Công nghệ và cuộc sống

Thông tin là thức ăn cho tâm trí

Khi còn nhỏ, những thông tin đầu tiên mà tôi được tiếp cận là qua chiếc đài của ông nội. Lớn hơn nữa, tôi được xem tin tức qua tivi (với chỉ ba kênh truyền hình) và ít tờ báo giấy mà bố thỉnh thoảng lên thành phố mua về. Lên cấp ba, tôi mới có những cuốn sách đầu tiên (ngoài sách giáo khoa) được mượn từ bạn bè hay mua từ tiền để dành. Tôi nhớ cảm giác háo hức chờ đợi cả tuần để xem một tập phim, sung sướng mỗi lần bố mang về một tờ báo mới, hay thức khuya tỉ mỉ ghi chép ra những câu chuyện thú vị từ tập sách Hạt giống tâm hồn để ngày mai còn kịp trả lại bạn. Ngày ấy, thông tin là một thứ khan hiếm và tôi thấy trân quí vô cùng những thứ mà tôi thu thập được.

Ngày nay, thông tin có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, 24/7. Chỉ cần một cú nhấp chuột là nhan nhản các trang báo điện tử hoàn toàn miễn phí. Chỉ cần google một từ khoá là ta có hàng ngàn thông tin cho chủ đề mình quan tâm. Chỉ cần một ít phút lướt mạng xã hội là ta có thể cập nhật được cuộc sống của hàng trăm người bạn, họ làm gì, du lịch ở đâu, trưa nay ăn gì. Chỉ cần vào trang phim trực tuyến là có hàng ngàn bộ phim cho ta lựa chọn.

Chưa bao giờ chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận lượng thông tin khổng lồ như vậy. Biết chọn lọc và sử dụng một cách chủ ý, thì nó thực sự là một món quà tuyệt vời mà công nghệ mang lại, là một công cụ đắc lực phục vụ cuộc sống của chúng ta.

Thế nhưng, một vấn đề mà tôi nhận thấy nhiều người (cả bản thân tôi), đang gặp phải, đó là việc tiêu thụ thông tin một cách thụ động. Chúng ta dễ dãi đọc bất cứ thông tin gì hiện ra trên màn hình, phó mặc cho những trang đưa tin dắt mình từ tin này qua tin khác một cách vô thức, mà phần lớn là những thông tin ăn liền, kém chất lượng.

Trong bài viết này, tôi muốn chúng ta cùng dừng lại suy ngẫm về thói quen tiếp cận thông tin của mình để có thể chủ động hơn trong cách tiêu thụ thông tin, để nó thực sự là một công cụ giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

ẢNH HƯỞNG CỦA THÓI QUEN TIẾP NHẬN THÔNG TIN THỤ ĐỘNG

1. Phần lớn những thông tin đó không ích lợi gì cho cuộc sống của chúng ta

Khi tiêu thụ thông tin thụ động, chúng ta dễ bị cuốn hút vào những trang tin nhanh, kém chất lượng.

Có một thời gian khi ngủ dậy, việc đầu tiên tôi làm là lên các trang báo mạng như vnexpress.net, 24h.com một cách vô thức. Tôi không có chủ định gì khi lên những trang ấy, chỉ là một thói quen nhằm thoả mãn nhu cầu cập nhật thông tin của mình. Tôi tò mò theo dõi chuyện đời tư của người nổi tiếng, vụ máy bay vừa thất lạc, hay một scandal chính trị nào đó…Tôi thụ động lướt qua hàng trăm thứ tin tức ấy, thỉnh thoảng nhấn vào một vài tựa đề bắt mắt, cuốn hút. Sau đó, tôi chuyển qua mạng xã hội, có thêm chút thời gian nữa thì lên youtube xem vài video mới.

Khi thành thật với bản thân mình, tôi nhận ra phần lớn những thứ thông tin ấy không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình. Chúng cho tôi ảo giác là mình làm chủ cuộc sống và có hiểu biết hơn, nhưng thực tế thì phần lớn chúng nằm ngoài phạm vi kiểm soát của tôi. Chúng không giúp tôi giải quyết được vấn đề gì cho xã hội, cũng không làm cuộc sống của tôi tốt đẹp lên. Có chăng, tôi có thể dùng chúng làm chất liệu cho những cuộc “chém gió” với bạn bè.

2. Những thông tin quan trọng, chúng ta không cần phải chờ đến đọc báo hay lên mạng xã hội để biết

Mấy năm vừa rồi, tôi chủ động hạn chế các trang báo điện tử và gần như nói không với mạng xã hội. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn, và tôi thấy mình không bị bỏ lỡ điều gì quan trọng. Tôi thấy đầu óc mình thanh thản, nhẹ nhàng hơn, có nhiều khoảng trống hơn cho những suy nghĩ tích cực.

Trong những tháng đầu khi Covid vừa xuất hiện, tôi thường xuyên lên mạng cập nhật thông tin về nó: số lượng người bệnh, số người tử vong, tình hình lây lan, độ nguy hiểm của dịch bệnh….Tôi cho rằng mình phải biết những thông tin ấy để bảo vệ bản thân và gia đình mình. Nhưng điều đó cũng làm tâm trí tôi trở nên hoang mang, sợ hãi, lo lắng hơn. Tôi quyết định dừng lại việc cập nhật thông tin ấy. Nếu cần gì thì tôi sẽ chủ động lên mạng tìm hiểu, nhưng không còn chạy qua các trang tin mỗi ngày để theo dõi tình hình như trước đây.

