Đừng dán nhãn cho con
Cậu bé một tuổi đến chỗ đông người vội nép vào lòng mẹ, ngồi lặng lẽ xem các bạn. Người mẹ vội vàng lên tiếng với người bạn bên cạnh: “Bé nhà tớ nhút nhát lắm!”
Cô bé hai tuổi thấy cái gì xung quanh cũng phải lại xem xét, khám phá, kể cả những vật dù người lớn đã cảnh cáo là không được. Người lớn trong nhà bảo nhau rằng: “Con bé này nghịch ngợm lắm. Sau này phải biết!”
Cậu bé ba tuổi thấy cốc nước trên bàn liền chạy lại cầm lên uống nhưng không may cốc nước rơi xuống sàn nhà bị vỡ. Mẹ thấy vậy liền tức tối la hét lên: “Sao mà con hậu đậu thế hả! Động cái gì hỏng cái đó!”
Cô bé bốn tuổi được bố dạy chữ cái. Dạy mãi nhưng cô bé vẫn không thể phân biệt được chữ b (B) và chữ d (D). Mất kiên nhẫn, ông bố hét lên: “Ăn phải cái gì mà dốt thế?!”
Người lớn chúng ta thường cho mình cái quyền được phán xét con cái, dù là trực tiếp với con hay gián tiếp than phiền với người khác. Khi nhìn con có một hành động gì không vừa ý, là chúng ta vội dán mác cho con bằng những tính từ tiêu cực: Ương bướng, nghịch ngợm, hỗn láo, lì lợm, đanh đá, nhút nhát, khó tính, tăng động….
Nhiều khi chỉ đơn giản là nói cho sướng miệng, cho hả cơn giận trong người, để tìm sự cảm thông với người khác, nhưng chúng ta quên mất rằng: Những lời chê bai tiêu cực như vậy có thể để lại những tổn thương tinh thần cho trẻ, và thậm chí là trẻ sẽ phải mang những tổn thương đó đến hết cuộc đời.
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng hầu hết những nhãn mác tiêu cực mà chúng ta gắn cho con cái mình thường không chính xác.
Con xô đẩy bạn khi chơi, dù được nhắc nhở nhiều lần, không đồng nghĩa là con ngỗ ngược. Con kêu gào, ăn vạ khi không được cái mình muốn không đồng nghĩa với việc con ương bướng. Con vẫn chăm chăm chạy qua đường dù bạn đã nhắc nhở là mỗi lần qua đường cần có người lớn, không có nghĩa là con lì lợm, khó bảo.
Khi còn nhỏ, bộ não các con còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ, chưa đủ trưởng thành để có thể suy nghĩ và làm mọi thứ theo logic, lý luận của người lớn. Thực tế thì phải đến bốn tuổi, phần não dùng để điều khiển cảm xúc và hành động mới bắt đầu phát triển. Và đến hơn hai mươi tuổi thì phần não ấy mới phát triển hoàn toàn.Thế nên nhiều khi người lớn chúng ta đặt ra những kì vọng quá cao cho con để rồi khi con không làm được theo ý mình thì lại buộc tội con với những tính từ tiêu cực. Trong khi đó, chỉ đơn giản là bộ não của con chưa đủ trưởng thành để làm những điều đó.
Tương tự như vậy, chúng ta thường hay mắng trẻ em phá phách, nghịch ngợm, nhưng thực ra đó là một phần phát triển tự nhiên ở trẻ. Ở độ tuổi đó, mọi thứ xung quanh con đều mới lạ, cần được khám phá. Chạy nhảy, vận động, xem xét, khám phá môi trường là cách giúp con hiểu biết thế giới xung quanh, là một phần rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ của con. Vậy nhưng, thay vì dùng những từ ngữ tốt đẹp để khuyến khích con như là: con năng động, con tò mò, con thích khám phá, thì chúng ta lại vô tình gán cho con cái mác lệch lạc như nghịch ngợm, phá phách.
Việc dán nhãn mác tiêu cực sẽ thay đổi cách đổi xử của bạn với con
Nghiên cứu chỉ ra rằng những suy nghĩ tích cực sẽ thay đổi hành động của ta theo hướng tích cực. Cha mẹ trở nên dễ chịu hơn, thoải mái hơn, kiên nhẫn hơn khi có suy nghĩ tích cực về con cái. Tương tự, ta dễ cáu bẳn, than phiền, mất kiên nhẫn, la hét, doạ nạt con hơn khi có cái nhìn tiêu cực về con cái.
Khi tập trung vào những nhãn mác tiêu cực của con, cha mẹ sẽ dễ bỏ qua những điểm tốt của con. Mỗi con người là tổng hợp của rất nhiều phẩm chất. Khi nhận xét một em bé nghịch ngợm, phá phách, ta sẽ dễ bỏ qua những phẩm chất tốt đẹp của bé. Dần dần, con sẽ xa cách với bố mẹ hơn và không còn cảm thấy an toàn để chia sẻ với bố mẹ nữa.
