Làm cha mẹ

Khi con không muốn chia sẻ

“Ngày hôm nay của con thế nào?” – Bình thường.

“Ở lớp con hôm nay có gì vui không?” – Không.

“Hôm nay con chơi với bạn nào?” – Im lặng.

_______________

Làm cha mẹ, chúng ta muốn hiểu rõ về cuộc sống của con: một ngày ở trường của con như thế nào, con chơi thân với ai, điều gì làm con vui, con buồn. Thế nhưng, nhiều khi đáp lại sự háo hức, tò mò của cha mẹ là những câu trả lời cụt ngủn, những cái lắc đầu im lặng của con.

Điều đó càng khiến ta tò mò và khó chịu.

Rõ ràng con cần phải khai báo với bố mẹ những vấn đề đảm bảo sự an toàn của con, như con đi đâu, đi chơi với ai, mấy giờ con về, nhưng chúng ta không thể áp đặt hay yêu cầu con chia sẻ thế giới nội tâm của con. Càng áp đặt, con sẽ càng thu mình lại. Sự chia sẻ ấy chỉ có thể là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu muốn được chia sẻ của con.

Vậy cha mẹ có thể làm cách nào để khuyến khích con chia sẻ, tâm sự với mình nhiều hơn?

Một vài ý tưởng dưới đây được tham khảo từ cuốn sách: “Nói sao khi trẻ không nghe lời” của Joanna Faber và Julie King, hi vọng sẽ phần nào giúp ích cho bạn.

__________

1. Nuôi dưỡng mối quan hệ với con

Khi con dần không còn tìm đến ta để chia sẻ, tâm sự, khi con không còn tìm kiếm sự an ủi, vỗ về ở ta, thì đó CÓ THỂ là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa ta và con đang có vấn đề. Và đó là lúc chúng ta cần nuôi dưỡng lại sợi dây kết nối với con.

Trong nuôi dưỡng sợi dây kết nối ấy, có hai yếu tố rất quan trọng: THỜI GIAN và SỰ TẬP TRUNG của bạn với con. Hãy chủ động dành thời gian chơi cùng con, đọc sách cùng con, hay tham gia những hoạt động mà con thích. Và sự kết nối ấy cũng có thể là những khoảnh khắc nhỏ trong ngày như: một nụ hôm tạm biệt khi con đến trường, một nụ cười tươi khi con về đến nhà; một cái ôm trước khi đi ngủ…

Không có con đường tắt trong hành trình làm cha mẹ. Muốn nuôi dưỡng mối quan hệ với con thì chúng ta phải thực sự dành thời gian chất lượng cho con, để thực sự lắng nghe và thấu hiểu con.

Khi con tin tưởng ta, thân thiết với ta, thì khả năng con tự chủ động tìm đến ta tâm sự sẽ cao hơn.

_____________

2. Lắng nghe con đúng cách

Cha mẹ thử xem mình đã thực sự lắng nghe con chưa?

Kỹ năng lắng nghe vô cùng quan trọng trong giao tiếp với con, và mình từng chia sẻ chi tiết trong nhóm qua bài viết: “Lắng nghe con đúng cách” mà bạn có thể tìm đọc. Nhưng tóm lại, cha mẹ cố gắng nghiêm túc lắng nghe con, lắng nghe con với thái độ tò mò, cởi mở, không vội vàng chỉ trích, đưa ra ý kiến của mình. Hãy lắng nghe con từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Có một câu nói mình rất thích của Catherine M. Wallace:

“Hãy chân thành và nghiêm túc lắng nghe bất cứ điều gì con bạn muốn nói với bạn, bất kể điều gì. Nếu bạn không háo hức lắng nghe những điều nhỏ nhặt khi con còn nhỏ, làm sao có thể hi vọng một ngày con tìm đến bạn để chia sẻ những điều quan trọng. Bởi vì với con, tất cả những điều đó luôn là những điều lớn lao.”

_________

3. Chủ động chia sẻ ngày của mình với con

Đây gọi là phương pháp làm mẫu – cha mẹ làm những điều mà họ muốn con làm. Bạn có thể hỏi con: “Con có muốn biết ngày của MẸ hôm nay thế nào không?” và kể cho con về ngày của mình. Đừng quên thêm vào yếu tố cảm xúc của bạn, ví dụ như “Hôm nay là một ngày rất bận rộn vì mẹ phải hoàn thành xong bản báo cáo quan trọng. Mẹ vui là mẹ đã làm xong nó trước giờ đón con”.

