Phát triển bản thân

Chi phí cơ hội và cái giá của những lựa chọn trong cuộc sống

Những năm đầu thế kỷ 19,  nhiều quán rượu ở Mỹ có chương trình cung cấp đồ ăn trưa miễn phí cho khách hàng mua ít nhất một loại đồ uống của họ. Những đồ ăn trưa ở đây thường có hàm lượng muối cao ( thịt nguội, bơ, bánh quy mặn…) nên khách hàng ăn xong thường cảm thấy khát nước và cuối cùng mua nhiều đồ uống hơn dự định. Đồ uống ở những nơi này thường có giá cao hơn so với những nơi khác. Họ dùng chiến dịch “ bữa trưa miễn phí” để lôi kéo khách hàng với mục đích là doanh thu từ việc bán đồ uống sẽ bù đắp chi phí cho bữa trưa. Còn khách hàng ngây thơ cho rằng mình được hời vì không phải trả tiền cho bữa trưa, nhưng sự thực thì giá bữa trưa của họ đã được tính toán trong chi phí đồ uống. 

Từ đó, khái niệm “Không có bữa trưa miễn phí” ra đời. Nó truyền tải ý tưởng rằng không có gì trong cuộc sống thực sự là miễn phí, thể hiện sự sòng phẳng của cuộc sống nói chung cũng như cơ chế thị trường nói riêng. Hiểu được khái niệm này, bạn sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn bằng cách xem xét tất cả các chi phí gián tiếp và trực tiếp cùng những yếu tố bên ngoài.

Dưới đây là một số ví dụ để bạn có thể thấy rõ hơn những chi phí ngầm bạn phải trả những thứ gọi là “bữa trưa miễn phí”: 

  • Một trung tâm Anh Ngữ tặng bạn buổi học tiếng Anh miễn phí. Mặc dù không phải trả chi phí,  bận vẫn phải đầu tư thời gian và năng lượng cho buổi học. Khi chọn tham gia buổi học đó, bạn đã bỏ qua những chi phí cơ hội khác như là hoàn thành một dự án riêng, một buổi gặp mặt với bạn bè, hay đơn giản là một buổi chiều nghỉ ngơi, thư giãn. Từ phía trung tâm tiếng Anh, họ chấp nhận cho bạn một buổi học miễn phí như là một khoản chi phí quảng cáo của họ, một cách để lôi kéo bạn bỏ tiền cho những khoá học sau. 
  • Một người bán hàng mời bạn đi ăn trưa và trả tiền bữa trưa cho bạn. Mặc dù không phải trả tiền, bạn vẫn phải bỏ ra một tiếng đồng hồ ngồi và nghe người bán hàng giới thiệu về sản phẩm của mình thay vì làm những việc khác có ích hơn. Và biết đâu, trong tương lai, bạn có thể chi trả một khoản tiền lớn mua sản phẩm hay dịch vụ mà người ấy mời chào.
  • Một người bán ma tuý cho bạn một mẫu dùng thử. Họ có thực sự chỉ đơn giản là muốn cho bạn được nếm cảm giác dùng thuốc không? Và nếu chấp nhận thứ đồ miễn phí ấy, hậu quả lâu dài bạn phải gánh chịu là gì? 

Rõ ràng, không phải “bữa trưa miễn phí” nào cũng xấu. Nhiều trường hợp, đó là cách để các công ty lôi kéo bạn với mục đích là trong tương lai bạn sẽ đổi lại một thứ gì đó cho họ. Các công ty kinh doanh cần lợi nhuận để tồn tại, thế nên họ không bao giờ cho đi nhiều hơn là thứ họ nhận về. Tuy nhiên, là người tiêu dùng thông minh, bạn cần phải có cái nhìn toàn diện về những chi phí ngầm dưới đó để có những quyết định sáng suốt hơn.

Khái niệm “Không có bữa trưa miễn phí” cũng nhằm muốn bạn cẩn trọng với những lời mời chào hấp dẫn nghe qua có vẻ “quá tốt để có thể là sự thật”:

Khi một ai đó mời gọi bạn cho họ vay tiền làm ăn với lãi suất 20%/năm, đảm bảo hoàn lãi và vốn theo thời hạn. 

Khi một công ty chào mời bạn vào một hợp đồng đầu tư với lợi nhuận khủng chỉ trong thời gian ngắn. Đằng sau nó hoặc là những chi phí ngầm mà bạn không nhận thức được, hoặc là độ rủi ro rất cao. 

