỗ con ăn. Tôi biết cách làm này khá cám dỗ…tôi từng chứng kiến con ăn 3 phút xong bát cơm vì tôi hứa ăn xong sẽ cho con bánh ngọt. Thế nhưng về lâu dài, đây không phải là cách hay. Từ việc hào hứng với đồ ăn mẹ nấu, từ việc được ăn uống mỗi bữa cùng gia đình là niềm vui, con bắt đầu xem việc ăn uống như một hình thức cưỡng ép, buộc con phải làm nhanh cho xong để được ăn bánh kẹo. Và khi không còn bánh kẹo để dụ dỗ, con sẽ cảm thấy hậm hực, thất vọng, thậm chí bỏ ăn. Từ việc ăn là niềm vui thực sự, con xem đó là một “trách nhiệm” con phải trải qua để được phần thưởng.
Tôi cũng không bao giờ nấu nướng chỉ để chiều theo ý con. Có hôm tôi nấu món cá, con bảo thèm ăn trứng. Dù chiên thêm quả trứng không mất nhiều thời gian hay công sức, nhưng tôi không muốn tạo cho con ấn tượng rằng tôi có nghĩa vụ nấu nướng để phục vụ sở thích của con. Trong nhà sẽ luôn có đồ ăn cung cấp đủ năng lượng cho con, nhưng không phải bao giờ cũng có món ngon thoả mãn khẩu vị của con.
Cuộc sống hiện đại, chúng ta có nhiều điều kiện hơn để đáp ứng khẩu vị ăn uống của con. Nhưng càng tìm cách phục vụ khẩu vị của con, con lại càng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn trong ăn uống. Nó là một cái vòng luẩn quẩn. Kết quả là chúng ta mệt mỏi nấu nướng phục vụ con, còn con trở nên thờ ơ, hờ hững trước những món ăn đáng ra là mơ ước của nhiều đứa trẻ khác. Nhiều khi, chính chúng ta biến con thành những em bé khó tính, đòi hỏi trong ăn uống.
Tôi muốn dạy con rằng việc có đồ ăn để cơ thể không bị đói đã là một điều may mắn. Tôi muốn dạy con biết vui vẻ và trân trọng những món ăn đơn giản hàng ngày.
========
Vì tôi muốn những bữa ăn gia đình không chỉ xoay quanh việc ăn uống, mà quan trọng hơn, đó là thời gian để kết nối, chia sẻ giữa mọi người.
Trong bữa ăn, thỉnh thoảng tôi sẽ hỏi con có muốn thử món này, món kia không, con có muốn ăn thêm không, nhưng hoàn toàn với thái độ thoải mái, để con là người chủ động quyết định. Con biết trên bàn ăn là tất cả những đồ ăn chúng tôi có cho bữa ăn hôm đó, con có quyền lựa chọn ăn gì, ăn bao nhiêu theo ý con, bố mẹ sẵn sàng giúp đỡ….nhưng bố mẹ sẽ không đáp ứng thêm bất cứ một yêu cầu nào khác. Khi ăn xong, con có quyền tự rời bàn ăn và ra chỗ khác chơi. Tôi muốn con biết rằng: “Bố mẹ tin tưởng con biết lắng nghe cơ thể mình.”
Tôi cố gắng để những bữa ăn gia đình không tập trung quá nhiều vào chuyện ăn ít, ăn nhiều của con. Khi tin tưởng con, tôn trọng nhu cầu ăn uống của con, tự con sẽ cảm thấy thích thú trước mỗi bữa ăn gia đình, và chỉ việc quây quần bên bố mẹ đã là một trải nghiệm mà con muốn tham gia.
======
Có một nguyên tắc tôi rất thích trong việc tiếp cận chuyện ăn uống của con:
Bố mẹ (người lớn) có trách nhiệm cung cấp đồ ăn đầy đủ nhóm dinh dưỡng cần thiết cho con.
Con có trách nhiệm và quyền tự quyết định việc con sẽ ăn cái gì, ăn bao nhiêu.
Bố mẹ tôn trọng sở thích và lựa chọn ăn uống của con ( con có quyền ăn món này, bỏ qua món kia, ăn ít, ăn nhiều), nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ lúc nào cũng phải vất vả chiều theo khẩu vị của con.
Không có một công thức nào là hoàn hảo trong việc nuôi dạy con cái, và cũng không có một công thức nào có thể ứng dụng cho mọi đứa trẻ trong mọi trường hợp. Mọi nguyên tắc đều đòi hỏi nhiều sự vận dụng linh động ở người lớn. Và thực tế thì Thảo An vẫn có những buổi vừa ăn vừa xem tivi. Vẫn có những bữa ăn gia đình căng thẳng, khó chịu vì con đòi hỏi quá nhiều. Và không phải lúc nào tôi cũng giữ được cái thái độ điềm tĩnh cần thiết.
Nhưng nhìn chung, từ khi áp dụng nguyên tắc này, tôi cảm thấy cuộc sống làm mẹ của tôi nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn nhiều. Con cũng trở nên tự chủ, tự lập hơn trong ăn uống. Những bữa ăn gia đình cũng vì thế trở nên vui vẻ và thoải mái hơn.