Sau một năm nhìn lại, tôi thấy mình không bỏ lỡ bất cứ thông tin gì quan trọng. Những qui định của thành phố về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang hay lịch trình tiêm vaccine vẫn đều đặn tìm đến email của tôi một cách rất tự nhiên. Nếu không phải qua bạn bè, thì sẽ là từ văn phòng bác sĩ, từ thị trưởng thành phố, hay từ chỗ làm việc của chồng. Chúng tôi vẫn làm những việc mình cần làm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, nhưng cuộc sống thì cảm thấy an yên, nhẹ nhàng hơn nhiều.

Thế nên, đừng lo sợ rằng bạn sẽ bỏ lỡ những thông tin quan trọng nếu không cập nhật báo điện tử hay mạng xã hội mỗi ngày. Tôi có thể đảm bảo rằng nếu thông tin đó thực sự là quan trọng và liên quan trực tiếp đến bạn, thì rồi bạn cũng sẽ được cập nhật nhanh chóng từ bạn bè, người thân hay từ những nguồn khác.

3. Thông tin báo điện tử, mạng xã hội làm ta có cái nhìn sai lệch, tiêu cực về cuộc sống

Bộ não chúng ta không thiết kế để làm ta hạnh phúc, mà mục đích lớn nhất của nó là đảm bảo cho sự tồn tại của ta. Nó có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực, giúp ta cảnh giác cao độ hơn để tránh những nguy hiểm rình rập quanh mình. Thế nên, khi nhìn những tin tức tiêu cực, giật gân, chúng ta sẽ tự động bị cuốn hút vào đó.

Những ông chủ truyền thông hiểu rõ về điều này hơn ai hết. Nếu lướt dạo một vòng những trang báo điện tử, chúng ta sẽ thấy phần lớn là những tin giật gân, câu view nóng hổi, đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của con người. Họ biết đó là cách nhanh nhất cám dỗ chúng ta, và là cách để họ kiếm ra tiền.

Còn chúng ta trở thành con mồi do chính thói quen tiếp cận thông tin thụ động của mình.

Thực tế, ngoài kia, phần lớn mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, hầu hết mọi người vẫn làm việc hằng ngày, sống một cuộc sống yên ổn, làm những việc có đạo đức. Mỗi ngày, có hàng triệu, hàng tỷ những điều tốt đẹp diễn ra trong cuộc sống. Thế nhưng hiếm khi chúng ta thấy những việc đó trên ti vi, đài báo.

Trong khi đó, lượng thông tin mà báo chí cung cấp chỉ phản ánh một phần rất rất nhỏ trong cái bức tranh toàn cảnh ấy. Tệ hơn, chúng lại tập trung vào những điều tiêu cực như khủng bố, giết người, thiên tai, dịch bệnh….những điều không hoàn toàn tránh khỏi với cuộc sống của cả bảy tỉ con người trên trái đất. Chúng ta để đầu óc mình bị xâm chiếm bởi đầy rẫy những thứ thông tin tiêu cực, nhảm nhí ấy. Kết quả là nhìn đâu ta cũng chỉ thấy bất công, bạo lực, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm rập rình.

Sự thực thì cuộc sống ở ngoài kia tươi đẹp hơn nhiều!

4. Nó làm vẩn đục tâm trí ta

Thông tin cho tâm trí cũng giống như thức ăn cho sức khoẻ.

Những đồ ăn nhanh, chế biến sẵn thường hấp dẫn hơn những đồ ăn lành mạnh. Một miếng pizza thơm ngậy sẽ cám dỗ hơn là một đĩa rau salad. Một miếng bánh kem béo ngọt sẽ khó cưỡng lại hơn nhiều so với một quả táo. Chúng cho ta cảm giác ngon miệng tức thời, nhưng sau đó cơ thể ta sẽ thấy khó chịu, nặng nề, thiếu năng lượng. Khi tiêu thụ thời gian dài, sức khoẻ ta sẽ kiệt quệ và gánh chịu nhiều vấn đề bệnh tật.

Tương tự như vậy, thông tin mà ta thu nhận hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp tâm trí và cuộc sống của ta. Khi mỗi ngày, toàn bộ thông tin chúng ta nạp vào đầu là những thứ thông tin tiêu cực, nhảm nhí thì tâm trí của chúng ta không thể an yên, tích cực được. Chúng ta trở nên tiêu cực hơn với cuộc sống xung quanh, nhìn đâu cũng thấy vấn đề.

Nếu muốn khoẻ mạnh, chúng ta cần phải nỗ lực và cẩn thận chọn lọc thức ăn lành mạnh, có giá trị dinh dưỡng cao. Cũng như vậy, muốn giữ cho mình được sự bình an trong tâm hồn và một tâm trí sáng suốt, chúng ta phải chọn lọc thông tin một cách rất cẩn trọng.

=========

THÔNG TIN ảnh hưởng đến suy nghĩ.

Suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động.

Hành động ảnh hưởng đến KẾT QUẢ.

Chất lượng thông tin mà chúng ta nạp vào đầu mỗi ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Bạn muốn chọn một cuộc sống lạc quan, tích cực hay một cuộc sống bi quan, tiêu cực?

Điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn tiếp thụ thông tin của bạn.

“Chúng ta phải biết chọn những chương trình bổ ích cho tinh thần và tình cảm của ta, phải cẩn thận bảo vệ cho sự an lạc của ta. Tôi không khuyên các bạn phải đóng hết các cửa sổ giác quan lại, vì thế giới bên ngoài cho ta biết bao mầu nhiệm, nhưng hãy chỉ mở cửa để đón nhận những gì tươi mát, lành mạnh. Ta phải tập nhìn mọi thứ bằng con mắt quán chiếu.” – Thầy Thích Nhất Hạnh

Hãy cẩn trọng với những thông tin mà bạn tiêu thụ hàng ngày.

Trả lời