Ba bước cơ bản trong tối giản hoá thông tin
Quá trình tối giản vật chất và quá trình tối giản thông tin có rất nhiều nét tương đồng nhau.
Về cơ bản, đây là ba bước cụ thể trong hành trình tối giản vật chất:
- Tập kết: Lôi tất cả các đồ đạc bạn có trong nhà ra một chỗ. Bước này giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về số lượng đồ đạc mà mình đang sở hữu.
- Phân loại: Trong bước này, bạn sẽ cầm từng món đồ lên và đánh giá, phân loại xem mình nên làm gì với chúng. Về cơ bản, mọi người hay phân loại đồ làm ba nhóm: Giữ, Bỏ, Chưa xác định.
- Sắp xếp: Với những món đồ bạn quyết định giữ, sắp xếp chúng lại một cách có hệ thống, khoa học.
Tương tự như vậy, dưới đây là ba bước cụ thể trong hành trình tối giản hoá thông tin:
1. LÊN DANH SÁCH NHÓM THÔNG TIN BẠN ĐANG DÙNG
Thông tin là tất cả những thứ gì bạn nạp vào đầu. Nói chuyện với đồng nghiệp, tán gẫu với bạn bè, đọc một tờ rơi quảng cáo, tham gia một buổi hội thảo,… tất cả đều là một dạng của tiếp thụ thông tin. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn dừng lại ở nguồn thông tin mà chúng ta được tự do lựa chọn tiêu thụ trong thời gian rảnh rỗi, từ sách báo, ti vi, và thông tin mạng.
Rất khó để có thể liệt kê hết tất cả các nguồn thông tin bạn truy cập mỗi ngày. Mục tiêu của chúng ta cũng không phải là để quản lý tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt trong việc sử dụng thông tin của mình. Điều quan trọng là nó giúp ta có cái nhìn tổng quát về tình trạng sử dụng thông tin hiện tại của mình, tìm cách tối ưu để việc tiêu thụ thông tin mang lại nhiều giá trị tốt đẹp lâu dài. Thế nên để đơn giản hoá vấn đề, theo tôi, bạn chỉ cần liệt kê những nguồn thông tin chính, và cũng có thể thêm vào những nguồn thông tin dù hiện tại đang ít dùng nhưng là thứ bạn muốn tiếp cận nhiều hơn trong tương lai.
Dưới đây là ví dụ danh sách nguồn thông tin chính của tôi:
- Sách giấy và sách điện tử (kindle)
- Tivi và Kênh xem phim trực tuyến (Netfix)
- Tạp chí online
- Trình duyệt web (Safari, Firefox)
- Mạng xã hội ( Facebook, Instagram, Snapchat, Twitter)
- Các khoá học online ( Coursera, Udemy, Insight Timer…)
- Blog và Podcasts
- Báo điện tử ( Vnexpress, báo Dân Trí, Kênh 14, The New York Times, The Washington Post…)
- Youtube
Việc chia nhóm nhỏ như thế nào tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng thông tin của bạn. Bạn có thể để những trang như Facebook, Instagram, Twitter thành từng nhóm riêng biệt, hoặc cũng có thể gộp chúng lại thành một nhóm chung gọi là Mạng xã hội.
2. PHÂN LOẠI THÔNG TIN
Sau khi lên danh sách những nhóm thông tin mà bạn thường tiếp cận, việc tiếp theo là đánh giá và phân loại thông tin. Trước mỗi nhóm thông tin, bạn sẽ phải ngồi lại phân tích một cách trung thực, kỹ lưỡng để đưa ra đánh giá hợp lý.
