Phát triển bản thân

Đằng sau cuộc sống vật chất của người Mỹ

Chúng ta thường đổ lỗi mọi căng thẳng về tiền bạc là do mức thu nhập của mình. Chúng ta cho rằng khi mức thu nhập của mình cao hơn, hẳn ta sẽ bớt lo nghĩ hơn về tiền bạc, và cuộc sống của ta sẽ hạnh phúc hơn.

Nếu điều đó là đúng, ở một đất nước phát triển như Mỹ, chắc hẳn phần lớn người dân ở đây phải hạnh phúc hưởng thụ một cuộc sống tự do tài chính. Nhưng sự thật là gì?

Trung bình, mỗi người Mỹ đang nợ tín dụng khoảng $6,000, đó là chưa kể nợ tiền nhà, tiền xe. Và theo một thống kê gần đây, hơn 54% người Mỹ sống hoàn toàn dựa vào tiền lương hàng tháng, không có bất cứ một khoản tiền dự phòng nào cho trường hợp rủi ro. Con số này với nhóm người độ tuổi 33-42 là 77%. Đáng chú ý, trong số những người có thu nhập trên $100,000/năm, một mức thu nhập cao ở Mỹ, 40% vẫn rơi vào hoàn cảnh này.

Nói cách khác, người Mỹ có thể đang hưởng thụ một cuộc sống vật chất dư thừa, nhưng phần lớn họ cũng đang ngụp lặn trong lo âu và căng thẳng về tiền bạc.

Cũng trong một cuộc khảo sát khác với hơn 1,000 người Mỹ và Canada tham gia, khi được hỏi mức thu nhập nào sẽ khiến họ hạnh phúc. Dù thu nhập là $1,000/tháng, $4,000/tháng hay $8,000/tháng, phần lớn mọi người đều trả lời rằng: họ sẽ hạnh phúc khi mức thu nhập của họ tăng thêm 50% nữa.

Điều này chứng tỏ rằng:

  1. Đời sống vật chất và sự dư giả về tiền bạc không đi liền với nhau. Trong nhiều trường hợp, nó lại là sự đối nghịch. Vật chất dư thừa nợ nần chồng chất.
  2. Mức thu nhập không quyết định sự hài lòng của ta về cuộc sống. Một khi chúng ta không có một cái nhìn đúng đắn về tiền bạc, thì dù mức thu nhập bao nhiêu, chúng ta vẫn mãi căng thẳng vì nó.

===========

LỐI SỐNG CHẠY THEO VẬT CHẤT QUÁ XA

Phần lớn chúng ta thường bắt đầu kiếm tiền với mục đích rất rõ ràng: Để nuôi sống bản thân và gia đình. Chúng ta cần tiền để đáp ứng những nhu cầu căn bản cho sự tồn tại: Cơm ăn, nước uống, quần áo, thuốc men, chỗ ở. Ở giai đoạn này, kiếm tiền là điều bắt buộc, là ưu tiên hàng đầu.

Thế rồi, qua giai đoạn kiếm tiền để tồn tại, chúng ta chuyển sang giai đoạn kiếm tiền để mua sắm nâng cao đời sống vật chất của mình. Đó là lúc từ chỗ “ăn no, mặc ấm”, chúng ta đặt sang mục tiêu “ăn ngon, mặc đẹp”; từ chỗ cần nơi “che gió, che mưa”, chúng ta chuyển sang cần nơi tiện nghi, rộng rãi; từ chỗ cần phương tiện di chuyển, chúng ta cần xe mới hơn, xịn hơn. Đây là một giai đoạn chuyển tiếp rất tự nhiên bởi ngoài nhu cầu tồn tại, hẳn ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống tiện nghi thoải mái.

Vấn đề chỉ xảy ra khi chúng ta mải miết nâng cao đời sống vật chất mà không tự dừng lại hỏi: Những tiện nghi ấy có xứng với sự lo toan, căng thẳng về tiền bạc không?

Chúng ta tin rằng những thứ vật chất ấy sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, lấp đầy sự thiếu thốn trong ta. Chúng ta tin rằng vì mình đã làm việc vất vả rồi, ta xứng đáng được hưởng thụ những tiện nghi ấy. Thế rồi ta cứ mải miết trong vòng luẩn quẩn kiếm tiền, tiêu tiền nhưng lại không có thời gian suy ngẫm về những thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Ta kiếm tiền để mua đồ chơi xịn, tìm trường tốt cho con, nhưng lại không có thời gian thực sự bên con.

Ta kiếm tiền để mua sắm những tiện ích vật chất, nhưng lại chấp nhận những căng thẳng của nợ nần.

Ta kiếm tiền để tìm sự ngưỡng mộ của người ngoài, nhưng chấp nhận bán mình cho công việc mà ta chán ghét.

Ta kiếm tiền để có một đời sống dư thừa vật chất, nhưng lại chấp nhận sống triền miên trong sự chi phối của đồng tiền.

Đời sống vật chất của ta thì tăng lên, nhưng chất lượng cuộc sống của ta thì giảm sút.

========

VẬT CHẤT CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC?

