Năm điều nuối tiếc nhất của con người trước khi chết
Chúng ta thường bị sự hối hả của cuộc sống cũng như những mục tiêu ngắn hạn phủ mờ đi bức tranh tổng thể của cuộc đời. Chúng ta sợ hãi và trốn tránh khi nói về cái chết, nhưng chỉ khi đặt cái chết vào bức tranh ấy, chúng ta mới nhận ra điều gì thật sự có ý nghĩa với cuộc đời mình. Có những điều hôm nay chúng ta cho là ưu tiên, là quan trọng, là to tát, nhưng về cuối đời nó thực ra thật nhỏ nhặt. Và có những điều hôm nay chúng ta xem như là bình thường, hiển nhiên, về cuối đời lại thấy chúng quí giá biết bao nhiêu.
Khi nhìn cuộc sống từ phương diện của cái chết, chúng ta sẽ có đủ can đảm để vứt bỏ đi những thứ phù phiếm, vô nghĩa, và tập trung vốn thời gian quí giá của mình cho những điều thiết thực hơn.
Bronnie Ware là một nữ ý tá người Anh có nhiều năm làm công việc chăm sóc và xoa dịu tinh thần người bệnh trong những ngày cuối đời của họ. Trong những năm tháng ấy, rất nhiều bệnh nhân đã chia sẻ với bà câu chuyện cuộc đời xúc động của mình. Cuốn sách Năm điều nuối tiếc nhất của con người của bà đúc kết lại những nuối tiếc mà bệnh nhân đã chia sẻ với bà trước khi chết.
Vậy về cuối đời, con người ta thường tiếc nuối điều gì?
1. Tôi nuối tiếc vì đã sống theo mong muốn của người khác mà không đủ dũng cảm sống cuộc sống của chính mình.
Đây là nuối tiếc phổ biến nhất của đa phần những người sắp chết. Khi nhận ra cuộc sống của mình gần kết thúc và hồi tưởng lại mọi sự một cách rõ ràng, nhiều người tiếc nuối khi quá nhiều giấc mơ của họ đã không hoàn thành, mà phần lớn, đó là do lựa chọn của họ.
Khi có trong tay sự tự do về sức khoẻ và thời gian, họ đã không dám theo đuổi giấc mơ của mình. Họ làm những điều người khác cho là nên làm. Họ theo đuổi cái mà người khác định nghĩa là hạnh phúc. Họ lãng phí cả cuộc đời chạy theo cuộc sống của người khác, để khi cuối đời, họ nuối tiếc vì những giấc mơ trong mình vẫn còn dang dở. Họ nuối tiếc vì đã không đủ dũng cảm sống một cuộc sống thật với chính mình.
Les Brown từng nói: “Nghĩa trang là nơi giàu có nhất trên trái đất, bởi vì ở đây bạn sẽ tìm thấy tất cả những hy vọng và ước mơ chưa bao giờ hoàn thành, những cuốn sách chưa bao giờ được viết, những ca khúc chưa bao giờ được hát, những phát minh chưa bao giờ được chia sẻ… tất cả chỉ vì họ sợ hãi bước những bước đầu tiên, ko dám quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình”
Thế nên, để tránh nuối tiếc, hãy can đảm sống một cuộc sống của chính mình!
2. Tôi nuối tiếc đã không có đủ dũng cảm để bộc lộ cảm xúc thật của mình.
Nhiều người luôn kìm nén cảm xúc của mình chỉ vì muốn giữ hoà khí với người khác. Họ ngại thể hiện bản thân, ngại nói thẳng những suy nghĩ của mình vì sợ chỉ trích, đánh giá của người khác. Họ mệt mỏi mang một lớp mặt nạ trên mình, gồng mình thể hiện bên ngoài một con người hoàn toàn khác với con người bên trong họ. Kết quả là họ sống một cuộc sống nhạt nhẽo, hèn nhát và không trở thành người như họ thực sự mong muốn.
Kurt Cobain từng nói: “Tôi thà bị ghét vì là chính bản thân mình, còn hơn được yêu thương vì trở thành ai đó không phải là tôi.”
Thế nên, để tránh nuối tiếc, tốt nhất hãy là chính mình. Làm những điều bạn thích. Nói những điều bạn thật lòng suy nghĩ. Những người yêu thương bạn thì sẽ vẫn luôn bên cạnh yêu thương và chấp nhận con người bạn. Những mối quan hệ chân thành nhờ đó cũng sẽ luôn bền vững và lành mạnh hơn. Còn nếu ai đó không chấp nhận được điều đó, thì chúng ta cũng không có lý do gì để giữ họ lại. Dù là trường hợp nào thì cũng tốt cho chúng ta.
3. Tôi nuối tiếc vì đã dành quá nhiều thời gian cho công việc
Nhiều người đã bị cuốn vào vòng xoáy công việc, dành hết thời gian và tâm trí hi sinh cho sự nghiệp mà bỏ lỡ việc tận hưởng tuổi trẻ cùng con cái cũng như thời gian bên gia đình. Họ mải mê kiếm tiền và theo đuổi những nấc thang của sự nghiệp như thể không còn sự lựa chọn nào khác, để cuối đời nhìn lại, họ nhận ra rằng mình đã không nhất thiết phải hi sinh nhiều như vậy cho công việc.