Đây là một bước khá phức tạp, không hẳn trắng đen rõ ràng, nhưng về cơ bản, chúng ta có thể chia ra làm ba loại:
- Nguồn thông tin chất lượng thấp: Như phân tích ở trên, đây là những nguồn thông tin bạn thường tiếp thụ một cách thụ động, chất lượng thông tin ít giá trị, nhưng khả năng cám dỗ và gây nghiện lại rất lớn. Kết quả là bạn có thể lãng phí rất nhiều thời gian trên đó một cách vô thức. Với bản thân tôi, nguồn thông tin chất lượng thấp là:
- Mạng xã hội
- Báo điện tử
- Tivi và Kênh xem phim trực tuyến
- Nguồn thông tin chất lượng cao: là những nguồn thông tin mà bạn chủ động truy cập, tìm hiểu. Chúng thường là những thông tin có độ sâu, tính chính xác cao, cung cấp chủ đề bạn quan tâm, giúp bạn tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Với tôi, nguồn thông tin chất lượng cao là:
- Sách giấy và sách điện tử (kindle)
- Các khoá học online ( Coursera, Udemy, Insight Timer)
- Tạp chí online về chủ đề tôi quan tâm
- Nguồn thông tin chất lượng trung tính: Những nguồn thông tin này thường đã được qua một vòng sàng lọc và xác suất chứa những thông tin giá trị sẽ cao hơn là nguồn thông tin chất lượng thấp. Thế nhưng, trên đó cũng chứa những loại thông tin khác dễ khiến bạn bị sao nhãng khỏi mục đích truy cập. Kết quả là bạn thường mất nhiều thời gian trên đó hơn là chủ đích ban đầu. Ví dụ nguồn thông tin trung tính với tôi là:
- Blog và Podcasts
- YouTube
- Trình duyệt web
Lưu ý:
Chỉ có bản thân bạn mới thực sự đánh giá được chất lượng nguồn thông tin cho mình. Facebook có thể xem là nguồn thông tin chất lượng thấp với tôi, nhưng nếu bạn là một người dùng Facebook cho mục đích kinh doanh và cần ứng dụng đó để hiểu về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, thì nó có thể xem là nguồn thông tin chất lượng cao.
Chất lượng thông tin thường phụ thuộc vào sự chủ động và mục đích của bạn khi tiếp cận nguồn thông tin đó. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên vào Youtube hoàn toàn không có chủ đích rõ ràng, chỉ để lướt xem có gì mới không thì khả năng cao nó là nguồn chất lượng thấp. Còn bạn vào Youtube với một chủ đích rõ ràng, bạn biết mình muốn xem video chủ đề gì, của Youtuber gì, thì bạn có thể đánh giá nó là nguồn thông tin chất lượng cao hay trung tính.
Việc đánh giá này chỉ mang tính tương đối, tổng quát, không mang tính tuyệt đối. Ví dụ, giữa phần lớn thông tin chất lượng thấp trên báo điện tử, bạn có thể tìm một vài chuyên mục có giá trị cao. Tương tự như vậy, giữa hàng triệu videos chất lượng thấp trên Youtube, bạn cũng có thể tìm được nhiều Youtubers có những video giá trị cao. Thế nên, sự đánh giá ở đây chỉ mang tính tương đối, tổng quát. Điều này buộc bạn phải có những điều chỉnh linh hoạt trong những quy tắc của mình để phù hợp với nhu cầu của bản thân.
3. LÊN KẾ HOẠCH CHO VIỆC SỬ DỤNG THÔNG TIN
Về cơ bản, quy tắc chung cho việc sử dụng thông tin tối giản là:
- Hạn chế thông tin chất lượng thấp
- Khuyến khích thông tin chất lượng cao
- Cẩn trọng với thông tin chất lượng trung tính.
Dưới đây là những gợi ý cho kế hoạch tiếp cận từng nguồn thông tin từ kinh nghiệm cá nhân của tôi:
Nguồn thông tin chất lượng thấp:
Chúng ta thường tiếp cận nguồn thông tin này theo thói quen thụ động nhằm thoả mãn nhu cầu giải trí và sự tò mò của mình – một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Ai trong chúng ta cũng cần thời gian giải lao, thư giãn. Bộ não của chúng ta không cần phải lúc nào cũng vận hành tối đa công suất, tiếp thu những thứ kiến thức sâu rộng.
Vấn đề nằm ở chỗ những nguồn thông tin này thường rất hấp dẫn, dễ gây nghiện nên kết quả là chúng ta dễ bị lãng phí quá nhiều thời gian trên đó.
Trong ăn uống, việc thỉnh thoảng “nuông chiều” bản thân bằng một vài bữa ăn nhanh không lành mạnh là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu ta không tự đặt ra những kỷ luật và giới hạn cho bản thân, nuông chiều bản thân quá đà, tiêu thụ quá nhiều những đồ ăn nhanh đó, thì về lâu dài chúng ta sẽ phải gánh chịu nhiều vấn đề về sức khoẻ.
Tương tự như vậy, trong tối giản hoá thông tin, mục tiêu của chúng ta không phải là loại bỏ hoàn toàn nguồn thông tin chất lượng thấp, mà là tạo ra những giới hạn phù hợp. Chúng ta xem xét cẩn thận nhu cầu giải trí của mình và giới hạn thời gian sử dụng để chúng vẫn phục vụ mục đích giải trí của ta ở mức độ lành mạnh.
