Công nghệ và cuộc sống

Tối giản hoá thông tin là gì?

Thời còn đi làm, tôi không để ý nhiều đến thói quen tiêu thụ thông tin của mình. Sau một ngày dài làm việc, tôi cho phép mình lướt mạng đọc báo, xem tin tức, lên mạng xã hội, hay rảnh rỗi nữa thì xem phim, xem Youtube một cách thoải mái. Thỉnh thoảng, tôi cũng nhận ra những tiêu cực trong thói quen này, nhưng chúng không đủ lớn để tôi quyết tâm thay đổi.

Thế nhưng, khi nghỉ việc ở nhà toàn thời gian, mọi thứ trở nên khác.

Ngoài mục đích tập trung chăm sóc gia đình, một điều quan trọng nữa với tôi là dùng khoảng thời gian này để dừng lại suy nghĩ sâu hơn về con người và cuộc sống mà tôi muốn hướng đến, tìm ra một hướng đi mới cho con đường sự nghiệp của mình. Tôi muốn sử dụng thời gian ấy một cách nghiêm túc, có chủ đích như là một công việc thật sự.

Thế nhưng, cùng với sự thoải mái về thời gian, tần suất lên mạng của tôi nhiều hơn hẳn. Thỉnh thoảng cũng có một vài thông tin hay, thú vị, nhưng phần lớn thì đó là sự lãng phí thời gian mang tính giải trí nhất thời. Điều này đi ngược với những tiêu chuẩn tôi đặt ra cho bản thân.

Tôi thấy mình cần phải thay đổi.

LỐI SỐNG TỐI GIẢN

Cùng thời điểm ấy, tôi bắt đầu thực hành lối sống tối giản: chỉ giữ lại những thứ thực sự quan trọng, thiết yếu phục vụ cuộc sống, dũng cảm vứt bỏ đi những thứ còn lại. Thay vì ôm đồm những món đồ miễn phí hay mua sắm hàng loạt những đợt giảm giá mạnh, tôi trở nên cẩn trọng với những thứ đồ mình mang về. Tôi cũng không ngần ngại vứt hay cho đi những thứ đồ không cần thiết. Căn hộ của tôi chỉ có một lượng tối thiểu đồ đạc để phục vụ nhu cầu cơ bản cho cuộc sống hàng ngày.

Điều này giúp không gian sống của tôi trở nên rộng rãi, gọn gàng hơn. Tôi không mất nhiều năng lượng để sắp xếp và lau dọn đồ đạc trong nhà, không còn tốn thời gian đi lượn lờ các trung tâm mua sắm, cũng không phải lo lắng việc chi tiêu quá tay. Nhờ vậy mà tôi có nhiều thời gian và năng lượng hơn cho những việc mình yêu thích; tâm trí trở nên thoáng đãng, thảnh thơi hơn; cuộc sống vì thế mà cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Sống tối giản là khởi đầu cho một lối tư duy mới về cuộc sống của tôi.

Không chỉ dừng lại ở sự thay đổi đơn thuần về mặt vật chất, tôi bắt đầu áp dụng tư duy tối giản cho nhiều khía cạnh khác: quản lý thời gian, tài chính, sức khoẻ, làm cha mẹ, mối quan hệ, suy nghĩ…Trước mỗi khía cạnh, tôi tìm kiếm những điều cốt lỗi thực sự nâng cao giá trị cuộc sống của mình và tập trung phần lớn thời gian và năng lượng vào đó, dũng cảm bỏ qua những thứ phù phiếm, vụn vặt, ít ý nghĩa.

Đó cũng là nguyên tắc tôi áp dụng trong việc tiếp cận thông tin của mình.

Vì bắt nguồn từ lối sống tối giản, nên tôi gọi nguyên tắc này là “tối giản hoá thông tin”, còn về bản chất, nó chỉ đơn giản là việc tiếp nhận thông tin một cách cẩn trọng.

TỐI GIẢN HOÁ THÔNG TIN

Tương tự như sống tối giản, nguyên tắc cơ bản của việc tối giản hoá thông tin là: Chủ động chọn lọc những nguồn thông tin chất lượng cao, và tập trung phần lớn thời gian tiếp nhận nguồn thông tin đó. Quyết tâm hạn chế việc tiếp nhận thụ động những thông tin chất lượng thấp.

