Phát triển bản thân

Đừng chờ đợi cảm hứng để làm việc

Tôi vốn ‘nổi tiếng’ là người có nhiều ý tưởng, kế hoạch. Trong đầu tôi luôn có hàng chục kế hoạch lớn nhỏ khác nhau: Dậy sớm thiền, học yoga, viết blog, viết sách, phát triển khoá học online, kinh doanh…

Khi một ý tưởng bắt đầu xuất hiện, trong tôi thường tràn đầy hứng khởi. Tôi nghiên cứu, lên kế hoạch, và sung sướng tưởng tượng về cái ngày mình đạt được mục tiêu ấy. Tôi dành toàn bộ thời gian và năng lượng vào đó, trong lòng tràn đầy tự tin như thể mình đã tìm ra con đường tương lai cho mình.

Nhưng rồi cái nhiệt huyết ấy chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Vài tuần sau, khi phải đối diện với một ít trở ngại, hứng thú dần trở nên mờ nhạt, tôi bắt đầu có nhiều lý do để trì hoãn công việc của mình. Tôi tự an ủi bản thân: ” Chắc việc này không hợp với mình.”, “Bây giờ chưa phải lúc.”, ” Mình không có đủ thời gian”….Cái kế hoạch ấy cứ dần bị trì hoãn. Rồi một ngày, một ý tưởng mới xuất hiện. Ý tưởng lần này có vẻ khả thi và thú vị hơn nhiều! Thế là tôi nhanh chóng từ bỏ mục tiêu cũ và chạy theo ý tưởng mới. Và thường thì nó cũng không tồn tại được lâu hơn hay kết quả tốt đẹp hơn cái cũ là mấy.

Thời đi làm, bạn cùng phòng còn nửa đùa nửa thật với tôi: “Mày đúng là chuyên gia lên kế hoạch. Cứ mỗi tuần tao lại được nghe một kế hoạch mới của mày!

Chồng tôi (lúc ấy là người yêu) sau một thời gian cũng dần mất hứng thú mỗi khi nghe tôi kể về ý tưởng mới của mình.

Mà thực sự thì đến tôi cũng bắt đầu thấy chán nản và hoài nghi về bản thân mình.

“Có phải vì tôi chưa tìm ra đúng cái mình đam mê?”

“Vì tôi không có động lực?”

“Vì tôi không có thời gian?”

“Vì tôi không có khả năng?”

Tôi không biết vì sao. Chỉ biết rằng những kế hoạch ấy cứ lần lượt đến rồi đi, còn tôi vẫn thế không khác gì.

Kết quả là tôi của hiện tại đang có ba cuốn sách vẫn ở khúc giới thiệu; một blog vẫn chưa có nội dung gì đáng kể (cùng hàng chục bản nháp), một vài khoá học online vẫn đang nằm ở dạng ý tưởng, mấy dự án kinh doanh đang ở giai đoạn ‘nghiên cứu thị trường’, và vẫn ngồi mơ mộng về một ngày nào đó có thể thiền đều đặn hay làm hướng dẫn viên yoga.

Đó có thể coi là một bảng tóm tắt ngắn cho những ‘thành quả’ năm tháng tuổi hai mươi của tôi.

========

Câu chuyện làm blog và sự thay đổi lớn trong cách làm việc của tôi

Tôi lập blog cafebuoisang.net cách đây hơn hai năm, trong một ngày tràn đầy hứng khởi. Trước đó, tôi cũng đã duy trì một blog khác nhưng nó mang tính chất như là những trang nhật ký cá nhân. Tôi viết theo dòng suy nghĩ trong đầu, không quan tâm đến mạch nội dung, chính tả hay ngữ pháp. Cafebuoisang.net là blog đầu tiên tôi tạo ra với ý tưởng viết nghiêm túc chia sẻ nội dung đến người đọc.

