Tản mạn

Còn sức khoẻ là còn tất cả

Lúc tôi còn nhỏ, ông nội tôi mang về một bức tranh có tên “14 lời dạy của Phật”. Nó được treo chỉn chu ở ngay giữa phòng khách. Thỉnh thoảng, ông đọc to cho tôi và mọi người cùng nghe. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn ấn tượng với lời dạy: “Sức khoẻ là tài sản lớn nhất của đời người”.

Dù chỉ là đứa con nít với đầu óc non nớt, tôi thấy lời dạy ấy thật hiển nhiên. Nó đúng không cần phải bàn cãi.

Ấy vậy mà lớn lên một chút, tôi mới nhận ra rằng cái sự thật hiển nhiên ấy ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng tin, ai cũng làm. Tôi thấy người lớn quanh tôi bảo rằng sức khoẻ là quan trọng nhất, nhưng lại chẳng thấy mấy ai nỗ lực để bảo vệ nó. Nhiều người thậm chí còn sẵn sàng hi sinh nó để đổi lấy những thứ khác.

Và bản thân tôi cũng để câu nói ấy đâu đó trong xó xỉnh tâm trí mình.

========

Rồi tôi trưởng thành, tôi xa nhà, câu cuối cùng bố mẹ luôn dặn dò tôi cuối mỗi cuộc điện thoại vẫn là: “Con nhớ giữ gìn sức khoẻ!”. Những lời nhắc nhở ấy như nước đổ lá khoai. Tôi còn trẻ, còn khoẻ mạnh, cuộc sống của tôi còn quá nhiều thứ đáng phải ưu tiên hơn, nào là học hành, là sự nghiệp, là yêu đương, là bạn bè.

Sức khoẻ chưa phải là thứ đáng để tôi bận tâm.

Thỉnh thoảng hứng lên, tôi cũng tập thể dục, cũng nhịn ăn, nhưng mục đích duy nhất của tôi lúc ấy là giảm cân, mà nghĩ lại, tôi thấy thật vớ vẩn vì thời điểm đó tôi đã rất gầy. Tôi nhịn ăn cả ngày, rồi tối đến khi cơ thể kiệt quệ, tôi lại nhồi nhét vào nó bất cứ thứ gì tôi thích. Tôi thức khuya. Tôi lười vận động. Tôi ghét bỏ những khuyết điểm trên cơ thể mình.

Trong tôi luôn là sự trách móc, đòi hỏi, ép buộc cơ thể phải chiều theo ý tôi.

==========

Một buổi thiền

Khoảng năm cuối đại học, mỗi cuối tuần, tôi thường đến một trung tâm thiền trong thành phố. Nó chỉ đơn giản một căn phòng nhỏ được một vài người thuê lại để là nơi gặp gỡ cho những người muốn hiểu và thực hành thiền. Hôm ấy, tôi không còn nhớ bài giảng về chủ đề gì, tôi chỉ nhớ là đến một lúc, thầy hướng dẫn bảo mọi người nhắm mắt lại cảm ơn cơ thể mình.

Tôi hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng đưa hai cánh tay luồn qua ôm lấy cơ thể. Một nguồn năng lượng yêu thương lan toả khắp trong tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi dừng lại cảm ơn cơ thể mình.

Tôi ôm nó như ôm một người bạn lâu năm vừa gặp lại, mà chính xác hơn, như một người bạn luôn hiện diện trong cuộc đời nhưng đã từ lâu tôi vô tâm bỏ mặc.

Tôi cảm ơn nó đã nuôi dưỡng sự sống trong tôi. Dù tôi có đối xử với nó thế nào đi chăng nữa, thì trái tim tôi vẫn miệt mài đập, từng tế bào trong tôi vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày. Không một lời than phiền, không một lời oán trách, cơ thể đã luôn bao dung, nâng đỡ tôi suốt chặng đường dài, như ngôi nhà vững chãi cho tôi cư trú.

Và tôi nhận ra rằng tôi và cơ thể tôi, đó là mối quan hệ hai chiều. Tôi không thể cứ mãi đòi hỏi, ép buộc nó phục vụ sở thích của mình một cách ích kỷ được. Dù yêu thương tôi, dù bao dung với tôi, nhưng nếu tôi không tôn trọng, không đối xử tốt với nó, thì rồi một ngày nó cũng sẽ bỏ tôi mà đi.

Mọi cảm giác ghét bỏ, trách móc, khó chịu về cơ thể bỗng tan biến. Trong tôi chỉ còn lại là tình thương, là sự biết ơn sâu sắc với cơ thể mình.