Bộ não của ta cũng giống như một căn nhà. Khi căn nhà ấy mỗi ngày bị chất đầy những thứ đồ lung tung không cần thiết, thậm chí là rác rưởi thì hẳn nhiên, nó sẽ trở nên bừa bộn, ngột ngạt. Tương tự như vậy, khi nạp vào đầu một lượng lớn những thông tin rác rưởi, kém chất lượng, bộ não ta cũng trở nên căng thẳng, rối rắm. Trong thời đại quá tải thông tin ngày nay, việc cẩn trọng dung nạp thông tin vào đầu là một thử thách lớn, nhưng cũng là điều rất cần thiết.

Hai thước đo quan trọng của tối giản hoá thông tin

Không có một quy chuẩn cụ thể nào cho việc tối giản hoá thông tin. Nó phụ thuộc nhiều vào con người, sở thích, tính chất công việc, mục đích tiếp cận thông tin của bạn. Thế nhưng, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, có hai yếu tố quan trọng có thể làm thước đo trong việc thực hành tối giản hoá thông tin:

1. Sự chủ động trong việc tiếp cận thông tin:

Tiêu thụ thông tin thụ động là khi ta truy cập vào nguồn tin một cách thiếu chủ ý, thiếu mục đích rõ ràng.

Chúng ta thường cho rằng vì mình là người “chủ động” gõ đường link vào trang báo điện tử, là người đăng nhập tên và mật khẩu vào các trang mạng xã hội, là người lựa chọn nội dung để đọc, là người lựa chọn kênh truyền hình để xem…thế nên chúng ta đang tiếp thụ thông tin một cách chủ động. Nhưng nếu phân tích kỹ, đó chỉ là thói quen lâu ngày thụ động của ta. Chúng ta lướt trên những trang tin ấy một cách vô thức, không có một mục đích cụ thể nào trước khi truy cập…ngoài một ý niệm chung chung, mơ hồ là tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ.

Trong tối giản hoá thông tin, mục tiêu của chúng ta là tiếp nhận thông tin một cách chủ động, nghĩa là ta xác định trước mục đích rõ ràng và chọn lọc kỹ càng nguồn thông tin.

Việc bạn lên mạng google tìm hiểu về “tránh trì hoãn trong công việc” có thể coi là có tính chủ động cao, nó khác với việc bạn lên mạng lướt Facebook và vô tình gặp một bài viết về chủ đề ấy.

Hay bạn lên thư viện mượn một cuốn sách về “làm cha mẹ” sẽ khác so với việc bạn vô tình xem một chương trình về việc nuôi dạy con cái phát sóng trên trên tivi.

Tiếp thụ thông tin thụ động thỉnh thoảng có thể cho bạn một vài thông tin cần thiết, nhưng cùng với đó, bạn cũng lãng phí khá nhiều thời gian cho những thông tin vô bổ khác. Khi tiếp cận thông tin chủ động, xác suất tìm được thông tin cần thiết, thông tin sâu và chính xác sẽ cao hơn nhiều.

2. Chất lượng nguồn thông tin:

Nguồn thông tin chất lượng thấp là những thông tin ăn liền, thiếu độ sâu cũng như tính chính xác. Chúng thường là những thông tin một chiều, tiêu cực, dễ gây cho ta cái nhìn lệch lạc về cuộc sống. Chúng thường nằm ngoài phạm vi kiểm soát của ta, không giúp ta thay đổi được gì cho xã hội, cũng không mang lại giá trị gì cho cuộc sống của chúng ta.

Trong tối giản hoá thông tin, mục tiêu của chúng ta là lựa chọn những thông tin chất lượng cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của ta. Đó là những thông tin ngoài mang lại mục đích giải trí, thư giãn, còn giúp ta có cái nhìn đúng đắn, tích cực về cuộc sống, cung cấp cho ta những kiến thức sâu và chính xác về chủ đề mà mình quan tâm.

Với cá nhân tôi, ví dụ về nguồn thông tin chất lượng thấp thường là: báo điện tử, mạng xã hội. Ví dụ về nguồn thông tin chất lượng cao là: Sách (sách giấy, sách điện tử), các khoá học online (Udemy, Coursera, Insight Timer).