Trong tháng đầu tiên, tôi viết được bốn bài. Cùng lúc đó, tôi hào hứng lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho blog của mình. Tôi lang thang trên mạng, tìm đọc sách để nghiên cứu cách kiếm tiền từ blog, cách thu hút bạn đọc, lên ý tưởng cho những bài viết tiếp theo. Tôi ngồi tưởng tượng một ngày blog của mình có trăm bài viết, có ngàn người theo dõi. Cái ngày ấy có vẻ cũng không quá xa xôi!

Nhưng thực tế… thì nó chỉ duy trì được một vài tháng đầu. Cảm hứng trong tôi mất dần. Tôi bắt đầu viết chậm lại, mỗi tháng vài bài, và có những giai đoạn gần như ngừng hẳn. Cũng có những ngày cảm hứng bỗng quay lại, nhưng chỉ đủ để tôi bắt tay vào viết. Viết được giữa chừng, nguồn cảm hứng bị mất, mạch viết bị bế tắc, và tôi bỏ cuộc. Trong hai năm ấy, tôi có khoảng 18 bài viết và hơn 20 bản nháp với chủ đề khác nhau.

Tôi gần như quên mất sự tồn tại của blog này cho đến cách đây gần hai tháng khi em gái nhắn tin hỏi tôi dạo này còn viết bài mới nữa không. Tôi bất ngờ khi em nói rằng những bài viết ấy phần nào có ảnh hưởng tích cực trong suy nghĩ của em. Trước giờ tôi vẫn nghĩ chẳng ai quan tâm đến bài viết của mình.

Có một điều gì đó thôi thúc trong tôi. Cảm giác muốn viết bỗng trỗi dậy. Tôi muốn quay lại với việc viết blog của mình.

Thế nhưng, từ kinh nghiệm quá khứ, lần này tôi chào đón ý tưởng đó với tâm trạng đầy hoài nghi. “Liệu nó có lại là một ‘kế hoạch thất bại’ như hàng chục kế hoạch trước đó không?” Tôi sợ vội vàng đưa mình vào những hứng khởi nhất thời rồi lại cay đắng bỏ cuộc giữa chừng.

Tôi chia sẻ với chồng tôi về dự định lần này cũng như những băn khoăn, nghi ngờ trong tôi. Chồng gợi ý tôi thử tiếp cận kế hoạch lần này với thái độ “Showing Up” xem sao.

========

“Showing Up”

Thời điểm đó, chồng tôi đã áp dụng “Showing up” trong công việc nghiên cứu hơn một năm và có rất nhiều thay đổi tích cực trong hiệu quả làm việc của mình.

Nó có thể xem là một thái độ tiếp cận công việc. Khi muốn đạt một mục tiêu nào đó, bạn lên kế hoạch những việc cần làm và tạo ra một khoảng thời gian, không gian cố định mỗi ngày để làm việc đó. Điều quan trọng là dù muốn hay không, dù tràn đầy cảm hứng hay chán nản, cứ đến giờ đó, tại địa điểm đó, bạn bắt buộc phải xuất hiện cho công việc. Hay nói đơn giản, bạn đặt ra một lịch trình làm việc đều đặn và cam kết với nó. Bỏ qua mọi mục tiêu hay kỳ vọng, bỏ qua mọi áp lực về kết quả, việc của bạn chỉ đơn giản là showing up – xuất hiện và xắn tay lên làm.

Với phương pháp này, mỗi ngày, tôi sẽ dậy đều đặn lúc 5:30 sáng và viết bài cho đến 8:00 sáng hay đến lúc con gái dậy. Dù muốn hay không, dù cảm hứng tràn đầy hay cạn kiệt, đúng giờ ấy, tôi vẫn phải ngồi vào bàn viết. Máy tính và điện thoại của tôi bị khoá tất cả các chức năng cho đến 8:00 sáng, ngoại trừ chức năng viết văn bản. Tôi không còn cách nào khác là bắt đầu gõ những dòng chữ đầu tiên. Có những ngày tôi chỉ viết được một ít suy nghĩ vẩn vơ, có những ngày tôi viết được nhiều…nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã showing up – đã thực hiện cam kết ngồi vào bàn và viết của mình.

