Công nghệ và cuộc sống

Bàn về “Món quà miễn phí” của công nghệ

“Món quà mà công nghệ cho bạn càng uy lực bao nhiêu, thì bạn càng dễ bị nó lạm dụng bấy nhiêu”  – Kevin Kelly, nhà đồng sáng lập tạp chí WIRED

Chúng ta thường có thói quen qui đổi giá của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó dưới dạng tiền bạc. Ví dụ, khi muốn mua một chiếc xe máy, bạn xem xét mục đích sử dụng, tìm hiểu chức năng, giá cả của các dòng xe và cuối cùng tìm được một chiếc xe phù hợp. Khi mọi thoả thuận được thông qua: Bạn trả tiền và nhận chiếc xe máy của mình. Giá của chiếc xe máy là số tiền bạn bỏ ra. 

Thế nên, khi nhận được một sản phẩm nào đó mà không phải dùng tiền để trả, chúng ta thường mặc định chúng là miễn phí, đón nhận chúng một cách nhanh chóng, dễ dàng, thậm chí ngay cả khi không thực sự cần. 

Hiện nay, có hàng trăm ứng dụng điện thoại người dùng có thể dễ dàng tải về mà không mất tiền, hoặc chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí rất nhỏ. Thế nên với nhiều người, đó là những món quà miễn phí và vô tư chào đón chúng vào cuộc sống của mình. Chỉ cần một ứng dụng nghe qua có vẻ hay thì họ sẽ ngay lập tức tải về với suy nghĩ đơn giản“ Có mất gì đâu!”

Thế nhưng, trên thực tế, liệu điều đó có đúng?

Công ty công nghệ cũng như bất cứ một công ty kinh doanh nào khác, mục tiêu của họ vẫn là kiếm ra tiền. Trong cơ chế thị trường, không ai cho không ai cái gì. Họ tạo ra một sản phẩm được người dùng hưởng ứng thì đồng thời họ cũng cần tìm cách kiếm lợi nhuận trên những sản phẩm đó. Họ cho bạn tiện ích, giải trí, thì họ cũng cần bạn trao cho họ những thứ giúp họ kiếm ra tiền. Điều này không xấu cũng không tốt, chỉ là một sự thật của cơ chế kinh tế thị trường.

======

Vậy thì cái giá bạn phải trả cho công nghệ thật sự là gì?

1. Thời gian của bạn

Theo một nghiên cứu mới nhất của YouGov, trung bình người Việt Nam dành 4.5 giờ trên các nền tảng mạng xã hội. Trong một năm, lượng thời gian đó tương ứng với hơn 8 tháng làm việc toàn thời gian (nếu bạn đi làm 8h/ngày, tuần 5 ngày).

Thời gian là tiền bạc, vậy nếu qui đổi về tiền thì cái giá bạn phải trả cho chừng ấy thời gian là bao nhiêu?

Giả sử mức lương của bạn là 20 triệu/tháng, thì cái giá một năm bạn trả cho việc lên các ứng dụng mạng xã hội là 160 triệu ( 20 triệu X 8 tháng) – hay trung bình 13 triệu/tháng. Nếu phải trả trực tiếp 13 triệu đồng mỗi tháng cho Facebook hay Instagram để được đăng nhập vào các ứng dụng của chúng, chắc hẳn bạn sẽ không làm. Nhưng vì đang trả giá bằng thời gian nên bạn dễ bị quên mất giá trị thực mà mình đang đánh đổi. 

Không thể phủ nhận về nhiều phương diện, công nghệ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Thay vì phải đi gặp mặt một ai đó, bạn chỉ cần nhấc điện thoại lên là có thể trao đổi thông tin. Thay vì ra quán để mua sắm, bạn có thể mua thứ mình cần online chỉ với vài thao tác nhỏ. Với những ứng dụng có chức năng nhất định, rõ ràng như ứng dụng tài khoản ngân hàng, ứng dụng di chuyển như Grab, Uber, ứng dụng thời tiết…công nghệ thường giúp bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng. Nhưng với những ứng dụng như mạng xã hội hay báo điện tử, bạn dễ bị mất quá nhiều thời gian trên đó mà không mang lại giá trị nhiều cho cuộc sống của bạn.

2. Sự sáng tạo, chú ý, tập trung của bạn

Bạn có đang cảm thấy mình bị phân tán liên tục? Bạn không thể làm việc một cách hiệu quả? Nhân tố gây phân tán đó có thể là chiếc điện thoại của bạn.

Trong một thế giới đầy rẫy sự phân tán như hiện nay, sự chú ý và tập trung trở thành một tài sản vô cùng quí giá và là lợi thế cạnh tranh của chúng ta. Những công việc sáng tạo, những ý tưởng có giá trị, những dự án lâu dài có tính chất quyết định thành công trong công việc đều đòi hỏi một sự tập trung cao độ. 

Thế nhưng, công nghệ đang tạo ra một thế giới tràn ngập những yếu tố cám dỗ. Khi mà thông tin hiện diện mọi lúc mọi nơi, khi mà ai cũng có thể kết nối với bạn bất cứ lúc nào, ở đâu, khi mà việc đăng nhập vào mạng xã hội hay tin tức giải trí ở ngay trong tầm với, thì sự chú ý và tập trung của bạn ngày càng khan hiếm.

Nói cách khác, công nghệ đang vắt kiệt sự chú ý và sáng tạo của bạn. 

3. Tinh thần của bạn

Bạn thường cảm thấy thế nào sau khoảng 2-3 tiếng dành trên mạng xã hội? Bạn có cảm thấy vui vẻ, kết nối hơn? Hay bạn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, chán nản, cô đơn?

Công nghệ nói chung, và mạng xã hội nói riêng thường tự xem mình là công cụ kết nối con người với nhau, lời nơi để mọi người cảm thấy được chia sẻ và thấu hiểu hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra sự liên hệ chặt chẽ giữa việc dùng điện thoại nhiều với nguy cơ bị lo âu, trầm cảm, cô đơn, thậm chí là tự tử. Điều này đặc biệt đúng với việc sử dụng mạng xã hội. 

Mặc dù biết những hình ảnh trên mạng xã hội thường qua chỉnh sửa, chỉ thể hiện những phần nổi trong cuộc sống của người khác, bạn vẫn rất khó tránh khỏi cảm giác bất mãn khi so sánh phần nổi trong cuộc sống của người khác với phần chìm của mình. Nó sẽ làm cho lăng kính cuộc sống của bạn trở nên sai lệch. Bạn cảm thấy dường như ai cũng biết cách tận hưởng cuộc sống này một cách dễ dàng ngoại trừ bạn. Bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán.

Sự kết nối trên mạng xã hội không thể thay thế được những mối quan hệ thực sự ngoài đời. Khi bạn dùng mạng xã hội để tìm cho mình cảm giác được hiểu, được quan tâm, được thuộc về, bạn sẽ càng dễ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. 

Sử dụng điện thoại nhiều cũng có thể làm bạn cảm thấy căng thẳng hơn. Nó cho phép ai cũng có thể liên lạc với bạn bất cứ lúc nào, ở đâu. Giới hạn giữa công việc và cuộc sống cá nhân dần mất đi. Kết quả là bạn bị căng thẳng, thậm chí là suy nhược.

4.  Cơ hội tương lai của bạn

Cách bạn sử dụng thời gian phản ánh những ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Khi bạn sử dụng nhiều thời gian trên mạng xã hội, báo điện tử, etc…bạn đang hi sinh cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Chỉ cần trích ra một khoản thời gian nhỏ trong số ấy mỗi ngày vào việc tập thể dục, học thêm một kỹ năng, nói chuyện với vợ chồng, chơi cùng con cái… cũng đủ để tạo nên một sự khác biệt lớn trong cuộc sống.

Nhiều khi, chúng ta vẫn than phiền sự bận rộn trong cuộc sống hiện đại. 

Liệu điện thoại có phải là thủ phạm cho những bận rộn đó?

Liệu nó có đang chen lấn vào cuộc hôn nhân của bạn?

Liệu nó có đang lấy đi khoảng thời gian đáng ra bạn dành cho con cái? 

Liệu nó có đang là vật cản trên con đường thành công của bạn?

5. Sức khoẻ của bạn

Sử dụng điện thoại nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng não bộ của chúng ta. Việc sống chung với dòng tin nhắn liên tục và lượng thông tin tràn ngập làm cho bộ não của ta mất khả năng tập trung, trí nhớ cũng bị giảm rõ rệt. 

Sử dụng điện thoại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của người dùng. Một giấc ngủ sâu giúp chúng ta tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể hồi phục các chức năng.  Việc dùng điện thoại trước khi đi ngủ kích thích thần kinh, làm cho ta khó ngủ hơn. Cùng với đó là thời gian dùng điện thoại lạm dụng vào thời gian ngủ. Kết quả là thời gian và chất lượng giấc ngủ của chúng ta kém hơn, thậm chí dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Và hẳn, những triệu chứng như nhức mắt, đau đầu, căng thẳng thần kinh, mỏi cổ, đau lưng…có thể công nghệ cũng góp phần vào trong đó.

==========

Qua bài viết này, mình hi vọng bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, toàn diện hơn về những thứ mà bạn đang trao đổi với công nghệ. Từ đó, bạn có thể đánh giá được liệu cuộc trao đổi ấy có hợp lý hay không. Trước mỗi ứng dụng mà bạn đang dùng, hãy dừng lại và tự trả lời những câu hỏi sau sẽ giúp bạn có những quyết định sáng suốt hơn về việc sử dụng công nghệ của mình.

  • Mình nhận được gì?
  • Mình đang đánh đổi cái gì?
  • Mình nên sử dụng như thế nào để ứng dụng đó thực sự mang lại giá trị cho mình?

Hi vọng bạn có thể đàm phán cho mình một cuộc trao đổi công bằng, hai bên cùng có lợi, để công nghệ là công cụ đắc lực hỗ trợ cuộc sống, thay vì là rào cản trên con đường theo đuổi đam mê của bạn. 

*Trong bài viết này, công nghệ để chỉ chung những thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi cùng với các ứng dụng, trang web và dịch vụ trên đó, đặc biệt là những ứng dụng dễ gây nghiện cho người dùng như mạng xã hội (Facebook, Instagram, Snap chat, Youtube), các trang báo điện tử, trang xem phim trực tuyến, ứng dụng chơi game.

2 thoughts on “Bàn về “Món quà miễn phí” của công nghệ

Trả lời