Làm cha mẹ

Để việc ăn uống của con nhẹ nhàng hơn (Phần 2)

Tuần trước, sau khi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về chuyện ăn uống của con qua bài viết: “Để việc ăn uống của con trở nên nhẹ nhàng hơn”, một phản hồi phổ biến tôi nhận được là: “Cách này khó áp dụng với bé nhà mình lắm!” Bản thân tôi sau khi đăng bài cũng cảm thấy băn khoăn vì còn nhiều điều tôi muốn giải thích rõ hơn hơn nhưng không thể gói gọn trong một bài viết. Thế nên tuần này, tôi muốn viết một bài sâu hơn để phần nào đó giúp bạn tháo gỡ những vướng mắc khi đọc bài viết trên.

Bởi vì là người mẹ, tôi cũng trải qua và hiểu rõ những lo lắng, bất an thường trực về chuyện ăn uống của con: sợ con ăn không no, con thiếu chất, con tăng cân không đúng chuẩn…Đó là chưa kể nỗi sợ kinh hoàng trước mỗi trận ốm của con.

Bởi vì tôi KHÔNG muốn tạo cho bạn ấn tượng rằng việc rèn luyện qui tắc ăn uống cho con là một điều đơn giản. Thực tế, đó là một chặng hành trình dài mà bạn sẽ cần phải vượt qua rất nhiều những nghi ngờ, lo lắng bên trong mình.

Bởi vì tôi KHÔNG muốn tạo cho bạn ấn tượng rằng tôi luôn là người mẹ lý trí, điềm tĩnh như là hình ảnh mà tôi phác hoạ trong bài viết trên. Không ít lần tôi nghi ngờ về những điều tôi đang làm và quay về với việc nịnh nọt, dụ dỗ con. Không ít lần tôi nổi cáu, quát mắng con vì chuyện ăn uống.

Và tôi muốn nói với bạn rằng: Dù bạn chọn cho con ăn uống theo cách nào, tôi hoàn toàn TÔN TRỌNG, CẢM THÔNG, HIỂU, và KHÔNG CÓ Ý ĐÁNH GIÁ cách làm của bạn. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, một lựa chọn riêng. Có thể con bạn vốn khó tính hơn trong ăn uống, môi trường nơi bạn sống khắc nghiệt nên con dễ bị ốm hơn, cuộc sống của bạn bận rộn hơn… Dù lý do gì đi nữa, tôi tin rằng là mẹ, chúng ta cùng đang cố gắng mang lại những điều tốt đẹp cho con trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Đó đã là một điều đáng được trân trọng.

======

VÌ SAO CHÚNG TA CĂNG THẲNG TRONG VẤN ĐỀ ĂN UỐNG CỦA CON?

Thông thường, việc căng thẳng trong chuyện ăn uống của con không nằm ở vấn đề thời gian, công sức chúng ta bỏ ra phục vụ nhu cầu ăn uống của con, cũng không nằm ở vấn đề con cái.

Nguyên nhân của những căng thẳng ấy thường nằm ngay ở bên trong bản thân mình: Chúng ta tự đặt cho mình những áp lực, kỳ vọng, chúng ta kiểm soát quá nhiều chuyện ăn uống của con, để rồi khi con không đáp ứng được thì chúng ta thất vọng, mệt mỏi.

Muốn việc ăn uống của con nhẹ nhàng, trước hết, chúng ta cần phải thay đổi tư duy của mình.

Dưới đây là hai tư duy hạn chế phổ biến mà chúng ta thường mắc phải:

1. Con ăn ít là lỗi ở cha mẹ

Cân nặng của con là thước đo nhanh nhất ( và vô lý nhất!) mà người ngoài thường dùng để đánh giá khả năng làm mẹ của chúng ta. Khi con bụ bẫm, chúng ta được khen là những bà mẹ đảm đang, khéo léo. Khi con nhỏ gầy, chúng ta bị chê là những người mẹ vụng về, thậm chí là lười biếng.

Thế nên, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho bản thân mình: “Vì mình chưa tìm ra bí quyết để con ăn ngon miệng.”, “Vì mình nấu nướng vụng về không hợp với khẩu vị của con”, hay tệ hơn nữa: “Mình là người mẹ không biết chăm con.”

Có câu nói: “Đừng quá tự hào khi con ngoan ngoãn, cũng đừng tự chì chiết mình khi con ương bướng”. Trong nuôi dạy con cái, hãy chấp nhận có nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Việc ăn uống của con cũng vậy. Nó chỉ phản ánh nhu cầu ăn uống rất riêng của con, không đánh giá năng lực làm mẹ của chúng ta. Có những bé ăn nhiều, có những bé ăn ít. Có những em bé thể trạng tăng cân tốt, bụ bẫm, cũng có những em bé dù ăn được nhưng vẫn khá nhỏ con.

Hãy tự cho phép mình được trút bỏ những áp lực, căng thẳng không cần thiết ấy. Hãy nhắc nhở bản thân rằng khi bạn cung cấp đầy đủ đồ ăn cho con là bạn đã hoàn thành vai trò của mình. Đừng qui chụp mọi vấn đề của con lên về mình, rồi trách móc, nghi ngờ bản thân.

2. Trẻ con thì không biết phân biệt đói no, chỉ người lớn mới biết được con cần gì

Chúng ta thường tự đặt cho mình một chuẩn mực nhất định về việc ăn uống của con, rằng mỗi bữa con phải ăn bao nhiêu bát, ăn loại thức ăn gì để đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng.

Vấn đề là lượng đồ ăn mà chúng ta nghĩ con cần thường phản ánh cái nhìn chủ quan của chúng ta, không phản ánh đúng nhu cầu của con. Thậm chí, cái chuẩn mực ấy nhiều khi chỉ đơn giản là sự so sánh khập khiễng với một đứa trẻ hàng xóm: “Cháu bà A bằng tuổi cháu mình mà mỗi bữa đã ăn được cả bát cháo!” hay “Con nhà hàng xóm ít tuổi hơn con mình mà đã cao chừng ấy, nặng chừng ấy cân!”.

Chúng ta nhìn qua lăng kính của người lớn mà quên đặt mình vào vị trí của con.

Tưởng tượng, mỗi ngày ba bữa, bạn bị người khác áp đặt, mất hết mọi tự do trong ăn uống. Dù đói hay no, khoẻ hay mệt, bạn vẫn cứ phải ăn đúng loại đồ ăn người ta cấp cho bạn, phải ăn hết lượng thức ăn bày ra trước mặt. Nếu bạn không ăn hết, hay không thích, bạn sẽ thì bị người khác la mắng, doạ nạt. Liệu bạn có còn tìm thấy niềm vui trong ăn uống? Liệu bạn có còn hào hứng trước mỗi bữa ăn?

Một khi chúng ta vẫn không tin tưởng con, vẫn muốn kiểm soát sâu việc ăn uống của con, thì nó vẫn luôn là vấn đề căng thẳng. Chúng ta không những đang tự tạo rắc rối cho bản thân mình, mà còn đặt những áp lực vô lý lên con.

======

VẬY LÀM SAO ĐỂ VIỆC ĂN UỐNG CỦA CON TRỞ NÊN NHẸ NHÀNG HƠN?

Là buông bỏ những niềm tin hạn chế trên!

Điều này nghe thì dễ, nhưng làm thì khó.

Cái khó không nằm ở việc áp dụng nguyên tắc ấy như thế nào. Cái khó là chúng ta phải vượt qua những sợ hãi, lo lắng bên trong, vượt qua cái bản năng muốn bao bọc con, để có thể tự tin áp dụng phương pháp đó. Đó là chưa kể chúng ta còn phải đấu tranh với sự can thiệp, phán xét bởi quan điểm nuôi dạy con trái chiều từ những người lớn khác trong gia đình.

Có lẽ việc đầu tiên bạn nên làm KHÔNG PHẢI là thay đổi một loạt quy tắc trong ăn uống của con. Hãy làm những điều mà bấy lâu nay bạn vẫn làm.

