Cho con cơ hội ra quyết định nhiều hơn
Hôm trước ba mẹ con mình ra bãi cát gần nhà chơi. Khang nằm ngủ trong địu mẹ, còn Thảo An thì chơi đùa thoả thích với cát.
Chơi một lúc, Thảo An quay sang hỏi mình: “Mẹ ơi, con cởi ủng ra được không?”
Tối qua vừa mưa xong nên cát hơi ướt, cộng với cái lạnh giá buốt của mùa đông nên mình rất ngần ngại.
Mình nói: “Mẹ nghĩ là không nên. Chân con sẽ lạnh lắm!”
Thảo An bảo: “Không sao đâu, con chịu được!”
Mặc dù bên trong, mình chỉ muốn nói KHÔNG ngay lập tức. Nhưng rồi mình dừng lại tự hỏi: “Có cần thiết không?”. Thực sự thì cởi ủng ra cũng chẳng nguy hiểm gì, chỉ đơn giản là chân con bị lạnh và bẩn thôi mà. Thế là mình đồng ý cho con cởi ủng chơi.
Được chơi chân trần với cát Thảo An thích lắm. Chơi một lúc, chân con tê cứng lại và thế là con chủ động lấy ủng đi vào.
Vậy là mình tránh được một cuộc dằng co, tranh cãi không cần thiết. Ba mẹ con có một buổi đi chơi rất vui vẻ với nhau.
======
Một hôm khác cả nhà ra ngoài chơi. Dù giải thích với con là thời tiết đang rất lạnh, bố mẹ cũng phải mặc nhiều lớp áo, nhưng Thảo An (4 tuổi) vẫn khăng khăng muốn mặc một chiếc áo khoác mỏng ra ngoài với cái giọng rất quen thuộc: “Con chịu được!”.
Có thể vì trong nhà có lò sưởi nên con không cảm nhận được cái lạnh bên ngoài. Mình đưa con ra hành lang để con cảm nhận cái lạnh rõ ràng hơn nhưng con vẫn không đồng ý mặc thêm áo. Ok, cả nhà vẫn vui vẻ ra ngoài, và mình mang thêm chiếc áo phòng khi con cần.
Đúng là ra đường một lúc, con thấy lạnh quá và xin mẹ mặc áo khoác vào và xin đeo thêm tất tay nữa. Còn nếu trong trường hợp con vẫn không muốn thì mình cũng tin tưởng rằng ở độ tuổi này con hiểu cảm giác bên trong cơ thể mình.
Cũng chính sự tin tưởng và để con nếm trải những hậu quả tự nhiên ấy nên mình nhận thấy những lần sau con cũng lắng nghe ý kiến của mình hơn, và ít căng thẳng trong chuyện mặc quần áo hơn.
(Cũng muốn giải thích là mình ở Mỹ nên có thể khí hậu không “độc” như ở Việt Nam nên việc nóng lạnh thường gây chút khó chịu cho trẻ nhưng không dễ gây ốm)
======
Bản năng làm cha mẹ, ai trong chúng ta cũng muốn bao bọc con, muốn con luôn làm đúng, muốn tránh cho con những sai lầm, những khó chịu. Thế nhưng, chính việc kiểm soát và ra quyết định thay con quá nhiều khi lại hạn chế sự trưởng thành và tự lập của con.
Trong những tình huống nhỏ nhặt hàng ngày, nếu có thể, cho phép mình gợi ý bạn trao quyền quyết định cho con.
Thay vì vội vàng nói KHÔNG hay yêu cầu con phải làm theo ý mình như một cơ chế tự động, hãy thử dừng lại và suy nghĩ xem: “Liệu trong trường hợp này mình có thể cho con tự quyết định được không?”
Với cá nhân mình thì những việc không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn của con và người khác, thì mình thường cho con được quyền quyết định.
Con có thể đi một đôi giày trái ( thậm chí có những lúc đi hai giày khác nhau).
Con có thể mặc một chiếc áo trở trước ra sau.
Con có thể đi ủng trời nắng.
Con có thể ăn thịt gà chấm đường ( và bánh ngọt chấm muối!)
Con có thể thí nghiệm ăn canh bằng đũa.
Con có thể uống nước bằng bát ăn cơm.
Những giới hạn này là tuỳ ở bạn, phụ thuộc vào quan điểm hay văn hoá nơi bạn sống. Nó cũng phụ thuộc vào độ tuổi và sự hiểu biết của con bạn.
Mình chỉ muốn nói rằng nếu có thể hãy đơn giản hoá những chuyện nhỏ nhặt và cho con nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn cách làm của mình.
========
Điều này sẽ làm cho hành trình làm cha mẹ của bạn bớt áp lực và thực tế nó cũng hiệu quả hơn.
1. Hậu quả tự nhiên là bài học hiệu quả nhất cho con.
Bản năng con người là tìm kiếm sự thuộc về trong cộng đồng, tìm kiếm sự ghi nhận, tìm kiếm sự thoải mái, dễ chịu. Thế nên, thay vì chúng ta doạ nạt, ép buộc con phải theo ý mình, để cho con cơ hội được trải nghiệm những thất bại, những hậu quả tự nhiên để con tự rút kinh nghiệm cho lần sau.
