Phát triển bản thân

4 lý do bạn không nên quá quan tâm người khác nghĩ gì

Bạn luôn mệt mỏi, lo lắng người khác nghĩ gì về mình?

Bạn dè dặt, cẩn trọng từng lời nói, cử chỉ vì sợ làm phật lòng ai đó?

Bạn sẵn sàng bỏ mặc mong ước của bản thân để tìm kiếm sự chấp thuận bên ngoài?

Bạn lấy thước đo của người khác để đánh giá thành công và hạnh phúc của mình?

Nếu giống tôi, hẳn bạn cũng đang gặp phải vấn đề:

Quá quan tâm người khác nghĩ gì về mình!

Nếu để ý, bạn sẽ thấy phần lớn suy nghĩ của chúng ta xoay quanh việc: “Người ta đang nghĩ gì về mình?”, “Mình có làm phật lòng ai đó không?”, ” Người ta có hài lòng về mình không?”… Chúng ta để cảm xúc, hành động, quyết định của mình bị chi phối quá nhiều bởi cái gọi là “suy nghĩ của người khác”

Quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác là một điều tốt. Nó giúp chúng ta có những ứng xử đúng mực, tránh làm tổn thương nhau. Làm một ai đó vui vẻ, tinh thần ta cũng phấn chấn hơn. Và chúng ta cũng có thể học hỏi rất nhiều từ những ý kiến, góp ý của người khác.

Thế nhưng, việc quá lo lắng về suy nghĩ của người khác lại thường chi phối cuộc sống chúng ta theo hướng tiêu cực. Nó buộc ta đeo một lớp mặt nạ giả tạo, gồng lên thể hiện một con người khác với con người chân thực bên trong mình. Chúng ta mệt mỏi cân nhắc từng câu nói, hành động. Chúng ta thấp thỏm phỏng đoán suy nghĩ của người khác về mình. Chúng ta làm những điều người khác cho là nên làm. Chúng ta chạy theo cái mà người khác định nghĩa là hạnh phúc. Chúng ta để họ chi phối những quyết định quan trọng của cuộc đời mình. Nó làm cuộc sống của ta thực sự mệt mỏi, khổ sở.

Vậy, lo lắng về suy nghĩ của người khác có thực sự cần thiết không? Hay chính chúng ta đang tự tạo rắc rối cho cuộc sống của mình?

Hãy cùng khám phá sự thật đằng sau cái gọi là “người khác nghĩ gì về mình” nhé!

1. Sự thật thì người khác không quan tâm nhiều về bạn như bạn nghĩ

“Chúng ta dành tuổi hai mươi, ba mươi cố gắng để hoàn hảo, vì chúng ta lo sợ người khác nghĩ gì về mình. Bước vào tuổi bốn mươi, năm mơi, chúng ta quyết định sẽ sống tự do và không quan tâm ai đó nghĩ sao về mình nữa. Cuối cùng đến sáu mươi, bảy mươi, chúng ta nhận ra rằng: sự thực thì chưa ai từng quan tâm đến chuyện của mình cả.

Họ chưa từng. Chưa bao giờ. Và sẽ không bao giờ.” – Elizabeth Gilbert

Nghe qua, bạn có thể cảm thấy thế giới này thật lạnh lùng, nhưng nếu dừng lại một chút, bạn sẽ thấy có rất nhiều sự thật trong đó.

Bạn có thể xấu hổ, dằn vặt bản thân cả mấy ngày vì một bài thuyết trình thảm hại. Bạn tưởng tượng đồng nghiệp đang chế diễu, cười nhạo sau lưng mình. Nhưng khả năng cao thì họ đã nhanh chóng quên đi bài nói của bạn ngay khi bước chân ra khỏi cuộc họp. Tâm trí họ đã nhanh chóng chuyển về lo lắng cho đống công việc trước mắt, cho những vấn đề riêng của họ.

