Đừng vội vàng dán nhãn cho con
Người lớn chúng ta thường cho mình cái quyền được phán xét con cái, dù là trực tiếp với con hay gián tiếp than phiền với người khác.
Khi con có một hành động gì không vừa ý, là chúng ta vội dán mác cho con bằng những tính từ tiêu cực: Ương bướng, nghịch ngợm, hỗn láo, lì lợm, đanh đá, nhút nhát, khó tính, tăng động….
Nhiều khi chỉ đơn giản là nói cho sướng miệng, cho hả cơn giận trong người, để tìm sự cảm thông với người khác, nhưng chúng ta quên mất rằng: Những lời chê bai tiêu cực như vậy có thể để lại những tổn thương tinh thần cho trẻ, và thậm chí là trẻ sẽ phải mang những tổn thương đó đến hết cuộc đời.
Dưới đây là những lý do vì sao người lớn nên dừng lại việc dán nhãn mác tiêu cực cho con:
1. Hầu hết những nhãn mác tiêu cực mà chúng ta gắn cho con mình thường không chính xác.
Khi còn nhỏ, bộ não các con còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ, chưa đủ trưởng thành để có thể suy nghĩ và làm mọi thứ theo logic, lý luận của người lớn.
Thực tế thì phải đến bốn tuổi, phần não dùng để điều khiển cảm xúc và hành động mới bắt đầu phát triển. Và đến hơn hai mươi tuổi thì phần não ấy mới phát triển hoàn toàn.Thế nên nhiều khi người lớn chúng ta đặt ra những kì vọng quá cao cho con rồi khi con không làm được theo ý mình thì lại buộc tội con với những tính từ tiêu cực. Trong khi đó, chỉ đơn giản là bộ não của con chưa đủ trưởng thành để làm những điều đó.
Ở độ tuổi đó, mọi thứ xung quanh con đều mới lạ, cần được khám phá. Chạy nhảy, vận động, xem xét, khám phá môi trường là cách giúp con hiểu biết thế giới xung quanh, là một phần rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ của con. Vậy nhưng, thay vì dùng những từ ngữ tốt đẹp để khuyến khích con như là: con năng động, con tò mò, con thích khám phá, thì chúng ta lại vô tình gán cho con cái mác lệch lạc như nghịch ngợm, phá phách.
2. “Ngôn từ là thứ vũ khí có thể làm sống dậy hoặc tê liệt một tâm hồn.”
Tâm hồn con trẻ như trang giấy trắng mà ngôn từ ta nói với con là những nét vẽ. Ta có thể vẽ lên đó những hình ảnh tươi đẹp bằng những ngôn từ khích lệ, động viên con. Và ta cũng có thể phá hỏng trang giấy đó bởi những lời chê bai gây tổn thương con.
Cách mà người lớn nói với con là cách mà con nói với bản thân mình
Bạn nói con lì lợm, con tin mình là đứa lì lợm.
Bạn nói con ương bướng, con tin mình là đứa ương bướng.
Con tin bất cứ điều gì bạn nói về con.
3. Những nhãn mác tiêu cực ấy dần dần đánh cắp niềm tin của con về bản thân mình.
Bởi vì niềm tin ảnh hưởng đến suy nghĩ.
Suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc.
Cảm xúc ảnh hưởng đến hành động.
Hành động ảnh hưởng đến kết quả.
Những thành quả của cuộc đời con xuất phát từ niềm tin của con về bản thân mình.
Khi dán những nhãn mác tiêu cực cho con là cha mẹ đang vô tình gieo vào đầu óc non nớt của con những suy nghĩ hạn chế về bản thân mình.
Làm sao chúng ta có mong chờ con làm được điều gì lớn lao, có những ước mơ cao đẹp khi trong con là đầy rẫy những suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình?
Liệu bạn có đang chặt đi đôi cánh niềm tin giúp con bay cao bay xa bởi những lời nhận xét vô ý của mình?
4. Dán nhãn mác tiêu cực KHIẾN bạn đối xử tiêu cực hơn với con
Nghiên cứu chỉ ra rằng những suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực.
Khi cha mẹ có suy nghĩ tích cực về con cái, họ trở nên dễ chịu, thoải mái, kiên nhẫn, dễ tha thứ với con hơn.
Khi cha mẹ có suy nghĩ tiêu cực về con cái, họ có xu hướng dễ cáu bẳn, than phiền, nổi nóng, tức giận với con hơn.
Khi gán cho con một cái mác tiêu cực, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho hành vi của con là do bản chất (ương bướng, lì lợm, hậu đậu….) thay vì dừng lại xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của vấn đề.