Thịt gà chấm đường không ngon thì lần sau con tự động tránh.
Canh không thể ăn bằng đũa thì lần sau con thay bằng thìa.
Mặc áo mỏng ra đường lạnh thì lần sau con tự biết mặc đủ ấm.
Con không ăn thì lúc đói khó chịu sẽ xin mẹ ăn.
Không có bài học nào mạnh mẽ hơn là những bài học tự nhiên như vậy.
2. Con sẽ học cách đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Chúng ta không thể bên cạnh con suốt cuộc đời để đưa quyết định thay con. Một cách hiệu quả để dạy con đưa ra quyết định đúng là cho phép con được đưa ra quyết định sai.
Việc rèn luyện kỹ năng quyết định cũng như rèn luyện cơ bắp, càng thực hành nhiều thì kỹ năng đó sẽ tốt hơn.
Những quyết định sai lúc bé sẽ là bài học giúp con tránh những sai lầm lớn khi con trưởng thành. Mình từng nhớ một người mẹ chia sẻ kinh nghiệm dạy con (8 tuổi): “Tôi thà để thằng bé phí phạm số tiền tiết kiệm của nó vào một món đồ chơi vớ vẩn mà tôi chắc là nó sẽ nuối tiếc để tự rút ra bài học cho bản thân bây giờ….còn hơn là nhìn nó sau này lớn lên bị ngân hàng thu hồi nhà cửa vì tiêu xài phung phí”.
Những cái giá cho lỗi lầm lúc nhỏ thường rẻ hơn nhiều so với lúc trưởng thành.
Thế nên, hãy cho phép con cơ hội được vấp ngã, được mắc lỗi lầm từ bây giờ.
3. Con cảm thấy được phần nào làm chủ cuộc sống
Rõ ràng trong công việc, chúng ta muốn một người lãnh đạo đặt ra những yêu cầu và kỳ vọng rõ ràng, nhưng cũng đủ tin tưởng để cho ta có quyền quyết định và tự chủ trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Và con cũng không phải là ngoại lệ. Con cũng muốn có cảm giác tự chủ nhất định trong cuộc sống của mình.
Hằng ngày con đã phải chịu sự chỉ đạo rất nhiều của người lớn : dậy lúc nào, ăn món gì, đi đâu, làm gì…Đến trường con lại phải theo sự chỉ đạo của thầy cô. Rõ ràng nhiều điều không thể tránh khỏi, nhưng đừng lợi dụng uy quyền của mình thái quá và bắt con làm mọi thử chỉ đơn giản cho sự tiện lợi của người lớn.
Trong những trường hợp không cần thiết, hãy cho con được quyền quyết định, để con cảm thấy tự chủ hơn trong cuộc sống.
4. Khi cảm thấy được tin tưởng và tôn trọng, con sẽ nghe lời bạn hơn
Càng bị ép buộc nhiều, con sẽ càng chống đối. Và con càng chống đối, bạn lại càng khó chịu, và rồi càng ép buộc con nhiều. Đó là cái vòng luẩn quẩn nhiều cha mẹ mắc phải.
Khi bạn cho con một phần không gian để con tự chủ, khi con biết bạn tôn trọng ý kiến của con, thì con cũng sẽ tôn trọng và nghe lời bạn hơn.
=====
NHƯ VẬY CÓ NGHĨA LÀ NUÔNG CHIỀU CON?
Hẳn bạn sẽ nghĩ: “Điều này có đồng nghĩa với nuông chiều con?”, và câu trả lời của mình là KHÔNG.
Nuông chiều con là cho con làm tất cả mọi việc theo ý con mà không có bất cứ một giới hạn hay kỳ vọng rõ ràng ở con. Chỉ cần con tỏ thái độ khó chịu là bố mẹ vội vàng đáp ứng yêu cầu của con, và đó là điều không hề tốt.
Cha mẹ vẫn cần phải có những kỳ vọng rõ ràng, quy tắc nhất quán mà chúng ta kiên quyết buộc con phải làm dù con muốn hay không, hay mình gọi đó là những khuôn khổ trong gia đình.
Khuôn khổ ở đây là những qui tắc về an toàn như qua đường con phải dắt tay người lớn, không được tự phép bật bếp, sờ vào ổ điện. Có thể là những qui tắc về sức khoẻ như đánh răng trước khi đi ngủ, không bánh kẹo trước bữa ăn. Có thể là những qui tắc trong văn hoá gia đình như không xem tivi quá 30 phút/ngày, mời bố mẹ trước khi ăn, hay là học bài 30 phút buổi tối….Còn lại, cho con được tự do.
Những qui tắc này là phụ thuộc vào bạn và giá trị sống, văn hoá gia đình bạn, không phải ai cũng giống nhau.
Còn lại, chúng ta hãy cố gắng buông bỏ bớt mong muốn kiểm soát con, và chủ động trao cho con quyền được lựa chọn. Hãy cho con cơ hội được chủ động hơn trong những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày.
======
Bố mẹ cần cho con thông tin, cho con biết ý kiến của mình, và hỗ trợ để hướng con có những quyết định phù hợp, nhưng nếu có thể, cũng nên học cách tôn trọng quyết định cuối cùng của con.