Trước cái chết, họ nhận ra tiền bạc, vật chất, sự nghiệp không phải là điều thực sự quan trọng với họ. Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời họ vẫn là khoảng thời gian hạnh phúc bên người thân, và thứ họ trân trọng nhất vẫn là yêu thương và những mối quan hệ chân thành. Nhiều người ước gì họ đã chọn một cuộc sống đơn giản hơn để đổi lại có nhiều thời gian hơn cho những điều thật sự ý nghĩa với họ.
4. Tôi nuối tiếc vì đã không giữ liên lạc với bạn bè cũ
Thông thường, nhiều người không thực sự nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của bạn bè cho tới những ngày cuối đời. Khi sắp chết, rất nhiều người cảm thấy hối hận vì đã để vuột mất những tình bạn vàng trong nhiều năm. “Nhiều người đã quá mải mê vun vén cho cuộc sống riêng của mình mà quên đi mối dây giao kết với bạn bè. Cũng có nhiều người hối hận sâu sắc vì đã không dành thêm thời gian và những nỗ lực đáng có cho bạn bè. Tất cả họ đều nhớ đến bạn bè khi sắp lìa đời”.
5. Tôi nuối tiếc vì đã không cho phép bản thân mình được hạnh phúc hơn.
Theo Bronnie, nhiều bệnh nhân của bà đã sống một cuộc đời khổ sở, dằn vặt và chấp nhận đó là số phận của mình. Chỉ khi cuối đời nhìn lại, họ nuối tiếc nhận ra rằng hạnh phúc chính là một sự lựa chọn trong cuộc sống.
Nhiều người quá sợ hãi để thay đổi bản thân. Họ sống trong cái gọi là “sự dễ chịu” giả tạo của cuộc sống quen thuộc. Họ tự lừa dối với bản thân và những người xung quanh rằng họ đang mãn nguyện với cuộc sống của mình dù sâu thẳm bên trong, họ cảm thấy trống trải, thiếu thốn, không hài lòng.
Cũng nhiều người nhận ra, hạnh phúc hay khổ đau không hẳn do yếu tố bên ngoài, mà nằm ở thái độ của họ với cuộc sống. Họ đã chọn cho mình cuộc sống khổ đau không cần thiết, tập trung vào những mặt thiếu thốn, tiêu cực của cuộc sống mà quên trân trọng những điều quí giá cuộc sống ban tặng mình: thời gian, sức khoẻ, gia đình… Về cuối đời, họ nuối tiếc khi nhận ra mình đã hoàn toàn có thể sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Hẳn bạn cũng như tôi, chúng ta đều muốn sống một cuộc sống không nuối tiếc, hay ít nuối tiếc nhất có thể. Tôi mong rằng cuối đời nhìn lại, chúng ta có thể mỉm cười nói với bản thân mình: “Ít nhất thì tôi đã sống một cuộc sống thành thật với chính mình. Ít nhất thì tôi đã dám theo đuổi những điều có ý nghĩa với tôi. Ít nhất thì tôi đã cho phép mình được hạnh phúc”.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên ngồi lại và nhìn nhận những điều mình thực sự muốn làm, những ước mơ và giá trị sống mình muốn theo đuổi. Đó không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và chấp nhận đối diện với rủi ro, thất bại. Trên con đường ấy, lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ sẽ luôn gõ cửa ta. Nhưng đang chờ đợi ta phía bên kia là một vùng trời tuyệt vời mà ta sẽ không bao giờ có cơ hội khám phá nếu chỉ sống trong vỏ bọc an toàn của mình.
Hãy tạm bỏ qua một bên cái định nghĩa gọi là hạnh phúc hay thành công của xã hội.
Hãy tạm gạt bỏ những lo lắng về việc người khác suy nghĩ gì về mình.
Hãy tạm quên đi những kỳ vọng, mong muốn của người thân.
Hãy gác một bên những hoài nghi, sợ hãi trong bản thân mình.
Hãy ngồi lắng lại và tự hỏi bản thân:
Một cuộc sống hạnh phúc với bạn nghĩa là gì?
Điều gì thực sự có ý nghĩa với bạn?
Điều gì mang lại niềm vui, nguồn năng lượng tích cực cho bạn?
Điều gì bạn sẽ cần phải thay đổi nếu không muốn nuối tiếc về cuối đời?
Không có câu trả lời đúng hay sai. Cũng không ai có thể thay bạn trả lời những câu hỏi đó. Có thể hiện tại, bạn vẫn còn mông lung chưa có câu trả lời rõ ràng. Nhưng điều quan trọng là bạn đã dừng lại lắng nghe tiếng nói nội tâm bên trong, lắng nghe những ước mơ của mình. Điều quan trọng là bạn đã chọn cho mình một cuộc sống có chủ ý, có mục đích, thay vì vô thức chạy theo cái định nghĩa hạnh phúc, thành công người ngoài dựng lên cho mình.
Hãy can đảm sống cuộc sống của chính mình!