Ví dụ như con liên tục gây gổ với em. Những người mẹ tin rằng bản chất của con là em bé ngoan thì họ sẽ TÒ MÒ vì sao con lại làm như vậy. Có phải do con cảm thấy tổn thương khi bố mẹ quan tâm em quá nhiều? Hay con đang tức giận vì chuyện gì đó mà không biết trút cơn tức giận ấy lên ai? Khi giữ thái độ tò mò và tin tưởng con, bố mẹ sẽ dễ hiểu và cảm thông với con hơn…từ đó đưa ra những cách giải quyết đúng đắn hơn.
Ngược lại, cha mẹ cho rằng hành động như vậy là do con “lì lợm, nghịch ngợm” thì họ sẽ không còn dừng lại tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau những hành động ấy nữa. Họ cho rằng vì bản chất con nghịch ngợm nên con làm vậy.
Kết quả là nguyên nhân gốc rễ thì không được giải quyết, con thì thấy uất ức khi bố mẹ không hiểu nên lại càng chống đối, càng phản kháng mạnh mẽ hơn. Và chính điều này lại củng cố niềm tin tiêu cực của bố mẹ về con cái – một cái vòng luẩn quẩn nhiều bậc cha mẹ mắc phải.
===========
LÀM SAO ĐỂ NGỪNG DÁN NHÃN MÁC CHO CON?
1. Mỗi tính cách luôn có mặt tốt và xấu. Quan trọng bố mẹ chọn nhìn vào mặt nào của con.
Mình sống ở Mỹ, và mình không biết bên trong họ thực sự nghĩ gì, nhưng ít nhất ở ngoài mình để ý người lớn thường nhận xét rất tích cực về trẻ.
Một em bé thích chạy nhảy không chịu ngồi yên một chỗ, thay vì bị chê nghịch ngợm, người ta khen trẻ hiếu động.
Một em bé đi chơi ngồi lặng lẽ nhìn các bạn, thay vì bị chê nhút nhát, người ta khen là trẻ có óc quan sát.
Một em bé muốn mọi thứ theo ý mình, thay vì chê con ương bướng, người ta khen con quyết đoán.
Một em bé tìm tòi, khám phá mọi thứ, thay vì bị chê táy máy, người ta khen con tò mò.
2. Thay vì chê con KHÔNG làm được, thêm vào từ: “Chưa sẵn sàng”
Con KHÔNG hậu đậu, con chỉ chưa sẵn sàng để bưng bát nước lên bàn.
Con KHÔNG nhút nhát, con chỉ chưa sẵn sàng để chào người lạ.
Con KHÔNG nghịch ngợm, con chỉ chưa sẵn sàng để ngồi yên một chỗ học bài.
Khi dán cho con những nhãn mác tiêu cực, là ta đang nuôi dưỡng tư duy CỐ ĐỊNH (Fixed mindset) trong cả con lẫn cha mẹ. Còn khi ta nói con “chưa sẵn sàng”, nghĩa là ta biết khả năng hiện tại của con, nhưng cũng tin rằng con sẽ dần thay đổi và hoàn thiện mình hơn. Ấy là chúng ta nuôi dưỡng TƯ DUY CẦU TIẾN (Growth mindset) trong con, một trong những tư duy rất quan trọng cho thành công sau này của con.
Bởi rõ ràng, mỗi chúng ta, dù bé hay lớn, đều thay đổi theo thời gian.
Một đứa bé hôm nay luộm thuộm ngày mai có thể trở nên gọn gàng.
Một đứa bé lúc nhỏ nói nhiều có thể lớn lên lại trở nên ít nói.
Một đứa bé lúc nhỏ nhút nhát nhưng lớn lên lại mạnh dạn.
Đừng vội vàng đặt con vào một khuôn mẫu để rồi con phải sống chung với nó trọn đời.
3. Miêu tả hành động mình không đồng ý với con, nhưng đừng đánh vào nhân cách của con.
Thay vì : “Sao con nghịch ngợm vậy?”, hãy nói : “Mẹ không đồng ý con ngồi lên bàn.”
Thay vì: “Ích kỷ vừa thôi”, hãy nói: “Mẹ không vui khi con không muốn chia sẻ đồ chơi với em”
Việc miêu tả hành động như vậy thường hiệu quả hơn, và đỡ tổn thương con hơn.
=========
Chúng ta có thể phá hỏng tương lai một đứa trẻ chỉ bằng những lời nhận xét tiêu cực vô thức của mình. Ngược lại, chúng ta cũng có thể tạo một nền tảng hạnh phúc, vững chắc cho con bằng những lời động viên, cỗ vũ mỗi ngày.
Hãy cẩn trọng hơn trong những ngôn từ bạn đang dùng hàng ngày với bé nhé <3