Tản mạn

Hàn gắn những tổn thương trong mối quan hệ gia đình

Có một tác giả từng tâm sự:

“Tôi viết không phải vì tôi đã thông thạo. Tôi viết vì điều đó ý nghĩa với tôi, và trái tim tôi thôi thúc phải hiểu cặn kẽ về nó. Viết là cách tôi đi tìm lời giải cho mình.”

Tôi không thể đồng ý hơn.

Bởi khi viết ra tựa đề này, tôi tự hỏi mình là ai, mình có kinh nghiệm gì mà đi chia sẻ những điều này. Sự thực thì gia đình tôi còn quá xa để gọi là hoàn hảo. Tôi cũng đang trong quá trình chữa lành những tổn thương trong mối quan hệ gia đình, cũng đang học cách bao dung hơn với bản thân và những người tôi thương.

Thế nhưng, khi một điều gì đó chiếm quá nhiều vị trí trong tâm trí tôi, thì tôi lại càng thôi thúc để viết, để chia sẻ những suy nghĩ của mình. Khi tôi gõ tựa đề này, tôi cũng chưa hình dung rõ tôi muốn truyền tải điều gì. Quá trình viết chính là quá trình tôi đi tìm câu trả lời cho mình.

Có thể câu trả lời ấy không trọn vẹn, có thể những tổn thương của bạn quá sâu để chữa lành, nhưng tôi hi vọng bài viết này sẽ truyền thêm động lực để bạn và tôi, chúng ta cùng tìm cách hàn gắn những tổn thương trong gia đình. Bởi vì hạnh phúc của bạn, của người thân bạn hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực ấy.

==========

MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ GIA ĐÌNH

Thời tiểu học, tôi nhớ được đọc đâu đó một câu chuyện như thế này:

Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã gửi về cho nhà vua những tác phẩm tuyệt vời nhất của họ. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh và lưỡng lự trước hai lựa chọn.

Bức tranh thứ nhất vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ phản chiếu những ngọn núi bao quanh. Bên trên là bầu trời trong xanh với những đám mây trắng bay nhẹ nhàng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi, nhưng ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Cạnh vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn kỹ, ông thấy đằng sau dòng thác ấy là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của tảng đá. Trong bụi cây ấy, nằm ẩn mình giữa dòng thác đang trút xuống một cách giận dữ, là một con chim mẹ đang nằm che chở cho đàn chim con trong tổ ấm của mình.

“Ta chấm bức tranh này! – Nhà vua chỉ tay vào bức tranh thứ hai và công bố.

Bình yên không có nghĩa là sống ở một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên chính là sự tĩnh lặng trong trái tim dù cả khi phải đối diện với phong ba bão táp.

==========

Một câu chuyện hay về ý nghĩa thực sự của sự bình yên, nhưng với tôi, câu chuyện này là định nghĩa tuyệt vời nhất về giá trị của gia đình. Hình ảnh chim mẹ và chim con bình yên bên nhau trong tổ ấm của mình, mặc cho ngoài kia giông bão, là hình ảnh đẹp nhất mà tôi có thể tưởng tượng khi nghĩ về ý nghĩa của gia đình.

Hay như câu thơ mà hẳn bạn cũng từng nghe:

“Em có ước gì đâu

Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa

Những ưu tư muộn phiền tạm thời bỏ lại

Bên trong, chỉ có ấm áp, và anh”

Gia đình, là nơi bình yên ta tìm về khi giông bão.

Gia đình, là điểm tựa cho ta trước những chông chênh của cuộc đời.

Gia đình, là nơi ta được thoải mái là chính mình, được yêu thương, được lắng nghe, được chấp nhận.

Gia đình, là nơi ta bao bọc, chở che nhau.

========

Ấy vậy mà nhiều khi, gia đình lại chính là nơi ta gây nhiều đau khổ nhất cho nhau.

