Kết nối không có nghĩa là nuông chiều
Kết nối không có nghĩa là nuông chiều
Khi nói về làm cha mẹ, chúng ta thường nghĩ đến hai kiểu phổ biến:
Một là cha mẹ nuông chiều – thể hiện tình cảm gần gũi và ấm áp với con, nhưng lại thiếu nguyên tắc, thiếu kỷ luật, dễ dãi đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Đi siêu thị, con đòi mua quà, họ chấp nhận mua quà để tránh sự mè nheo, ăn vạ của con dù ở nhà con có hàng đống thứ đồ chơi tương tự.
Hai là cha mẹ nghiêm khắc – uy nghiêm, kỷ luật, có những tiêu chuẩn và kỳ vọng cao ở con nhưng lại lạnh lùng, khoảng cách. Khi con đòi mua quà, họ kiên quyết không mà không có một lời giải thích và làm ngơ trước sự khóc lóc của trẻ. Thậm chí, có những cha mẹ nghiêm khắc tới mức con không dám thể hiện mong muốn hay chính kiến của mình vì sợ bị la mắng.
Và cũng có những người cảm thấy không ổn với cả hai cách trên, nhưng họ không biết giải pháp thay thế. Kết quả là họ không nhất quán trong cách làm cha mẹ của mình, lúc thì nghiêm khắc (không cho con mua quà), nhưng rồi thấy con khóc to quá lại chấp nhận nuông chiều (mua cho con), rồi sau đó khó chịu với sự đòi hỏi nhiều của con lại quay sang nghiêm khắc (la mắng).
Họ như đồng hồ quả lắc, lắc qua lắc lại giữa hai thái cực.
Nhưng dù là gì đi nữa, mặc định thường gặp của nhiều người là họ chỉ có thể chọn một trong hai: Nếu chọn gần gũi, kết nối thì phải đánh đổi sự uy nghiêm và ngược lại.
====
Có cách nào cha mẹ vừa có được sự uy nghiêm vừa giữ được sự kết nối?
Câu trả lời chính là cha mẹ ôn hoà. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh đây là cách làm cha mẹ tối ưu nhất. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình cha mẹ ôn hoà khả năng thành công và hạnh phúc cao hơn so với những kiểu cha mẹ còn lại. Những người này duy trì sự kết nối sâu sắc với con, nhưng đồng thời vẫn giữ những nguyên tắc, kỷ luật rõ ràng, nhất quán.
Trong bài viết này, mình sẽ giải thích sâu hơn hai băn khoăn thường gặp của nhiều người:
Kết nối có phải là nuông chiều?
Kỷ luật có nhất thiết phải la mắng, lạnh lùng, độc đoán?
======
Kết nối không có nghĩa là nuông chiều
Có những đứa trẻ được bố mẹ mua cho những thứ đồ chơi xịn nhất, những bộ váy áo đẹp nhất, được đến những khu vui chơi hoành tráng nhất. Về mặt vật chất, chúng có tất cả những gì chúng muốn. Nhưng có thể vì bận rộn công việc hay một lý do nào đó, những người bố mẹ này không có thời gian quan tâm con. Họ ít khi chơi cùng con. Họ ít khi ngồi xuống lắng nghe để hiểu thế giới nội tâm bên trong đứa trẻ. Họ ít cười đùa, chuyện trò cùng con.
Họ bù đắp cho sự thiếu quan tâm của mình bằng vật chất cho con…nhưng sự thật thì không có thứ vật chất nào có thể bù đắp được sự thiếu thốn về mặt tinh thần của một đứa trẻ.
Đó là ví dụ điển hình cho việc dư thừa sự nuông chiều nhưng thiếu thốn về sự kết nối.
Thỉnh thoảng tặng con những món quà cũng là một cách hay, nhưng khi chúng ta đáp ứng nhu cầu vật chất quá thừa thãi, dễ dãi cho con sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Bố mẹ cần cẩn trọng hơn với việc thể hiện yêu thương bằng hình thức này.
Có rất nhiều cách để ta có thể kết nối với con mà không nhất thiết phải nuông chiều – thoả mãn mọi sở thích, nhu cầu vật chất cho con. Đó có thể là dành thời gian cho con, nói những lời yêu thương với con, có những hành động thể hiện tình thương như ôm con, mỉm cười với con, cùng con tham gia một hoạt động nào đó…
Cách kết nối trực tiếp nhất, hiệu quả nhất, sâu sắc nhất – ấy là kết nối về mặt cảm xúc với con. Con cần sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu từ bố mẹ. Con cần cảm thấy sự hiện diện của mình là quan trọng, cảm nhận được niềm vui chân thành của bố mẹ khi bên cạnh mình.
Khi những nhu cầu cốt lõi về mặt cảm xúc (thấu hiểu, yêu thương, chấp nhận) được đáp ứng thì con sẽ cảm thấy đủ đầy và ít có đòi hỏi hay những hành vi tiêu cực hơn..
Kết nối cũng không có nghĩa là bao bọc trải thảm cho con.
Kết nối không phải là tìm mọi cách để con luôn vui vẻ, dễ chịu, để con không phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Kết nối là khi chúng ta cho con cơ hội đối mặt với va vấp, thất bại…nhưng không bỏ mặc con một mình mà hiểu rằng sự cảm thông, hỗ trợ, chia sẻ cùng con. Đó là cách tốt nhất giúp con học được bài học kiên cường, bền bỉ.
======
Chúng ta có thể làm hư một đứa trẻ bởi quá nhiều bao bọc, nuông chiều, đáp ứng qua nhanh, quá nhiều những đòi hỏi của con. Những đứa trẻ nuông chiều sẽ trở nên yếu đuối hơn về cả nghị lực lẫn cảm xúc, chỉ cần một vấn đề nhỏ trong cuộc sống có thể khiến chúng gục ngã, bỏ cuộc.