Dưới đây là ví dụ về giới hạn tôi đặt ra cho bản thân ở thời điểm hiện tại:
- Mạng xã hội: 1-2 lần/tháng. Vài năm trở lại đây, tôi gần như không vào mạng xã hội trừ một số trường hợp thực sự cần thiết. (Tôi có một fanpage trên Faceobok để giới thiệu blog cafebuoisang.net, nhưng hiện tại em gái là người duy nhất đăng bài và tương tác trên đó. Có thể trong tương lai tôi sẽ cần dùng nhiều hơn nhưng hiện tại thì nó chưa nằm trong kế hoạch của tôi.)
- Báo điện tử: Giới hạn 20 phút/ngày.
- Tivi, Kênh xem phim trực tuyến: GẦN NHƯ KHÔNG. Điều này chỉ đơn giản vì tôi không phải là người đam mê phim ảnh. Nhưng nếu với bạn, đây là nguồn giải trí chính thì bạn có thể đặt ra những giới hạn cho mình, ví dụ như 1 giờ/ngày để kiểm soát lượng thời gian tiêu thụ.
Nguồn thông tin chất lượng cao:
Tôi cho phép bản thân được thoải mái truy cập nguồn thông tin này. Thực tế, chúng vốn là nguồn thông tin cần một lượng ý chí và sự tập trung nhất định nên hiếm khi tôi phải băn khoăn, lo lắng vì thời gian sử dụng nguồn thông tin này quá nhiều. Phần lớn thời gian rảnh của tôi vẫn ưu tiên cho việc đọc sách và học vài khoá học online chủ đề tôi quan tâm.
Nguồn thông tin chất lượng trung tính:
Đây thường là nguồn thông tin có giá trị, nhưng cũng rất dễ mất nhiều thời gian nếu chúng ta không tự tạo ra giới hạn cho mình. Ví dụ, tôi thường bắt đầu lên Youtube với mục đích khá rõ ràng như xem về chủ đề nuôi dạy con cái, tìm một công thức nấu ăn… nhưng rồi nhanh chóng bị cuốn đi một cách vô thức bởi những video hấp dẫn khác. Kết quả là hai tiếng sau nhìn lại thấy mình đang xem một video nội dung hoàn toàn không liên quan với ý định ban đầu.
Thế nên, xác định trước mục đích truy cập cũng như giới hạn thời gian sử dụng sẽ giúp bạn cẩn trọng hơn khi tiếp thụ nguồn thông tin này.
Dưới đây là ví dụ về giới hạn của cá nhân tôi:
- YouTube: Giới hạn tối đa 30 phút/ngày.
- Blog, Podcasts: Giới hạn tối đa 20 phút/ngày cho mỗi nguồn thông tin.
- Trình duyệt web (Safari, Firefox): Hiện tại, tôi truy cập báo điện tử, Youtube, blog…qua trình duyệt web. Thế nên, ngoài thời gian cho những trang đó, tôi dành thêm khoảng 30 phút cho những việc cần thiết khác như tìm nội dung cho bài viết, mua sắm online một vài thứ đồ.
=========
Vậy là chúng ta đã đi qua ba bước cơ bản trong hành trình tối giản hoá thông tin:
- Liệt kê các nguồn thông tin chính bạn đang tiêu thụ, và thêm vào những nguồn thông tin bạn muốn tiếp cận trong tương lai
- Phân loại nguồn thông tin thành ba nhóm: chất lượng thấp, cao, trung tính
- Lên kế hoạch cho việc sử dụng nguồn thông tin: đặt ra những quy tắc và giới hạn thời gian sử dụng cho từng nguồn thông tin
Qua ba bước này, tôi hi vọng bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về thói quen tiêu thụ thông tin hiện tại của mình cũng như tối ưu hoá cách tiếp cận thông tin của mình. Những quy tắc mà bạn đặt ra có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với nhu cầu thông tin của bạn ở từng thời điểm. Điều quan trọng nhất vẫn là thái độ cầu tiến, sự chủ động và cẩn trọng trong thói quen tiếp thụ thông tin của bạn.
Vậy bạn đã sẵn sàng cho hành trình của mình chưa?
Hãy dành một khoảng thời gian tĩnh lặng, suy nghĩ sâu hơn về kế hoạch tiêu thụ thông tin của mình nhé!