Chỉ sau 6 tuần, với mỗi ngày 2-3 tiếng tập trung, tôi hoàn thành 10 bài viết. Có thể với người khác thì đó là một con số bình thường, nhưng với bản thân tôi, đó là một kết quả đáng ngạc nhiên.

So với hai năm trước, tôi bây giờ không khác gì nhiều: chúng tôi cùng khởi đầu kế hoạch với một nguồn cảm hứng lớn; chúng tôi không có áp lực hay deadline gì, chúng tôi được chọn chủ đề mình thích, chúng tôi cùng có khoảng thời gian trống như nhau, và chắc chắn kỹ năng viết thì tôi bây giờ cũng chẳng khá hơn gì nhiều.

Thế nhưng tôi thấy mình của hiện tại làm việc hiệu quả hơn hẳn.

Điều duy nhất có thể lý giải cho kết quả hiện tại là thái độ và cách tiếp cận của tôi đối với công việc.

Hai năm trước tôi luôn chờ đợi cảm hứng để viết.

Tôi chỉ ngồi xuống và viết khi có cảm hứng cho một chủ đề nào đó. Và giữa chừng, khi mạch viết bắt đầu bế tắc, cảm hứng dần mất, tôi bỏ cuộc với bài viết của mình. Thế nên, hầu hết mọi bài viết đều ở dạng bản nháp. Chỉ một ít bài may mắn được hoàn thành.

Bây giờ tôi không còn chờ đợi cảm hứng để viết nữa.

Tôi vẫn bắt đầu mỗi bài viết với cảm hứng về một chủ đề mình quan tâm. Nhưng khi đã cam kết với một chủ đề rồi, tôi quyết tâm không rời xa nó. Dù thích hay không, đến giờ ấy, tôi vẫn phải ngồi vào bàn và mở máy tính ra. Dù thích hay không, tôi vẫn phải viết. Dù thích hay không, tôi vẫn phải cam kết với chủ đề mình đã lựa chọn. Tôi bỏ ngoài tai những lời dụ dỗ: “Ý tưởng này chán lắm. Sẽ chẳng ai đọc đâu!” Hay “Ý tưởng kia có vẻ nhiều tiềm năng hơn kìa!”. Tôi ngồi với ý tưởng của mình, vượt qua những nghi ngờ, bế tắc, và kiên trì cho đến khi có một sản phẩm hoàn chỉnh, dù có thể nó không tốt như tôi mong đợi.

Tôi nhận ra bấy lâu nay, việc ngồi đợi cảm hứng là lý do chính cản trở tôi đến với mục tiêu của mình. Nếu được quay lại nói với tôi của những năm tháng hai mươi đó, tôi muốn nhắn nhủ rằng: ” Đừng chờ đợi cảm hứng nữa. Hãy bắt tay vào làm đi!”

VÀ TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC RẰNG:

Cảm hứng thường không xuất hiện khi tôi cần

Tôi từng tin mình phải có cảm hứng mới có thể bắt tay vào làm việc, đặc biệt là trong công việc sáng tạo. Ngày ấy, thỉnh thoảng tôi còn lên Youtube tìm kiếm “Motivational Videos” để giúp mình có động lực. Kết cục là tôi mất 2-3 tiếng lang thang trên mạng còn việc cần làm thì vẫn chưa động tay vào. Tôi cứ ngồi đợi cảm hứng đến để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, tập thể dục, viết lách…núi công việc thì ngày càng cao, nhưng cảm hứng thì vẫn ở đâu không thấy.

Cảm hứng không thể đưa tôi đi xa trong công việc

Cảm hứng là một điều tuyệt vời, mang lại một nguồn năng lượng tích cực rót đầy dòng chảy sáng tạo trong tôi. Nhưng nếu chỉ ngồi chờ đợi nó xuất hiện, tôi sẽ chẳng làm được việc gì. Nó có thể đồng hành cùng tôi trong quãng đường ngắn, nhưng muốn đi xa, tôi cần phải rèn luyện tính kỷ luật tốt hơn. Cảm hứng cứ xuất hiện lúc nó muốn, còn tôi vẫn cứ phải làm những việc cần làm.