Chỉ có bản thân mỗi người mới thực sự đánh giá được nguồn chất lượng thông tin cho mình. Ví dụ, Facebook có thể xem là nguồn thông tin chất lượng thấp với tôi, nhưng nếu bạn là một người dùng Facebook cho mục đích kinh doanh và cần ứng dụng đó để hiểu về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, thì nó có thể xem là nguồn thông tin chất lượng cao.

Hơn nữa, việc phân loại nguồn thông tin trong thực tế phức tạp hơn nhiều. Ví dụ, giữa những thông tin chất lượng thấp trên báo điện tử, có một vài chuyên mục có giá trị cao mà bạn muốn quan tâm, theo dõi. Giữa hàng tỉ thông tin vô bổ, sai lệch trên mạng xã hội, cũng có nhiều fanpage đưa những thông tin giá trị thật sự. Ngược lại, cũng có những cuốn sách nội dung rất nhảm nhí…Thế nên, việc đánh giá này chỉ là cái nhìn tổng quát với từng nguồn thông tin, còn bạn phải tự linh hoạt ứng dụng với trường hợp của mình.

Qua quan sát, tôi nhận thấy tính chủ độngchất lượng thông tin thường đi cùng nhau. Khi bạn chủ động tiếp nhận thông tin, khả năng cao nguồn thông tin của bạn cũng trở nên chất lượng hơn. Ngược lại, khi bạn tiếp thụ thông tin một cách thụ động, thì nguồn thông tin của bạn thường là kém chất lượng.

Mục tiêu của tối giản hoá thông tin là gì?

Là chúng ta muốn dành phần lớn thời gian chủ động tiếp cận nguồn thông tin chất lượng cao; hạn chế tiếp nhận thụ động thông tin chất lượng thấp.

Khi nghĩ đến tối giản hoá thông tin, tôi không muốn bạn nghĩ đến nó như là một lối sống quá kỷ luật, cực đoan. Tôi cũng không có ý định tạo một cái quy chuẩn cứng nhắc, một khuôn hình để tự chui mình vào đó.

Mục đích cao nhất vẫn là việc đi tìm sự cân bằng và tự trong chủ cuộc sống, để những thông tin chúng ta tiếp cận mỗi ngày không những mang lại những khoảnh khắc thư giản, giải trí cho mình, mà nó còn đồng hành cùng chúng ta hướng đến những giá trị tốt đẹp lâu dài trong cuộc sống.

========

Nhìn lại, tôi thấy tối giản hoá thông tin tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của bản thân. Thay vì lãng phí thời gian trên những nguồn thông tin kém chất lượng, tôi có nhiều thời gian hơn cho những thứ mang lại niềm vui thực sự cho mình. Không bị rối rắm bởi hàng đống thông tin nạp vào đầu mỗi ngày, đầu óc tôi trở nên thông thoáng hơn, vì thế nên tôi làm việc tập trung và hiệu quả hơn. Hơn nữa, những nguồn thông tin có giá trị giúp tôi có cái nhìn lạc quan, tích cực về cuộc đời, hình thành những tư duy đúng đắn hơn về cuộc sống.

Đã ba năm kể từ khi tôi bắt đầu cuộc hành trình này. Nó không dễ dàng như tôi nghĩ. Không ít thời điểm tôi thiếu ý chí, tôi thất bại trước những cám dỗ của thông tin, cuốn mình vào đó hàng giờ đồng hồ mỗi ngày…những lúc vậy, tôi lại phải quay lại xem xét cuộc sống mà tôi muốn hướng đến, những ảnh hưởng tiêu cực của thói quen dùng thông tin thụ động, và dần đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Đây thực sự là một chặng hành trình dài mà tôi sẽ vẫn còn phải chiêm nghiệm và học hỏi mỗi ngày.

========

Câu hỏi cho bạn:

  • Phần lớn thời gian tiếp nhận thông tin của bạn đang ở trạng thái chủ động hay thủ động?
  • Bạn đang tiếp cận chủ yếu nguồn thông tin chất lượng cao hay chất lượng thấp?
  • Bạn có hài lòng với việc tiêu thụ thông tin của bản thân chưa?
  • Nếu chưa, bạn nghĩ mình nên thay đổi điều gì để việc tiêu thụ thông tin mang lại giá trị tích cực hơn cho cuộc sống của bạn?

Trả lời