Tuỳ vào độ tuổi và hiểu biết của con mà chúng ta chọn chia sẻ những chi tiết mà ta nghĩ là phù hợp. Nhưng dù sao đi nữa, hãy kể với một tâm thế hào hứng bạn nhé. Và sau đó bạn có thể hỏi con: “Có điều gì con muốn mẹ biết về ngày của CON không?”

Có thể bạn sẽ bất ngờ vì một ngày đẹp trời con hào hứng mở lòng với bạn, nhưng nếu không thì hãy cứ kiên nhẫn và tiếp tục vui vẻ chia sẻ ngày của bạn với con nhé <3

__________

4. Thay vì tra vấn, hãy chấp nhận cảm xúc của con

Tâm lý làm cha mẹ, khi thấy con có tâm trạng bất ổn, chúng ta muốn biết mọi chuyện để có thể hỗ trợ con. Thế nhưng, khi ta càng tra vấn con: “Vì sao con buồn vậy?”, “Có chuyện gì với con vậy?”, con sẽ có xu hướng tự vệ, thu mình lại.

Thay vào đó, chúng ta có thể nhẹ nhàng bên cạnh (ôm con, đặt tay lên vai con nếu có thể) và ghi nhận cảm xúc của con một cách chân thành: “Con có vẻ đang buồn”, “Mẹ thấy con hơi lo lắng”, và tạo không gian cho con có sự lựa chọn muốn chia sẻ tiếp hay không.

Việc ghi nhận cảm xúc giúp con cảm thấy được an ủi và dễ mở lòng hơn. Nhưng nếu con không muốn thì cũng tôn trọng sự lựa chọn ấy của con.

__________

5. Chơi trò: “Kể 1 chuyện vui, 1 chuyện buồn”

Bữa tối là thời điểm lý tưởng để chơi trò này. Mỗi thành viên trong gia đình sẽ kể cho nhau nghe một chuyện vui và một chuyện buồn trong ngày. Vì nó ở dạng hơi giống trò chơi nên con thường sẽ háo hức chia sẻ hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chơi những trò khác trong bữa ăn, ví dụ như liệt kê theo chủ đề (những thứ đồ ăn không tốt/ tốt cho sức khoẻ, những việc làm nguy hiểm, tưởng tượng những chuyện không có thật) rồi bố mẹ cùng con lần lượt trả lời, đến lượt ai bí không nghĩ ra nữa là người ấy thua. Những trò chơi này giúp bữa ăn vui vẻ, kết nối với nhau, lại là cách giáo dục con rất hay.

__________

6. Cuối cùng, tôn trọng sự im lặng của con

Ai cũng có những khoảng nội tâm muốn giữ riêng cho mình, và con không phải là ngoại lệ. Có thể con không trong tâm trạng để chia sẻ. Người lớn mình nhiều khi đi làm về mệt quá cũng chỉ muốn im lặng không bị ai làm phiền. Cũng có thể con cần thời gian để nghiền ngẫm những việc xảy ra trước khi chia sẻ với người lớn.

Con gái mình ( 4 tuổi) nhiều khi không chia sẻ ngay lập tức, đặc biệt là những chuyện làm bé buồn, mà bé sẽ đợi cả một buổi, thậm chí là một vài ngày sau mới chia sẻ với mẹ. Dù mình cũng nóng lòng muốn biết tâm tư bên trong con, nhưng cũng tự nhắc nhở bản thân nên tôn trọng sự im lặng của con. Chỉ đơn giản cho con biết: “Khi nào con muốn chia sẻ thì có mẹ đây nhé.”

Và nhiều khi cũng phải chấp nhận sự thật là con không muốn chia sẻ mọi chi tiết cuộc sống của con với mình.

_______

Trên đây là những gợi ý của mình trong trường hợp khi con không muốn chia sẻ, tâm sự cùng cha mẹ. Mình hi vọng nó sẽ giúp bạn tự tin đồng hành cùng con hơn.

Trả lời