Nhưng chúng ta KHÔNG THỂ làm hư một đứa trẻ bởi quá nhiều sự kết nối, chấp nhận, yêu thương. Không có cái gọi là quá nhiều nụ cười, quá nhiều những cái ôm, những lời khích lệ, những cuộc chuyện trò cởi mở giữa cha mẹ và con cái. Những đứa trẻ có sự kết nối sâu sắc với bố mẹ sẽ trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn trong cuộc sống.
Nuông chiều có thể làm giảm đi sự uy nghiêm của cha mẹ, nhưng kết nối thì không. Ngược lại, chính sự kết nối sâu sắc sẽ giúp con mở lòng nghe lời cha mẹ hơn.
=====
Làm sao để kỉ luật nhưng không lạnh lùng, độc đoán?
Cha mẹ ôn hoà hiểu rằng họ chính là người lãnh đạo con mình, và họ nhận trách nhiệm phải dạy con những qui tắc ứng xử trong cuộc sống, những việc nên làm/không nên làm. Họ có những giới hạn hợp lý, rõ ràng, nhất quán và yêu cầu con tôn trọng những giới hạn ấy.
Nếu như để con nghe lời, cha mẹ nghiêm khắc phải dùng quyền uy, thưởng phạt thì cha mẹ ôn hoà dùng sự tôn trọng, lắng nghe, trao đổi, cùng con tìm hướng giải quyết vấn đề.
Nếu như cha mẹ nghiêm khắc chỉ tập trung vào kết quả, thì cha mẹ ôn hoà ghi nhận và coi trọng quá trình nỗ lực của con.
Nếu như cha mẹ nghiêm khắc la mắng, chỉ trích, khiến cho con cảm thấy xấu hổ, kém cỏi khi phạm sai lầm thì cha mẹ ôn hoà sẽ ngồi lại xem liệu kỳ vọng của mình có phù hợp hay không, mình cần hỗ trợ con thêm điều gì, và nhẹ nhàng trao đổi cùng con.
Tóm lại, cha mẹ ôn hoà có KỲ VỌNG, NGUYÊN TẮC rõ ràng với con và cùng với đó là sự HỖ TRỢ, ĐỒNG HÀNH để giúp con đạt được mục tiêu của mình.
=====
Quay trở lại với ví dụ con đòi mua quà
Nếu là cha mẹ ôn hoà, họ sẽ đồng cảm và ghi nhận cảm xúc của trẻ: “Đồ chơi này có vẻ thú vị quá! Con ước gì mình có một chiếc phải không?”. Họ ghi nhận sự thích thú của con, và ghi nhận cả cảm xúc thất vọng khi con không có được cái con muốn. Người lớn cũng vậy mà, muốn mua cái túi lắm mà đắt quá không mua nổi thì cũng buồn mất mấy phút chứ sao!
Đồng thời cũng giải thích cho trẻ lý do vì sao món đồ chơi này không hợp lý.
Thường khi được bố mẹ ghi nhận cảm xúc, con sẽ cảm thấy tốt hơn. Và khi con cảm thấy tốt, con sẽ hành xử tốt hơn.
Nếu như con vẫn khóc lóc đòi hỏi, cha mẹ ôn hoà vẫn kiên định với nguyên tắc đặt ra là không mua đồ chơi, nhưng giữ cho mình đủ sự bình tĩnh để đồng hành cùng con vượt qua cơn bão cảm xúc. Cha mẹ ôn hoà không có nghĩa là lúc nào cũng vui vẻ, họ vẫn có những cảm xúc tức giận, khó chịu trong mình khi con không nghe lời, nhưng họ không để cảm xúc ấy chi phối hành vi của mình dẫn đến việc la mắng, đánh đập con mất kiểm soát.
Đồng thời, họ sẽ từ kinh nghiệm ấy sẽ rút ra bài học cho lần sau. Trước khi đi siêu thị, họ sẽ trao đổi trước với con tvề những món đồ mình mua, những món đồ không mua cho ngày hôm ấy. Họ cũng sẽ nhắc nhở con về những hành vi nên và không nên trong siêu thị.
Nhờ được bố mẹ hỗ trợ chuẩn bị tâm lý , khả năng chúng hợp tác với bố mẹ sẽ cao hơn.
====
Kết luận
Không chỉ là trẻ con mà cả người lớn đều cần một nơi cảm thấy được thuộc về, cần một ai đó lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận con người chân thật của mình. Tình thương, sự kết nối đúng cách không bao giờ khiến con người ta trở nên mong manh, yếu đuối. Trái lại, nó là nguồn sức mạnh khiến con người ta mạnh mẽ, dũng cảm và vững vàng hơn nhiều trong cuộc sống.
Bên trong mỗi đứa trẻ luôn khát khao là một đứa trẻ ngoan, khát khao làm hài lòng bố mẹ chúng. Mục tiêu của kỷ luật không phải là khiến con cảm thấy tội lỗi, kém cỏi bởi những sai lầm của mình. Mục tiêu của kỷ luật là dạy dỗ, nâng đỡ, hướng dẫn con đến cách làm đúng, hướng con đến phiên bản tốt nhất của con.
Và để là được điều đó, cần rất nhiều sự tinh tế và kiên nhẫn từ người làm cha mẹ như chúng ta.
Và cuối cùng, không có cha mẹ nào là ôn hoà tuyệt đối. Chỉ có những người cha mẹ cố gắng hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.
====
Dương Quỳnh Trang