Hay đơn giản, bạn được mời đến dự một bữa tiệc. Bạn trầm trồ khen chiếc váy của người bạn bên cạnh. Bạn thầm đánh giá một chiếc túi chẳng hợp tông gì của người bạn khác. Thử đoán xem bạn dành bao nhiêu thời gian cho những suy nghĩ đó? Khả năng cao, nó chỉ diễn ra trong giây lát, và suy nghĩ của bạn vội quay về với bản thân mình: “Mọi người đánh giá bộ váy hôm nay của mình thế nào? Có ai để ý đến mình không? Mình đủ nổi bật chưa?” Người khác cũng vậy thôi. Họ có thể dành ít giây phút nghĩ về bạn, nhưng họ còn nhiều thứ đáng để bận tâm hơn.

Chúng ta thường cho mình là trung tâm của vũ trụ, cho rằng mọi thứ xoay quanh bản thân mình. Sự thực thì không ai nghĩ nhiều về chúng ta vậy đâu! Điều đó có thể làm bạn thấy buồn, nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, nó cũng có thể là sự giải phóng cho bạn khỏi nhiều áp lực không cần thiết.

Hãy mặc lên mình bộ quần áo bạn thích.

Hát những câu hát ngớ ngẩn.

Nhảy một điệu nhảy ngô nghê.

Làm những điều bạn thích thú.

Vì khả năng cao, sẽ chẳng ai để ý đâu!

2. Điều bạn nghĩ người khác nghĩ về mình không hẳn là sự thật

“Chúng ta đau khổ nhiều trong trí tưởng tượng của mình hơn là trong sự thật” ―Lucius Annaeus Seneca

Tôi có một người em chơi với nhau khá thân. Mỗi lần về Việt Nam có dịp gặp mặt là hai chị em hàn huyên tâm sự đủ thứ chuyện, nhưng khi quay lại Mỹ thì chúng tôi lại gần như mất kết nối. (Tôi rất kém trong việc giữ liên lạc qua điện thoại, tin nhắn với mọi người!) Có một dạo dài chúng tôi không nói chuyện với nhau. Tôi khá dằn vặt, nghĩ chắc em đang giận dỗi, trách cứ vì sự vô tâm của mình. Một hôm, tôi quyết định nhắn tin cho em. Trước sự ngạc nhiên của tôi, em nhanh chóng nhắn lại: ” Chị ơi, lâu rồi không thấy chị liên lạc, em đang lo không biết chị giận em chuyện gì !!!

Hoá ra bấy lâu nay, tôi nghĩ là em đang trách tôi vô tâm để rồi tự dằn vặt bản thân mình. Còn em lại cho rằng tôi giận em dù sự thực không phải vậy. Chúng tôi đã tự dằn vặt, chỉ trích bản thân một cách không cần thiết chỉ dựa trên những tưởng tượng méo mó trong đầu.

Phần lớn những điều chúng ta nghĩ người khác nghĩ về mình chỉ là phỏng đoán, giả định của chính chúng ta, không hẳn là cái người khác thực sự nghĩ về mình. Chúng ta thường nghe cái ta muốn nghe, nhìn cái ta muốn nhìn, lựa chọn điều mà ta muốn tin. Chúng ta phỏng đoán suy nghĩ của người khác qua thế giới quan của mình, và phần lớn thì chúng méo mó, sai lệch với sự thật.

Khi ta tin mình là người vô tâm, ta mặc định người khác cũng đang nghĩ ta vô tâm.

Khi ta tin mình là kém cỏi, ta mặc định người khác cũng đang đánh giá mình kém cỏi.

Khi ta tin mình là người nhàm chán, ta mặc định người khác đang nghĩ mình nhàm chán.

Hãy tự hỏi bản thân: Đây là cái NGƯỜI KHÁC THỰC SỰ NGHĨ VỀ MÌNH, hay là NIỀM TIN HẠN CHẾ CỦA TA VỀ BẢN THÂN MÌNH?

