Làm cha mẹ

Muốn hiểu con hơn, hãy đặt mình vào vị trí của con

Tôi vẫn nhớ một câu chuyện như thế này:

Một ông bố có cậu con trai bảy tuổi. Vì tuổi thơ nghèo đói, lúc nào cũng thiếu miếng ăn, ông luôn cố gắng không bao giờ để con phải chịu cảm giác đói kém như mình. Mỗi ngày, dù bận bịu bao nhiêu, ông vẫn luôn tranh thủ về sớm chuẩn bị bữa ăn chu đáo cho vợ con. Niềm hạnh phúc của ông là được nhìn cậu con trai hào hứng ăn ngon lành — điều đó như phần nào xoa dịu ký ức tuổi thơ cơ cực trong ông.

Nhưng cậu con trai không phải lúc nào cũng hào hứng trước đồ ăn ông nấu. Có lần ông hì hụi cả buổi chiều làm món đùi gà nướng, hi vọng con sẽ thích. Thế nhưng hôm ấy, cậu con trai lại chẳng tỏ vẻ thích thú gì. Cậu gặm được nửa miếng đùi gà rồi bỏ phần còn lại sang bát mẹ. Thấy vậy, ông cảm thấy thất vọng, khó chịu, rồi cơn tức giận nổi lên, ông quát mắng con: “Ngày xưa tao đói kém không có mà ăn. Bây giờ mày sống sung sướng quá rồi lại đi chê những đồ này!”

Rồi ông ép con ăn bằng hết. Không khí bữa ăn trở nên ngột ngạt.

Những chuyện tương tự diễn ra khá thường xuyên. Cậu con trai dần cảm thấy áp lực trước những bữa cơm gia đình, luôn vội ăn nhanh rồi chui vào phòng.

=====

Hãy tự đặt mình vào vị trí của con

Làm cha mẹ, hẳn ai cũng mong muốn con mình ngoan ngoãn, nghe lời. Không có gì sai vào việc hướng con đến với những giá trị sống mà mình tin tưởng. Nhưng song song với nó, chúng ta cũng nên cẩn thận với việc áp đặt, đòi hỏi con phải đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của mình một cách quá khắt khe, bảo thủ.

Phần lớn những kỳ vọng, đòi hỏi ấy thường xuất phát từ niềm tin rằng chúng sẽ giúp con sống tốt hơn, nhưng vô tình lại đặt lên con những áp lực, đau khổ. Thỉnh thoảng, hãy dừng lại nhìn kỹ hơn những kỳ vọng của mình ở con và tự hỏi:

  • Liệu những kỳ vọng đó có hợp lý không?
  • Liệu chúng có quá cao so với độ tuổi và khả năng của con không?
  • Liệu đó là cái con cần hay chỉ đơn giản là cái ta nghĩ con cần?
  • Liệu những kỳ vọng, đòi hỏi ấy là vì con, hay vì cái tôi của chính mình?

Cách mà chúng ta nhìn thế giới khác rất nhiều với cách mà con nhìn. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể bước ra khỏi thế giới quan của mình và đặt mình vào vị trí của con:

  • Con nhìn việc này như thế nào?
  • Con đang cảm thấy ra sao?
  • Nếu đặt mình vào vị trí của con, bạn sẽ muốn bố mẹ đối xử với mình thế nào?

Đây là một bài tập quan trọng mà mỗi người làm cha, làm mẹ chúng ta có thể thực hành để hiểu con hơn. Việc đặt mình vào vị trí của con sẽ cho chúng ta cái nhìn cách sâu sắc, toàn diện hơn trong từng tình huống cụ thể.

Trong ví dụ trên, nếu chỉ nhìn qua lăng kính của mình, ông bố sẽ thấy hình ảnh một đứa con được chiều chuộng quá, sống sung sướng quá rồi không biết trân trọng những cái đang có. Ông đã nhìn qua lăng kính tuổi thơ đói kém của mình và cho rằng điều hạnh phúc nhất với con là những bữa ăn ngon. Ông đặt ra những kỳ vọng vô lý ở con…để rồi chính kỳ vọng ấy làm ông thất vọng, làm con đau khổ.

Ông cho rằng mình đang cố gắng cho con điều tốt nhất, nhưng thực tế nó không phải là điều con cần!

Nhưng nếu dành một phút đặt mình vào vị trí của con, ông có thể sẽ có một cái nhìn hoàn toàn khác:

  • Có thể hôm ấy cậu bé đang buồn vì một chuyện gì đó lớp. Có thể con đang mệt mỏi trong người. Có thể con đã ăn lót dạ trước khi ăn tối, hay cũng có thể món ăn không hợp khẩu vị với con. Con ăn ít không phải vì con coi thường đồ ăn của bố, mà chỉ đơn giản là có những ngày con thực sự không muốn ăn.
  • Con muốn một bữa ăn gia đình ấm áp, thoải mái.
  • Nếu là con, hẳn ông cũng sẽ khó chịu khi bị người khác ép buộc ăn uống. Ông muốn bố mẹ hiểu và tôn trọng quyết định ăn uống của mình.

Khi nhìn từ vị trí của con, ông bố sẽ thấy cảm thông với con hơn. Ông nhận ra cái kỳ vọng của mình thật không hợp lý, và quyết định để cho con vui vẻ ăn uống theo cảm giác của mình. Nhờ vậy, tâm trạng ông thoải mái, còn cậu con trai cũng thấy thích thú hơn trước những bữa ăn gia đình.

Thay vì trong vai “người lớn biết tuốt”, chúng ta trở thành những người bạn đồng hành, chân thành lắng nghe và chia sẻ trải nghiệm với con. Đồng thời, khi con tìm được sự thông cảm, thấu hiểu từ cha mẹ, con cũng tự động trở nên ngoan ngoãn, vâng lời hơn.

Để lại một bình luận