Khi ai đó quảng cáo một loại thực phẩm chức năng có khả năng thay đổi sức khoẻ của bạn một cách thần kỳ sau một đợt sử dụng.

Khi một ai đó dạy cho bạn cách làm giàu chỉ trong vòng thời gian ngắn.

Hãy CẨN TRỌNG với những lời mời chào miễn phí ấy! Khi không phải đến từ người thân hay bạn bè thì ẩn đằng sau những lời mời chào hấp dẫn ấy thường là những móc gài nhử bạn cắn câu. Hãy luôn nhớ: trên đời này không có cái gọi là bữa trưa miễn phí. 

Khi nhắc đến khái niệm “không có bữa trưa miễn phí”, chúng ta cũng không thể bỏ qua khái niệm “chi phí cơ hội”. Đó là hai khái niệm luôn đồng hành cùng nhau. 

Chi phí cơ hội là gì?

Trong kinh tế học, chi phí cơ hội là một khái niệm chìa khoá mà chúng ta không thể bỏ qua khi bàn về giá trị của một lựa chọn nào đó. 

Mỗi quyết định của bạn đưa ra đều là một sự đánh đổi. Để nhận được một lợi ích nào đó, chúng ta buộc phải đánh đổi hoặc bỏ qua một cơ hội khác. Chi phí cơ hội là giá trị cơ hội tốt nhất bạn phải từ bỏ khi đưa ra một lựa chọn nào đó.

  • Khi lựa chọn việc tham gia buổi họp lớp với bạn bè, bạn sẽ mất cơ hội tham dự một buổi hội thảo hay gặp gỡ một khách hàng tiềm năng xảy ra cùng thời gian đó. Thời gian là nguồn lực khan hiếm nên bạn không thể cùng một lúc thực hiện cả ba phương án. Nếu chọn gặp gỡ bạn bè, thì phương án tốt nhất bị bỏ qua đối với bạn có thể là gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Nếu vị khách hàng này có thể mang lại cho bạn một cuộc làm ăn trị giá 10 triệu đồng, thì có thể coi 10 triệu đồng là chi phí cơ hội cho việc gặp gỡ bạn bè. 
  • Khi quyết định chi ra 25 triệu mua một chiếc điện thoại, bạn bỏ qua cơ hội dùng số tiền đó để tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 8%/năm, tham gia một khoá học phát triển bản thân, hay đầu tư vào một dự án kinh doanh cá nhân. Chi phí cơ hội ở đây là gì? Điều đó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và sự đánh giá của của bạn. Ví dụ bạn đề cao dự án kinh doanh nhất trong số những cơ hội bị bỏ qua ấy, và nó có khả năng mang về cho bạn khoản thu nhập 80 triệu trong tương lai. Vậy thì, cái giá của chiếc điện thoại là 25 triệu, còn chi phí cơ hội của chiếc điện thoại là cơ hội đầu tư vào dự án kinh doanh của bạn, hay nếu qui ra tiền thì là 80 triệu trong tương lai. 

Chi phí cơ hội không chỉ là việc mất tiền bạc hay chi phí về tài chính, nó bao gồm cả những thứ khác như thời gian, ý thích, mối quan hệ, sức khoẻ

  • Khi bạn chọn dành 2h/ngày trên Facebook, bạn đang từ bỏ cơ hội tập trung xây dựng những dự án kinh doanh của mình.
  • Khi bạn chọn dành thời gian trên điện thoại, bạn đang từ bỏ cơ hội được kết nối với vợ chồng, con cái mình. 
  • Khi bạn chọn ở nhà nằm xem tivi, bạn đang từ bỏ cơ hội chạy thể dục nâng cao sức khoẻ của mình.
  • Khi bạn chọn hời hợt với công việc mình làm, bạn đang từ bỏ cơ hội thăng tiến trong tương lai.
  • Khi bạn chọn sự thoả mãn của việc mua sắm hôm nay, bạn đang từ bỏ cơ hội tiết kiệm tiền bạc cho tương lai

Mỗi ngày, chúng ta phải đứng trước hàng trăm ngàn quyết định lớn nhỏ khác nhau trong cuộc sống như công việc, gia đình, bạn bè, ăn uống, giải trí. Nhận thức được chi phí cơ hội giúp cho chúng ta nhận ra rằng mỗi sự lựa chọn của chúng ta là quí giá và cần được suy nghĩ cẩn trọng vì cái giá của nó là sự hi sinh cho những cơ hội khác bị bỏ qua. 

Trả lời