Khi bạn gán cho con một cái mác tiêu cực, bạn cũng sẽ không còn cố gắng cảm thông và thấu hiểu con. Ví dụ như con bạn liên tục gây gổ với em. Thay vì tìm hiểu sao con bạn lại hành động như vậy, bạn mặc định rằng vì con bạn ‘nghịch ngợm’, nên nó mới hành động như vậy. Nguyên nhân sâu xa có thể là là con đang cảm thấy tổn thương khi bố mẹ quan tâm em quá nhiều, hay con đang giận dữ về một điều gì đó và không biết trút cơn giận ấy lên ai ngoài em, hay là con đang muôn lôi kéo sự chú ý của bố mẹ. Việc vội vàng qui kết hành động của con vào những cái mác tiêu cực ấy dẫn đến việc mình không thấu hiểu con và con sẽ cảm thấy uất ức khi không được bố mẹ hiểu và thông cảm cho những cảm xúc và nhu cầu của mình.
Những nhãn mác ấy sẽ làm con tự ti về bản thân mình
Con luôn đang trong quá trình xây dựng hình ảnh bản thân. Và những lời nói của người lớn có sức ảnh hưởng rất lớn đến cách mà các con nhìn nhận bản thân mình. Một em bé lớn lên với những câu nói như: Con nghịch ngợm, dốt nát, lì lợm, ương bướng, ngốc nghếch, nhút nhát…sẽ từ từ tin bản chất mình là như vậy. Những suy nghĩ ấy qua tháng năm đi sâu vào tiềm thức của con và thậm chí sau này trưởng thành vẫn không thể thoát ra được. Sẽ thật khó khăn cho một em bé xây dựng tự tin về bản thân khi mà xung quanh em thường xuyên là những lời chỉ trích và cái nhìn tiêu cực.
Khi con cái bị dán nhãn mác tiêu cực sẽ hành động tiêu cực hơn
Bạn đã bao giờ nghe đến hiện tượng Lời tiên tri tự ứng nghiệm – Self-fulling prophecy chưa nhỉ? Đó là khi bạn tin vào một điều gì đó là đúng, mặc dù trên thực tế nó là sai, nhưng chính niềm tin của bạn tạo những thay đổi trong hành động của bạn và rút cuộc khiến kỳ vọng đó trở thành sự thật.
Khi bạn nghĩ con học kém, con cũng tin là như vậy. Khi đó, con sẽ lấy đó làm lý do cho điểm số thấp của mình và không có động lực để phấn đấu. Bạn cũng chán nản nghĩ năng lực của con chỉ đến đó nên cũng không cố gắng cùng con tìm ra giải pháp để tiến bộ. Kết quả là con bạn học kém toán thật. Tất cả chỉ bắt đầu bằng một niềm tin vô căn cứ của bạn về con mình.
Mỗi chúng ta, dù bé hay lớn, đều thay đổi theo thời gian. Một đứa bé hôm nay luộm thuộm ngày mai có thể trở nên gọn gàng. Một đứa bé lúc nhỏ nói nhiều có thể lớn lên lại trở nên ít nói. Một đứa bé lúc nhỏ nhút nhát nhưng lớn lên lại mạnh dạn. Thậm chí ở trẻ nhỏ, nhiều khi sự thay đổi này xảy ra theo tuần, theo ngày. Vội đặt con trong một khuôn mẫu, ta đã vô tình bỏ qua những tiềm năng của bé.
Có một câu chuyện rất xúc động như thế này:
Một cậu bé 7 tuổi chạy từ trường về nhà nói với mẹ: “ Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!”. Bà mẹ cẩn thận mở ra đọc, bên trong là là thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh. Nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé ngẩn người ra vì kinh ngạc. Cậu bé hỏi mẹ rằng thấy giáo viết gì trong đó.
Ngập ngừng một lát, bà mẹ đọc to lá thư cho con trai mình: “Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình.”
Nhiều năm sau đó, mẹ của cậu bé đã qua đời. Một ngày, ông xem lại những kỷ vật của gia đình và vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ trong ngăn kéo. Tò mò mở ra đọc, trước mắt ông là lá thư thầy giáo gửi năm nào. Trên đó viết: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.
Và cậu bé đó chính là Thomas Edison, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20, với hàng ngàn sáng chế quan trọngcống hiến cho nhân loại.
Đó là một câu chuyện về sức mạnh của niềm tin vào con cái. Nếu như bà Nancy, mẹ của Edison, cũng tin như lời thầy giáo phán xét rằng con mình là một cậu bé dốt nát, đầu óc lơ mơ, và truyền tải thông điệp đó đến Edison thì có lẽ nhân loại chúng ta không thể có được những bước tiến lớn như ngày hôm nay.
Nhưng bà, bằng tình thương của người mẹ, và niềm tin vào con cái, đã không ngừng khẳng định với Edison về khả năng của mình. Và kết quả thì con bà đúng là một thiên tài.
Những lời nói của người lớn chúng ta ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến con mình. Đó là nền tảng để trẻ nhìn nhận về bản thân chúng. Chúng ta có thể phá hỏng tương lai một đứa trẻ chỉ bằng những lời nhận xét tiêu cực vô thức của mình. Ngược lại, chúng ta cũng có thể tạo một nền tảng hạnh phúc, vững chắc cho con bằng những lời động viên, cỗ vũ mỗi ngày.