Gia đình đáng phải là nơi ta tìm về nghỉ ngơi những lúc mỏi mệt, lại là nơi tù túng, ngột ngạt mà ta muốn bỏ đi.

Gia đình đáng phải là nơi ta cho phép mình được lột bỏ chiếc mặt nạ bên ngoài để chân thật với nhau, lại là nơi ta thu về một góc, che đậy những khó nhọc trong mình.

Gia đình đáng là nơi ta trao cho nhau những nụ cười chân thành, lại là nơi ta buông nhau những lời tổn thương, cay đắng.

Gia đình đáng là nơi ta lau những giọt nước mắt buồn tủi cho nhau, lại là nơi ta phải dấu nước mắt vào trong.

Người thân của ta, đáng phải là người ta thương nhất, ta trân trọng nhất, ta muốn họ hạnh phúc nhất….thì chính ta lại là người làm họ đau khổ nhất, và họ cũng làm ta đau khổ nhất.

Nếu dừng lại và ngẫm nghĩ, ta sẽ thấy đó là một nghịch lý thật đáng buồn, nhưng cũng thật dễ hiểu.

========

Để tôi kể bạn nghe câu chuyện của những chú nhím nhé.

Đó là một mùa đông vô cùng lạnh lẽo. Nhiều loài động vật đã không thể chống cự lại sự giá buốt và lần lượt mất đi.

Những con nhím nhận ra tình hình đã quyết định nhóm lại với nhau để giữ ấm và che chở, bao bọc nhau. Tuy nhiên, vì ở gần nhau, những chiếc gai của chúng đâm vào làm tổn thương những con nhím bên cạnh.

Sau một thời gian, chúng quyết định tách mình ra khỏi nhóm. Một số con nhím bắt đầu chết đi vì cô độc và lạnh lẽo. Chúng buộc phải đưa ra lựa chọn: “Hoặc là chấp nhận bị gai đâm hoặc biến mất khỏi trái đất”. Một cách khôn ngoan, chúng quyết định quay lại bên nhau. Chúng học cách sống với những vết thương nhỏ gây ra bởi mối quan hệ thân thiết để nhận được sức nóng từ nhau.

Nhờ đó, những con nhím đã giúp nhau vượt qua mùa đông giá rét.

Câu chuyện con nhím chính là câu chuyện gia đình. Vì chúng ta quá gần gũi nhau nên sẽ không thể tránh được việc làm tổn thương nhau. Thế nhưng, chúng ta có thể tìm cách để giảm thiểu sự tổn thương ấy để xây dựng một gia đình ấm áp và gắn kết lâu dài. Và nó bắt đầu với việc nuôi dưỡng yêu thương trong trái tim mình.

==========

NUÔI DƯỠNG YÊU THƯƠNG

Chúng ta thường xem ta yêu hay ghét một ai đó như là điều không thể thay đổi được. Sự thực, tình thương cần được nuôi dưỡng, và chúng ta cần tìm cách nuôi dưỡng tình thương ấy mỗi ngày. Điều này không những vì người thân của ta, mà vì chính bản thân ta.

Ta không thể sống một cuộc đời thảnh thơi khi bên trong luôn tràn đầy sự tức giận, khó chịu, mà đặc biệt khi nguồn gốc của sự khó chịu ấy lại đến từ người đi bên cuộc đời mình. “Tức giận, cũng giống như việc bạn cầm hòn than nóng ném vào người khác bằng đôi tay trần của mình. Kết quả là cả hai cùng bị tổn thương “. Ta làm bỏng tay ta, và cả người thân yêu của ta.

Vậy làm sao để ta nuôi dưỡng yêu thương?

1. Bao dung cho sự thiếu hoàn hảo của nhau

Mối quan hệ tốt nhất không phải là mối quan hệ gắn kết giữa những con người hoàn hảo, mà là khi mỗi cá nhân học cách chấp nhận những khiếm khuyết của nhau, chọn tập trung ống nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp của người kia.