Thay vì ngồi phỏng đoán, giả định những suy nghĩ của người khác, chúng ta có thể chủ động đi tìm thông tin hay hỏi trực tiếp điều mình muốn biết. Nó sẽ giải thoát giúp ta nhiều rắc rối không đáng có.

3. Bạn không thể kiểm soát được suy nghĩ, cảm xúc của người khác

Từ nhỏ, gia đình, trường học, xã hội dạy rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ. Và rồi, cái phạm vi trách nhiệm ấy dần lớn lên, chúng ta có thói quen qui chụp mọi thứ về bản thân mình. Chúng ta cho rằng mình phải chịu trách nhiệm cho suy nghĩ và cảm xúc của người khác.

“Không ai có quyền làm bạn tổn thương trừ khi bạn…cho họ cái quyền đó”. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Tương tự, người khác cũng phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc và suy nghĩ của họ.

Chúng ta không thể kiểm soát được suy nghĩ hay cảm xúc của người khác. Việc họ nghĩ gì về bạn, đó là vấn đề của họ, phụ thuộc vào niềm tin và thế giới quan của họ. Suy nghĩ của người khác phản ánh con người bên trong họ nhiều hơn là ở bạn. Khi một ai đó vui vẻ, họ có thể khen bạn tuyệt vời. Khi tức giận, họ sẽ công kích, chế nhạo bạn. Để suy nghĩ hay cảm xúc của người khác chi phối cuộc sống của mình là chúng ta đang tự tạo ra khổ đau không cần thiết.

4. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho quyết định của mình

Phần lớn, những lời khuyên hay góp ý của người khác xuất phát từ ý tốt, muốn giúp đỡ bạn. Nhưng cũng nên nhớ rằng họ không phải gánh chịu rủi ro gì cho những lời khuyên ấy. Chỉ bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.

Người ta có thể dễ dàng khuyên bạn mua một chiếc ô tô đi lại cho thoải mái…nhưng bạn là người duy nhất ngồi lại với những áp lực tài chính đặt lên vai mình.

Người ta có thể khuyên bạn kết hôn với ai đó đi cho ổn định…nhưng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hay đau khổ, bạn là người phải trải qua.

Người ta có thể dễ dàng khuyên bạn đầu tư vào một cuộc làm ăn…nhưng chỉ bạn là người cuối cùng gánh chịu hậu quả nếu rủi ro, thất bại xảy ra.

Đặc biệt là với gia đình, người thân, chúng ta thường có áp lực phải làm họ hài lòng. Thế nhưng, đừng để những hài lòng nhất thời đó chi phối quyết định quan trọng của cuộc đời bạn. Họ có thể vui trong chốc lát khi bạn làm theo lời khuyên của họ, nhưng cách lâu dài giúp họ hạnh phúc vẫn là bạn sống một cuộc sống thực sự hạnh phúc của chính mình.

Thế nên, hãy đón nhận những lời khuyên ấy với thái độ tôn trọng, cởi mở, nhưng luôn quay về tìm sự tư vấn ở chính bản thân mình.

Lời kết

Mọi lời khuyên, góp ý đều có giá trị của nó. Nó có thể giúp bạn nhìn vấn đề từ một khía cạnh khách quan hơn. Nhưng suy cho cùng, chỉ có bạn mới thực sự nhìn rõ được vấn đề một cách sâu sắc nhất. Chỉ có bạn mới thực sự biết mình muốn gì. Và chỉ có bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho những quyết định đó.

Đừng vội vàng qui chụp suy nghĩ, cảm xúc của người khác về mình rồi chỉ trích, dằn vặt bản thân.

Đừng dựa vào suy nghĩ, thái độ của người khác để đánh giá con người bạn.

Đừng phụ thuộc ý kiến của người khác để đưa ra những quyết định quan trọng của mình.

Hãy tự biết mình là ai, giá trị của bản thân mình là gì.

Hãy tin tưởng bản thân mình để đưa ra những quyết định sáng suốt!

Trả lời