Công nghệ và cuộc sống

Nghiện màn hình, có phải do bạn lười biếng?

Chúng ta khó có thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc sống hiện đại. Ta dùng nó để mở rộng mối quan hệ và công việc. Ta dùng nó để chia sẻ kiến thức, học hỏi từ những người mà ta ngưỡng mộ và tìm hiểu về lĩnh vực mà mình quan tâm. Ta dùng nó để cập nhật thông tin, để giải trí. 

Thế nhưng, khi những thiết bị điện tử ấy len lỏi và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, thì nó cũng đưa ra những thách thức mới. Chúng ta nghĩ mình có thể làm chủ được thói quen sử dụng của mình, nhưng sự thật là chúng ta đang dần mất kiểm soát.

======

Lần đầu tiên cầm chiếc điện thoại trong tay, hẳn bạn chỉ đơn giản cho rằng nó sẽ giúp bạn phục vụ việc liên lạc, kết nối với người thân. Hay khi bạn cài đặt ứng dụng Facebook, Instagram trên điện thoại, bạn cho rằng mình chỉ dùng nó để thỉnh thoảng có thời gian rảnh cập nhật thông tin về bạn bè.

Và rồi, từ những ứng dụng tưởng chừng như vô hại, chúng dần dần kiểm soát cách chúng ta sử dụng thời gian, cách ta tiếp cận thông tin, và thậm chí, kiểm soát hành động, suy nghĩ, cảm xúc của ta. 

Chúng ta đăng ký những dịch vụ ấy để phục vụ cuộc sống của mình để rồi một ngày nhận ra cuộc sống của ta đang bị chi phối bởi chúng.

======

Vì sao các ứng dụng, thiết bị điện tử lại cám dỗ nhiều đến vậy?

Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà công nghệ mang lại trong cuộc sống hiện đại. Việc bạn đang đọc những dòng tôi chia sẻ ở đây cũng là nhờ công nghệ. Nhưng do mô hình kinh doanh của những công ty này dựa trên quảng cáo (98% doanh thu của Facebook là từ quảng cáo, trong khi con số này của Google là 80%), mục đích chính của họ vẫn là chiếm hữu thời gian và sự chú ý của bạn. Vì đó là công cụ để họ kiếm tiền.

Nếu như ngày xưa, những nhà xuất bản xem bạn đọc là khách hàng, cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt để thuyết phục bạn trả tiền. Thì ngày nay, các đế chế công nghệ này đang vận hành trên cơ chế “attention economy”, dịch nôm na là kinh tế của sự chú ý. Họ thu lượm sự tập trung, chú ý, sở thích của bạn rồi tổng hợp, phân loại và bán cho những nhà quảng cáo. Với cơ chế này, bạn chính là sản phẩm, còn các công ty quảng cáo là khách hàng của họ. 

Bạn càng dùng nhiều thời gian trên đó, họ càng kiếm được nhiều tiền.

Hằng năm, những công ty này bỏ ra hàng tỉ đô la chỉ để nghiên cứu, khai thác tâm lý hành vi người dùng. Từng thiết kế, từng cách thức hoạt động đã được tính toán rất kỹ lưỡng bởi những chuyên gia công nghệ để tác động lên tâm lý của bạn theo cách mà họ muốn. Từng nút like, nút Notification, hay những thông tin mà bạn đọc được, chúng không tự nhiên mà có cũng hoàn toàn không tình cờ. Chúng được thiết kết một cách tinh vi để dụ dỗ, lôi kéo bạn. Bạn càng nghiện những ứng dụng ấy, lợi nhuận chúng thu về càng cao.

Những ứng dụng này sẽ làm cho bạn kích thích và khó lòng thoát ra được. Hẳn bạn sẽ không xa lạ với việc lên mạng tìm một thông tin gì đó, để rồi hai ba tiếng sau thấy mình đang đọc một thông tin chẳng hề liên quan. Hay bạn định lên Facebook cập nhật một vài thông tin để rồi mất cả buổi tối mải mê lướt màn hình. Mà tệ hơn, sau hai ba tiếng ấy, bạn không biết là mình đã đọc những cái gì. Nhiều khi bạn vô thức sử dụng nó, dù mệt mỏi, dù đầu óc lờ đờ, nhưng vẫn không hiểu vì sao mình không thể dứt ra khỏi màn hình được.

Tristan Harries, cựu nhân viên Google từng nói: “Những công ty công nghệ không phải đang lập trình ứng dụng, mà chúng đang lập trình con người.”

Thế nên, nếu bạn nghiện màn hình, điều đó hoàn toàn không phải do bạn thiếu tự chủ, hay lười biếng. Mà sự thật là đằng sau đó là cả một hệ thống tinh vi được điều khiển bởi những chuyên gia công nghệ hàng đầu và hàng tỉ đô la được bỏ ra chỉ để làm điều đó.

======

Một trong những điều tôi thấy hối tiếc ở những năm đầu tuổi hai mươi của tôi là đã lãng phí quá nhiều thời gian trên màn hình.

Nhìn lại, tôi học được gì từ hàng ngàn giờ lang thang trên mạng lướt Facebook, xem Youtube, các trang báo điện tử? Lâu lâu tôi nhận được một vài thông tin bổ ích, hay cập nhật tình hình một vài người bạn. Thế nhưng bỏ ra hàng ngàn giờ chỉ để đổi lại những lợi ích nhỏ ấy thì quả là một sự lãng phí lớn. Nếu tôi trích ra một phần thời gian đó để đọc những cuốn sách hay, học thêm một vài kỹ năng mình muốn, hay dùng thời gian đó chủ động gọi điện hỏi thăm những người bạn của mình thì có lẽ cuộc sống của tôi đã tốt lên rất nhiều.

Nếu như tôi nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của thiết bị điện tử từ sớm và biết sử dụng chúng một cách có chủ đích, chắc tôi đã làm được nhiều điều có giá trị hơn với quãng thời gian tuổi trẻ của mình. 

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên cùng dừng lại suy ngẫm về thói quen sử dụng màn hình của mình, để nó thực sự là công cụ phục vụ cuộc sống của chúng ta, thay vì là những con rối để nó điều khiển.

Trả lời