Làm cha mẹ

Muốn con nghe lời, hãy lắng nghe con đúng cách

“Hãy lắng nghe bất cứ điều gì con bạn muốn nói với bạn, dù những câu chuyện ấy nhỏ nhặt đến thế nào. Nếu bạn không háo hức lắng nghe những điều nhỏ nhặt khi con còn nhỏ, làm sao có thể hi vọng một ngày con tìm đến bạn để chia sẻ những điều quan trọng? Bởi vì với con, tất cả những điều đó luôn là những điều lớn lao.”
Catherine M. Wallace

=======

“Nói sao để con nghe lời” của tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish là một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ về làm cha mẹ. Dù xuất bản từ năm 1980 nhưng những nội dung thì không hề lạc hâu. Với lối diễn đạt đơn giản và mang tính thực hành cao, đây vẫn là một trong những cuốn mình thích nhất về chủ đề nuôi dạy con.

Bài học đầu tiên, và cũng là bài học lớn nhất mình rút ra từ cuốn sách này, ấy chính là việc LẮNG NGHE CON ĐÚNG CÁCH.

=========

Ngay chương đầu tiên, mình đã có một giây phút aha khi tác giả viết:

“Có một sự liên kết trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của con.

Khi con cảm thấy tốt, con sẽ hành xử tốt.

Chúng ta làm sao để giúp con cảm thấy tốt?

Bằng cách chấp nhận cảm xúc của con.”

Con sẽ nghe lời bố mẹ khi con cảm thấy được bố mẹ lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận cảm xúc của mình.

=======

Vậy khi con chia sẻ, bố mẹ làm sao để lắng nghe đúng cách?

1. Lắng nghe một cách tập trung.

Con trẻ rất nhảy cảm, và chẳng ai muốn chia sẻ với một người phân tâm, không tập trung vào câu chuyện của mình. Nếu có thể, bố mẹ hãy tạm cất điện thoại, máy tính sang một bên trong lúc nói chuyện với con. Bố mẹ có thể cúi xuống ngang tầm mắt với con, đặt tay lên vai con, xoa nhẹ lưng con, hay ôm con vào lòng. Sự kết nối cơ thể là cách giúp con cảm thấy an toàn, cởi mở và dễ kết nối hơn. Và sau đó, hãy lắng nghe câu chuyện của con một cách nghiêm túc.

2. Lắng nghe chỉ để lắng nghe.

Khi con giải bày tâm sự, chúng ta thường có sẵn những định kiến trong đầu. Chúng ta nghe để đáp trả, để phản biện, để chứng minh mình đúng con sai. Chúng ta cũng thường vội vàng đưa ra phỏng đoán, kết luật, ý kiến, lời khuyên của mìn. Nhiều khi, chúng ta còn thiếu kiên nhẫn để lắng nghe trọn vẹn câu chuyện của con.

Thực tế thì con thường cần được bố mẹ lắng nghe và đồng cảm với tâm tư của mình hơn là cần những lời khuyên giải, cũng như người lớn chúng ta nhiều khi tâm sự với ai đó chỉ đơn giản để trút nỗi niềm mà thôi. Hãy lắng nghe chỉ để lắng nghe, để thấu hiểu tâm tư của con.

Bạn có thể dùng một vài từ ngắn như “Oh…Ừ….Vậy à….Mẹ hiểu….Rồi sao?” , đồng thời ánh mắt thể hiện sự tò mò, quan tâm đến câu chuyện của con. Điều này sẽ khuyến khích con tiếp tục chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, và rất có thể là trong quá trình đó con tự tìm ra giải pháp cho mình.

Nhiều khi IM LẶNG LẮNG NGHE một cách chân thành là điều duy nhất con cần ở bố mẹ.

3. Thông cảm với cảm xúc của con.

Chúng ta ngại chấp nhận cảm xúc của con, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, vì ta cho rằng như vậy sẽ làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Sự thực thì khi con cảm thấy ai đó hiểu được cảm xúc mình đang trải qua, con sẽ cảm thấy được an ủi và vượt qua nhanh hơn.

Bạn có thể miêu tả cảm xúc của con bằng một cái tên: “Như vậy là con đang rất bực mình!”, “Con thất vọng lắm đúng không?”

4. Nếu có thể, cho con được thoả mãn trong tưởng tượng.

Khi con muốn một cái gì đó, bố mẹ thường đưa ra lý do, tìm cách giải thích vì sao con không thể có điều ấy, nhưng càng giải thích, con càng phản kháng.

Thay vào đó, khi không thể đáp ứng nhu cầu trong thực tế, bố mẹ có thể cho con được thoả mãn mong muốn ấy trong trí tưởng tượng của mình.

Ví dụ khi con muốn ở nhà dù hôm đó phải đi học, thì bố mẹ có thể đùa với con: “Mẹ ước gì bây giờ là chủ nhật, hai mẹ con mình được ở nhà chơi với nhau cả ngày!”, hay khi con muốn ăn bánh nhưng trong nhà không có, bạn có thể đùa: “Mẹ ước gì mẹ có phép thuật biến một thùng bánh to xuất hiện ngay trong nhà!“.

Con vẫn làm những việc cần làm, nhưng với sự cảm thông và một chút hài hước từ bố mẹ, mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Mình đã áp dụng và hiệu quả bất ngờ bố mẹ nha.

=======

Cảm xúc là những phản ứng bên trong cơ thể nằm ngoài tầm kiểm soát của con. Thế nên không có cảm xúc tốt hay xấu. Nhưng bằng việc lắng nghe con đúng cách, chúng ta có thể giúp con hiểu và điều tiết cảm xúc tốt hơn, và đó chính là những bước đầu trong việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho con.

Mọi cảm xúc của con cần được chấp nhận và tôn trọng.

Nhưng một vài hành vi của con cần có giới hạn.

Trả lời