Bạn vẫn có thể cho con vừa ăn vừa xem Tivi.

Bạn vẫn có thể hứa với con ăn xong sẽ cho ăn bánh.

Bạn vẫn có thể nấu nướng phục vụ sở thích ăn uống của con.

Nhưng điều quan trọng là bạn làm trong một tâm thế khác.

Thay vì làm với thái độ LO LẮNG, MUỐN KIỂM SOÁT, bạn làm với thái độ THOẢI MÁI, TIN TƯỞNG CON.

Bạn không còn đặt nặng cảm xúc của mình vào việc con nhiều hay ít.

Bạn tin tưởng vào khả năng lắng nghe cơ thể của con.

Bạn giải phóng cho mình cái trách nhiệm, áp lực phải cho con ăn nhiều.

Bạn giải phóng cho con cái áp lực phải ăn để chiều lòng cha mẹ.

Ví dụ:

Bạn vẫn có thể vừa cho con ăn vừa xem Tivi.

Nhưng thay vì doạ con không ăn bạn sẽ tắt Tivi, rồi thì tức giận khi con ăn ít, bạn hoàn có thể làm với thái độ thoải mái hơn: “”Đây là đồ ăn của con. Đây là Tivi mẹ bật cho con xem. Giờ là lúc con chịu trách nhiệm cho việc ăn uống của mình.”

Hay bạn vẫn có thể nấu những món thật ngon chiều theo sở thích của con.

Nhưng thay vì nịnh con, tìm cách dụ dỗ con ăn, bạn chỉ đơn giản mang đồ ăn lên đĩa và để con tự quyết định. Bạn tự tin biết rằng bạn đã làm tốt vai trò của mình, bạn tôn trọng nhu cầu ăn uống của con.

Cùng một việc, nhưng một bên bạn làm trong lo lắng, kỳ vọng, một bên bạn làm với một tâm thế tự tin, không áp lực. Con có thể thích hay không thích, ăn ít hay ăn nhiều, nhưng bạn không để điều đó chi phối cảm xúc của mình. Kết quả là bạn vui vẻ, con thoải mái hơn.

Tất nhiên, về lâu dài, sẽ có những quy tắc trong ăn uống của con bạn muốn thay đổi. Nhưng trước khi tìm cách thay đổi bên ngoài, hãy thay đổi tư duy bên trong chính bạn. Bởi chỉ khi bên trong bạn tự tin, thoải mái, bên trong con không cảm thấy áp lực, thì việc ăn uống mới trở nên nhẹ nhàng được.

Mỗi lần cảm thấy căng thẳng về chuyện ăn uống của con, hãy hít một hơi thật sâu và tự nhắc nhở mình:

  • “Tôi đã làm rất tốt vai trò của mình. Tôi đã cố gắng. Chuyện con ăn bao nhiêu không còn nằm trong phạm vi kiểm soát của tôi.
  • “Tôi tin là con sẽ biết lắng nghe cơ thể và ăn lượng thức ăn cần thiết cho con.”
  • “Tôi tôn trọng quyết định ăn uống của con”

======

Nếu con bạn vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhạy vận động, chơi vui mỗi ngày thì tôi tin rằng bạn không cần phải quá bận tâm về chuyện ăn ít hay nhiều của con.

Ăn uống là một phần quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là một phần trong bức tranh tổng quan nuôi dạy con cái. Đừng đổ dồn mọi thời gian, năng lượng và sự tập trung của bạn vào nó. Đừng để nó chi phối quá nhiều trải nghiệm làm mẹ của mình. Đừng để nó là nguyên nhân làm con dần trở nên xa cách với bạn.

Thay vào đó, hãy dùng một phần năng lượng ấy để để vui chơi, để kết nối, để lắng nghe những tâm sự của con.

Bởi cái con cần hơn vẫn là những bữa ăn vui vẻ, thoải mái, vẫn là một người mẹ khoẻ mạnh, vui vẻ, hạnh phúc bên mình.

Trả lời