Tôi có thể hết cảm hứng kể cả với công việc mình đam mê

Trước đây, tôi cho rằng đam mê và cảm hứng là một: nếu tìm được đúng việc mình đam mê thì cảm hứng lúc nào cũng tràn đầy. Bây giờ tôi nhận ra đam mê và cảm hứng không phải lúc nào cũng đi liền với nhau.

Đam mê là niềm yêu thích, khao khát, là cảm giác hài lòng, thoả mãn khi theo đuổi một điều gì đó đến cùng. Nó âm ỉ, thôi thúc ta trong một khoảng thời gian dài. Nó là tiếng nói nội tâm bên trong, dù nhiều lần bị lãng quên nhưng nó luôn ở đó, thì thầm mời gọi ta đến với nó.

Còn cảm hứng là cảm xúc nhất thời. Nó thường xuất hiện một cách ngẫu nhiên và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Dựa vào cảm hứng làm việc để đánh giá đam mê dễ làm chúng ta nghi ngờ việc mình đang làm và vội vàng bỏ cuộc đi tìm ”đam mê” khác…cái vòng luẩn quẩn mà tôi của tuổi hai mươi mắc phải.

Tôi đang học cách cam kết với bản thân mình trước mỗi dự định. Khi đã xác định một mục tiêu, tôi cho phép mình hai đến ba năm để thử nghiệm và đồng hành cùng nó. Tôi quyết tâm không để những cảm hứng tạm thời vùi dập mục tiêu của mình. Tôi cam kết với bản thân sẽ không vội vàng bỏ cuộc khi chán nản, khó khăn, nghi ngờ xuất hiện. Có thể cuối con đường tôi sẽ thất bại, nhưng ít nhất tôi cũng có thể tự hào nói với bản thân mình rằng: “Tôi đã nghiêm túc thử con đường ấy!”

Hãy hành động rồi cảm hứng sẽ đến

Tôi nhận ra khi càng dành nhiều thời gian ngồi viết, tôi càng tạo nhiều cơ hội cho cảm hứng xuất hiện. Có nhiều bài viết tôi bắt đầu một cách ép buộc, chán nản, nhưng sau khoảng 30 -45 phút, cảm hứng bỗng xuất hiện và dòng sáng tạo của tôi trở nên dồi dào.

Hơn nữa, khi bắt tay vào làm một điều gì đó, cảm giác hoàn thành những mục tiêu nhỏ là động lực tuyệt vời giúp tôi tự tin làm những việc tiếp theo. Thế nên, đừng chờ đợi cảm hứng để hành động, hãy hành động để có cảm hứng!

========

Tôi ước mình có thể ngồi đây nói với bạn: “Nhờ phương pháp “showing up” – xuất hiện với công việc – mà tôi mới có được thành công ngày hôm nay. Tôi đã xuất bản được hai cuốn sách đầu tay. Blog của tôi đã có ngàn người theo dõi…. Tôi là một bằng chứng điển hình cho việc đừng chờ đợi cảm hứng để làm!” (Tưởng tượng vậy cũng đủ thấy vui rồi!)

Thực tế thì bây giờ tôi vẫn chưa có gì để chứng minh cho bạn. Tôi chưa có cuốn sách nào. Blog của tôi vẫn chỉ có một ít bài viết và vài bạn đọc. Và tôi cũng không biết liệu kế hoạch lần này có đưa mình đi đến đâu không.

Nhưng ít nhất, thử nghiệm viết blog sáu tuần qua cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về cách tiếp cận công việc của mình. Tôi nhận ra rằng chỉ có cam kết và kỷ luật bản thân mới đưa tôi đi xa. Còn không, tôi vẫn cứ ngồi đây mơ mộng viễn vông về một ngày nào đó…

Tôi chưa biết công thức của thành công, nhưng tôi nhận ra con đường chắc chắn sẽ dẫn mình đến thất bại: Ngồi chờ đợi cảm hứng để bắt tay vào làm!

VẬY NÊN, HÃY XẮN TAY LÊN LÀM VIỆC NGAY CẢ KHI BẠN KHÔNG THẤY THÍCH THÚ!

Trả lời