Món quà tuyệt vời nhất ta có thể trao cho người thân của mình, ấy là sự yêu thương và chấp nhận vô điều kiện. Hãy để họ biết rằng ta thương họ vì họ là chính họ, cả những điểm tốt và điểm xấu của họ. Chính sự yêu thương và chấp nhận của ta là động lực để họ nỗ lực thay đổi để trở thành phiên bản tốt hơn.

2. Kỳ vọng ít lại, trân trọng nhau nhiều hơn.

Nhiều khi ta cho rằng vì họ là người thân của ta, nên họ phải có trách nhiệm cho cuộc sống của ta.

Sự thực thì bạn ơi, không ai có trách nhiệm phải phục vụ cuộc sống của ta, nấu nướng cho ta, giặt giũ cho ta, kiếm tiền cho ta, chăm sóc ta, dù đó là bố mẹ, hay là vợ chồng, hay là con cái ta. Mỗi một hành động họ làm cho ta, hãy nhìn nó với thái độ biết ơn. Và khi tâm ta có lòng biết ơn đủ lớn, tự nó cũng sẽ hoá giải những tức giận, khó chịu trong lòng.

Hãy ghi nhận những nỗ lực mà người thân làm cho ta mỗi ngày để biết rằng mình thật may mắn.

3. Thay vì kiểm soát buộc người thân phải sống theo ý mình, thử dừng lại hỏi xem họ thực sự cần gì?

Chúng ta thường tự cho mình cái quyền kiểm soát người thân của mình, áp đặt họ sống theo cách mà ta muốn. Ta nghĩ rằng đó là do ta có trách nhiệm, ta biết lo lắng cho người khác, và rằng chỉ có ta biết thế nào là hạnh phúc, và chỉ có ta biết người thân ta thực sự cần gì. Và rồi khi người thân không làm theo ý ta, thì ta tức giận, ta khó chịu, ta oán trách.

Đây là điều thường xảy ra trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.

Hãy để cho người thân của mình có sự tự do theo đuổi ước mơ, hạnh phúc của họ. Đừng áp đặt định nghĩa hạnh phúc của ta lên người khác. Và thỉnh thoảng, ta có thể thử dừng lại và hỏi: “Ta có thể làm gì để người thân của mình hạnh phúc? Họ thực sự cần gì ở ta?”.

Bởi nhiều khi ta hi sinh vất vả làm cho người thân của mình, nhưng đó chưa chắc đó đã là cái họ muốn. Có thể món quà duy nhất họ cần ở ta chỉ đơn giản là một nụ cười trên môi.

==========

Hãy tham lam về một cuộc sống gia đình hạnh phúc

Tham lam về vật chất có thể dẫn ta đến đau khổ, nhưng tham lam về hạnh phúc gia đình, về những mối quan hệ thân thiết, tôi tin là sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Chúng ta không ngừng nỗ lực để vươn lên trong công việc, vậy tại sao chúng ta lại quá khiêm tốn trong ước mơ xây dựng gia đình?

Chúng ta mất ăn, mất ngủ tìm mọi cách để kiếm thật nhiều tiền, xây nhà to, mua xe xịn, vậy tại sao chúng ta lại quá thụ động trong việc hàn gắn tổn thương gia đình?

Nếu ta trăn trở mỗi ngày tìm cách để xây dựng mối quan hệ trong gia đình giống như cái cách mà chúng ta trăn trở tìm cách kiếm tiền, nếu ta nỗ lực hàn gắn sợi dây kết nối giữa người thân vững chắc như là cái cách ta nỗ lực trong công việc, thì tôi tin là cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc lên rất nhiều.

Hãy mơ ước thật xa, hãy tham vọng thật lớn, hãy thật tham lam về một cuộc sống gia đình thật hạnh phúc, bạn nhé!

Trả lời