Nhà kinh tế học Richard Easterline đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đo lường cảm giác hài lòng cuộc sống của người Mỹ trong năm 1946 và năm 1970. Mặc dù trong khoảng thời gian đó, đời sống vật chất tăng gần như gấp đôi, nhưng sự hài lòng với cuộc sống của con ngươi thì vẫn vậy. Quá ngạc nhiên về kết quả, Easterline tiến hành nghiên cứu trên 18 nước khác nữa, và cũng đưa ra kết luận tương tự.

Điều này có nghĩa là đến một ngưỡng nhất định, vật chất không còn ảnh hưởng nhiều đến sự hài lòng về cuộc sống của ta. Thậm chí, nếu chạy theo đời sống vật chất quá xa, nó lại còn làm cho sự hài lòng về cuộc sống trong ta giảm sút.

Nếu suy ngẫm một chút, hẳn ta sẽ thấy điều đó là đúng. Nếu vật chất làm ta hạnh phúc hơn thì đáng ra chúng ta phải đang rất hài lòng với cuộc sống của mình. Hiện nay, chúng ta đang hưởng thụ một cuộc sống vật chất trong mơ, thậm chí là ngoài sức tưởng tượng của thế hệ ông bà ta trước đây. Thế nhưng phần lớn chúng ta vẫn chưa hài lòng. Phần lớn chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn. Chúng ta bất mãn khi chưa có bộ quần áo đúng kiểu, bộ sofa chưa đúng màu, hay ngôi nhà chưa đủ to, máy tính chưa đủ xịn….những cái mà tạm gọi là “sự thiếu thốn xa xỉ”. Mà nhiều khi cái cảm giác thiếu thốn ấy cũng khiến ta đau khổ không thua kém gì nỗi khổ thiếu ăn, thiếu mặc của thế hệ ông bà ta trước đây.

Về phương diện vật chất, xã hội chúng ta đã có một bước tiến ngoạn mục, nhưng về phương diện hạnh phúc thì tôi nghĩ chúng ta cũng chưa đi được xa hơn là mấy.

=======

CÁI GIÁ THỰC SỰ CỦA VẬT CHẤT LÀ GÌ?

Cái giá của một món đồ, không chỉ đơn giản là số tiền ta bỏ ra để mua món đồ ấy. Nếu nhìn sâu hơn, đó là sự đánh đổi một phần thời gian và năng lượng quí giá của cuộc đời mình. Giả sử ta mất nửa tháng lương để kiếm đủ tiền mua một món đồ, thì cái giá của nó chính là nửa tháng cuộc đời của ta.

Nhiều khi chúng ta cứ mua sắm một cách hời hợt, thoã mãn những thú vui nhất thời. Ta cho rằng mình chỉ đang lãng phí ít tiền. Nhưng sự thật, ta đang lãng phí một phần thời gian và năng lượng của cuộc đời mình.

Bởi tiền là thời gian, là năng lượng cuộc đời mà ta phải đánh đổi để có.

Mỗi một món đồ mà ta mua sắm là một phần cuộc đời ta đang trao đi.

Đổi một phần thời gian cuộc đời cho những nhu cầu thiết yếu (cơm ăn, nước uống, chỗ ở) là điều BẮT BUỘC.

Đổi một phần thời gian cuộc đời để mua sắm những thứ mang lại tiện dụng, thoải mái, đẳng cấp…đó là SỰ LỰA CHỌN.

Và sự LỰA CHỌN ấy phản ánh thứ tự ưu tiên trong cuộc đời ta.

Ta đang coi trọng những tiện nghi bên ngoài, hay ta coi trọng sự tự do về tài chính?

Ta đang coi trọng đẳng cấp, hay ta coi trọng sự thảnh thơi, thoải mái của cuộc sống ít nợ nần?

Ta đang coi trọng một cuộc sống hưởng thụ vật chất, hay ta đang coi trọng những tháng ngày quí giá của cuộc đời mình?

=======

Tôi vẫn thích được tận hưởng một cuộc sống thoải mái về vật chất. Nhưng trong khuôn khổ tài chính của mình, tôi cũng rất cẩn trọng với việc mua sắm. Tôi không vội mua một món đồ chỉ đơn giản vì nó mang lại cho tôi ít tiện ích và tôi có sẵn tiền để chi cho nó. Tôi thường so sánh cẩn thận xem giá trị mà món đồ ấy mang lại cho cuộc sống của tôi có xứng đáng với công sức tôi bỏ ra kiếm tiền để mua nó hay không. Còn việc mua sắm để thể hiện đẳng cấp hay làm người khác ngưỡng mộ, tôi chưa bao giờ quan tâm đến điều đó.

Tôi không nghĩ vì mình tằn tiện, mà chỉ đơn giản vì tôi quí trọng thời gian và công sức của mình. Tôi thà chịu một ít những bất tiện về vật chất, nhưng đổi lại có nhiều hơn sự thảnh thơi trong tâm hồn, nhiều thời gian hơn làm những điều tôi muốn.

Và tôi cũng không muốn dành cả cuộc đời mình chỉ đi tìm niềm vui ở vật chất, bởi tôi biết cuộc đời tôi còn nhiều niềm vui ý nghĩa hơn.

Trả lời