Đó cũng là thời điểm tôi quen chồng tôi, một người rất quan tâm đến sức khoẻ và ảnh hưởng nhiều đến

Tôi đã bắt đầu học cách lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Ăn uống không còn chỉ là để nuông chiều khẩu vị, mà còn là ý kiến của cơ thể. Vận động không còn chỉ là để giảm cân, mà quan trọng hơn là để bảo vệ sức khoẻ cho mình. Ngủ nghỉ không còn tuỳ tiện theo sở thích nữa, mà có giờ giấc nghiêm túc hơn. Từ chỗ lo lắng “Ăn thế nào, tập ra sao để cho giảm cân?“, tôi chuyển sự tập trung của mình sang câu hỏi: “Làm thế nào để cơ thể tôi khoẻ mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn?”. Tôi học cách trân trọng, yêu thương cả những phần khiếm khuyết trên cơ thể mình mà trước đây tôi chối bỏ.

Nhưng nó cũng chỉ dừng lại là một trong số nhiều ưu tiên khác. Chỉ cần cuộc sống bận rộn hơn một tí, có một vài việc quan trọng hơn tí, là sức khoẻ lại bị đẩy xuống đáy của ưu tiên.

===========

Rồi hành trình làm mẹ giúp tôi hiểu một tầng sâu hơn nữa về giá trị của sức khoẻ.

Trước đây, khi còn độc thân, tôi không phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của ai. Không có tôi thì những người thân của tôi vẫn có thể tự lo liệu được cuộc sống cho mình. Chỉ khi có con, tôi mới có cái cảm giác cuộc sống một ai đó hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Tôi nhìn các con, những đứa bé ngây thơ khao khát tình thương của tôi, cần tôi chăm sóc, tôi lại càng trân trọng hơn ý nghĩa của sự sống. Ham muốn sống thì vẫn luôn âm ỉ ở đó, nhưng có con rồi, nó bỗng bùng cháy mãnh liệt. Cuộc sống này không còn chỉ đơn giản là của riêng tôi, mà còn là hạnh phúc của con tôi.

Tôi cần sức khoẻ để chở che các con đến lúc khôn lớn, để bên cạnh lúc con buồn, để động viên lúc con khó khăn, để cười cùng con trước niềm vui chiến thắng.

Tôi cần sức khoẻ để chứng kiến từng bước trưởng thành của con: là ngày con bi bô gọi mẹ, ngày con chập chững biết đi, ngày con đến trường, ngày con cầm giấy báo đại học, ngày con sánh đôi cùng người thương…Và giữa những cột mốc ấy, là vô số những giây phút, những ngày tháng, những trải nghiệm đẹp tôi muốn vun trồng cùng con.

Tôi biết không ai có thể trao cho các con cái tình thương mà tôi đang có trong mình. Không ai hiểu con hơn tôi, cũng không ai có thể chăm sóc con tốt hơn tôi. Và con tôi cũng không cần điều gì hơn là sự hiện diện của tôi bên cuộc đời các con.

Tôi tin, một niềm tin sâu sắc rằng chỉ cần có tôi, có sức khoẻ, có tình thương…thì các con tôi có đủ hành trang vững bước vào đời!

Và đó cũng là lúc tôi hiểu rằng: không có thứ gì đáng để tôi phải hi sinh sức khoẻ của mình.

Mất tiền bạc, tôi còn cơ hội để kiếm lại.

Mất sự nghiệp, tôi còn cơ hội để gây dựng lại.

Mất một mối quan hệ, tôi còn cơ hội để chữa lành nó.

Mất niềm tin, tôi còn cơ hội để lấy lại nó.

Chỉ khi mất đi sức khoẻ, mất đi sự sống, là tôi biết mình mất tất cả.

Mất sức khoẻ, là mọi kế hoạch, mọi dự định, mọi sự phấn đấu khác cũng trở nên dở dang, thậm chí là vô nghĩa.

Ngược lại, chỉ cần tôi, người thân của tôi khoẻ mạnh, thì cơ hội luôn còn đó, thì không gì đáng để tôi sợ hãi, không gì có thể ngăn cản chúng tôi theo đuổi cuộc sống mơ ước của mình.

===========

Vẫn lời dạy mà ông nội tôi nhắc nhở ngày nào, nhưng tự bao giờ, nó không còn chỉ là câu nói sáo rỗng nữa, mà là kim chỉ nan dẫn dắt suy nghĩ và hành động của tôi.

Vẫn là những con chữ ngắn gọn ấy, nhưng nó không dừng lại ở hiểu biết về mặt lý trí nữa, mà nó bắt đầu chạm vào tim tôi, thấm sâu vào xương tuỷ tôi.

Thỉnh thoảng, tôi lại tự lẩm bẩm với mình:

“Còn sức khoẻ, là còn tất cả!”

Trả lời