Nhìn con sửa mình
Hôm trước một người bạn gửi cho mình những dòng này, mình xin tạm dịch ra tiếng Việt:
=======
Khi một đứa trẻ yêu cầu người khác làm theo ý mình, con bị coi là hỗn
Khi cha mẹ yêu cầu con làm theo ý mình, họ được xem là cứng rắn
Khi một đứa trẻ la hét và kêu gào, con bị xem là ương bướng
Khi cha mẹ la hét và kêu gào, ấy là vì họ đang mệt mỏi.
Khi một đứa trẻ không trả lời, con bị coi là vô lễ
Khi cha mẹ không trả lời, ấy là vì họ đang bận rộn
Khi một đứa trẻ tỏ thái độ tức giận, con bị coi là cố tình gây phiền toái
Khi cha mẹ tức giận, họ có lý do hợp lý cho mình
Khi một đứa trẻ đánh bạn, xã hội gọi con là đứa trẻ bạo lực
Khi cha mẹ đánh con, xã hội gọi họ là những người cha mẹ biết kỷ luật con.
========
Nghe thật vô lý, nhưng sự thật là chúng ta đang đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn kép cho con – những tiêu chuẩn mà chúng ta kỳ vọng con làm trong khi bản thân chúng ta không làm được.
Con không được phép tức giận, không được có thái độ phản kháng, không được mất kiểm soát trong cảm xúc và hành vi của mình, trong khi đó bố mẹ lại được phép làm những điều đó (và rất thường xuyên).
Con và ta, không ai là hoàn hảo. Khi con có những sai lầm, hãy nhìn con với một trái tim bao dung và dặn lòng mình: “À thì thực ra mình cũng có những lúc như vậy!”
=======
Và muốn con cư xử thế nào, cha mẹ cũng phải làm gương cho con thế ấy.
Muốn con không la gào, cha mẹ phải học cách giữ bình tĩnh trước những cơn ăn vạ của con.
Muốn con không đánh bạn, cha mẹ không được đánh con.
Muốn con nghe lời, cha mẹ phải lắng nghe con.
Muốn con ít xem phim, cha mẹ cũng phải cai nghiện màn hình.
Muốn con không nói dối, cha mẹ cũng phải thành thực với con.
Muốn con giữ lời hứa với mình, cha mẹ cũng phải cố gắng giữ lời hứa với con.
Bởi trên tất cả, cách cư xử và thái độ của cha mẹ là bài học mạnh mẽ nhất cho con.
=======
Viết ra những dòng này, mình chợt nhớ câu thơ:
Lá vàng là bởi đất khô.
Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình.