Làm cha mẹ

Khi con vấp ngã – Dạy con từ những tình huống hàng ngày

Khi bắt đầu làm mẹ, mình có một đam mê lớn với chủ đề nuôi dạy con cái. Mình đọc hàng chục cuốn sách, tham gia các khoá học, và là độc giả hàng ngày của nhiều blog chuyên về chủ đề này. Những kiến thức học được giúp mình tự tin và thoải mái hơn nhiều trong hành trình nuôi dạy con ba năm qua.

Mình hiểu những tương tác trực tiếp hàng ngày giữa bố mẹ và con cái là cơ hội tốt nhất để nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình và dạy con những bài học bổ ích. Những thông điệp ấy tuy nhỏ bé, nhưng cùng với thời gian sẽ đi sâu vào tiềm thức con, định hình cách con nhìn nhận về bản thân, về thế giới xung quanh, và cách con hành xử khi lớn lên. Thế nhưng, không ít lần mình phân vân, do dự, không biết ứng dụng những kiến thức ấy như thế nào trước những tình huống thực tế.

Hôm nay, mình muốn dùng một tình huống xảy ra hàng ngày — việc con vấp ngã, va chạm— để cùng phân tích và tìm hiểu xem hành động của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến con nhé.

KHI CON VẤP NGÃ, NGƯỜI LỚN THƯỜNG LÀM GÌ?

1. Chối bỏ cảm xúc của con :

Khi con vấp ngã, cha mẹ thường an ủi con: “ Có gì đâu mà khóc!”, “ Ngã có tí vậy đau gì đâu!” “ Có gì đâu mà buồn!” Từ phía người lớn, chúng ta cho rằng mình đang an ủi, động viên con. Nhưng từ phía em bé, con sẽ cảm thấy như thế nào?

Con sẽ thất vọng cho rằng bố mẹ không hiểu mình. Chúng ta thường nhìn mọi việc qua lăng kính của mình mà quên đặt mình vào vị trí của con. Với người lớn, cú ngã đó có vẻ bình thường, nhưng với một em bé, cảm giác đau là rất thật. Những nỗi buồn hay cảm giác đau đó với con cũng to tát như những vấn đề việc làm, tiền thuê nhà, trả nợ của người lớn vậy. Khi những cảm xúc của con không được thấu hiểu và chấp nhận, con sẽ dần cách xa và không muốn bày tỏ cảm xúc với người lớn nữa.

Con sẽ dần nghi ngờ cảm xúc, cảm giác của mình. Đầu tiên, con sẽ cảm thấy hoang mang: “Tại sao mình cảm thấy đau đớn, buồn bã mà người lớn lại bảo rằng mình không sao hết? Mình phải tin vào mình hay tin vào người lớn đây?” Dần dần, con bắt đầu nghi ngờ những cảm giác, cảm xúc của mình, hay nói cách khác, con mất đi sự tin tưởng và kết nối với tiếng cảm xúc bên trong chính mình. Về lâu dài, nó có thể dẫn đến đến những vấn đề tâm lý khác.

2. Mặc kệ, thậm chí trách mắng con:

Nhiều trong chúng ta chọn cách phớt lờ khi con vấp ngã với mục đích dạy con bài học về sự tự lập: Ngã thì phải biết tự đứng dậy.

Một số người còn mắng con: “ Không cẩn thận thì chịu!”, “ Lần sau cho chừa!”

Đúng là trong trường hợp khi con ngã nhẹ nhàng và không phản ứng gì, để con tự phủi tay đứng dậy là một cách hay. Nhưng khi con thực sự rất đau và cần người lớn an ủi, việc phớt lờ, thậm chí trách mắng con lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con.

Thay vì học được bài học tự lập, con sẽ học được rằng mình không thể tin tưởng vào bố mẹ những lúc khó khăn. Việc thường xuyên bị phớt lờ làm con có cảm giác bị bỏ rơi. Con cảm thấy sự thiếu an toàn bên bố mẹ và tin rằng: “Mình không thể dựa vào bố mẹ mỗi lúc có chuyện được.

Về lâu dài, con sẽ mất đi cảm giác gắn kết và tin tưởng với bố mẹ, không thấy an toàn để chia sẻ với bố mẹ những lo lắng của mình. Con sẽ có xu hướng tìm đến bạn bè hay mạng xã hội khi có vấn đề. Nói cách khác, bố mẹ dần mất đi sức ảnh hưởng đến con cái.

3. Vội chạy lại đỡ con, vờ mắng cái bàn/ghế/sàn nhà:

Mình để ý đây là cách ông bà thường dỗ dành cháu khi ngã. Một em bé chạy nhanh không may trượt chân ngã uỵch trên sân. Bà vội vàng chạy đến vừa ôm cháu vừa lấy tay vờ đánh vào cái sân: “ Cái sân làm cháu đau à?”, “ Cái sân hư quá?”, “ Sân chừa chưa? Lần sau không được làm cháu tôi đau nhé!”.

Vậy, bài học con nhận được là gì?

Khi có vấn đề, con có thể nhanh chóng tìm cách đổ lỗi cho người khác. Nhiều em bé đủ nhận thức để biết do mình không cẩn thận nên té ngã. Khi người lớn mắng cái sân, em bé đầu tiên sẽ hơi ngạc nhiên một ít nhưng dần dần, con sẽ nhận ra: “À! Mình hoàn toàn có thể đổ lỗi cho người khác những việc mình gây ra.” Đừng bao giờ đánh giá thấp sự suy luận của con. Khi niềm tin này đi sâu vào tiềm thức, con lớn lên sẽ trở thành người không bao giờ chịu nhận trách nhiệm cho những việc mình làm, luôn trách móc, đổ lỗi cho người khác hay ngoại cảnh trước những vấn đề của bản thân.

Con cũng học được rằng mình có thể dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Em bé là những người có đầu óc quan sát cực kỳ tốt, luôn để ý rất kỹ và bắt chước những điều người lớn làm. Khi ta đánh cái sân/cái tường/ cái bàn vì chúng làm con đau, con sẽ học một cách gián tiếp rằng mình có thể dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi một ngày bạn thấy con mình đánh trả lại bố mẹ hay bạn bè. Có thể, nó chỉ bắt đầu từ việc quan sát những hành động nhỏ người lớn chúng ta làm.

4. Tìm cách đánh lạc hướng con:

Một cách nữa khá phổ biến là vội vàng cho con đồ chơi, xem tivi, ăn bánh kẹo, hay những gì con thích để con nhanh chóng quên đi cái đau và ngừng khóc. Chúng ta thường sợ tiếng khóc của trẻ và muốn tìm cách cho trẻ ngừng khóc càng nhanh càng tốt. Cách này xem qua có thể vô hại, nhưng thực tế thì về lâu dài không phải là giải pháp tốt. Con sẽ nhận ra mình có thể dùng tiếng khóc để có được cái mình muốn. Tiếng khóc sẽ là một thứ vũ khí mà con dùng thường xuyên trong những lần tiếp theo khi muốn người lớn đáp ứng nhu cầu của mình.

VẬY CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?

Trước hết, chúng ta phải xác định bài học mình muốn dạy con trong tình huống này là gì?

  • Bố mẹ luôn yêu thương và là chỗ dựa an toàn khi con vấp ngã
  • Mọi cảm xúc của con là chính đáng, và bố mẹ tôn trọng cảm xúc ấy
  • Con chịu trách nhiệm cho những việc mình làm
  • Con rút ra được bài học để lần sau tránh những va vấp ấy

Nếu con ngã nhẹ thì tốt nhất là im lặng đợi phản ứng của con. Thường thì sau một lúc, con sẽ tự đứng dậy và chạy nhảy tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra.

Với những em bé đã quen với việc ngã là có người vội vàng đỡ dậy, cha mẹ có thể bình tĩnh lại gần con và hỏi với thái độ ân cần: “Con bị ngã à?” Việc được người lớn quan tâm và chú ý là đủ để con có thể tự đứng dậy và chơi tiếp.

Trong nhiều trường hợp, con cảm thấy rất đau và oà khóc, dưới đây là những gợi ý bạn có thể tham khảo.

1. Lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con

Bạn có thể lại gần ôm con và thể hiện sự thông cảm với cảm xúc của con: “ Con đau lắm không?” “ Ngã vậy chắc con đau lắm nhỉ?” Khi cảm giác được ai đó thấu hiểu và đồng cảm, con sẽ nhanh chóng bình tĩnh hơn. Theo quan sát của mình, nhiều khi đó là điều duy nhất con cần trong những tình huống như vậy.

Một kinh nghiệm riêng của mình là kể cho con chuyện tương tự xảy ra lúc mình nhỏ sau khi con bình tĩnh hơn.“Ngày xưa, mẹ cũng bị đụng đầu vào tường như vậy đó! Mẹ khóc oà luôn!”, “Ngày xưa mẹ cũng hay bị té ngã như con vậy. Đau lắm!” Những câu chuyện ấy như một phương thuốc thần kỳ làm con từ trạng thái mếu máo bỗng nở một nụ cười thật tươi. Con sẽ bắt đầu tò mò hỏi lúc đó mẹ thế nào, có ai lại đỡ mẹ dậy không…và sau một lúc thì hoàn toàn quên mất chuyện vấp ngã của mình.

Mình nghĩ việc này có tác dụng vì con cảm thấy được thấu hiếu và đồng cảm một cách thực sự: “À, bố mẹ cũng trải qua những việc như mình.” Và bé chưa bao giờ chán nghe lặp đi lặp lại những câu chuyện kiểu “hồi mẹ còn bé…” như vậy.

—> Con sẽ học được rằng: Cảm xúc của mình là đúng. Bố mẹ hiểu mình và quan tâm đến cảm xúc của mình.

2. Để cho con khóc thoải mái nếu đó là điều con cần

Khi bị đau hay sợ hãi, khóc là một phản ứng tự nhiên. Khóc là một cách rất tốt giúp con giải toả cảm xúc, xoa dịu nỗi đau của mình. “Con có quyền được khóc khi đau, khi buồn. Không có gì phải xấu hổ về nó” — đó là điều mình vẫn thường nói với con. Việc bắt con kiềm chế, che đậy cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực có thể để lại nhiều vấn đề tấm lý cho trẻ. Khi bị dồn nén cảm xúc quá lâu, trẻ thường sẽ hoặc trở nên thu mình khép kín, hoặc sẽ trở nên hung hăng, cáu bẳn, giận dữ. Ở đây, mình đang nói về việc con khóc để giải toả tâm lý, không phải là việc con cố tình khóc lóc mè nheo khi đòi hỏi một thứ gì đó.

Lúc này, hãy ở bên cạnh con, ôm con nếu con đồng ý, và để con được khóc một cách thoải mái. Có thể trấn an con: “Mẹ luôn ở đây bên cạnh con nhé!”. Tạo cho con giác được an toàn bày tỏ cảm xúc của mình là một điều tuyệt vời bạn có thể làm cho con lúc đó.

Nếu để ý, bạn có thể thấy con thường trở nên ngoan ngoãn một cách lạ thường sau những trận khóc. Đó là vì con được an toàn giải toả cảm xúc tiêu cực bên trong mình. Con cũng học được cách đối diện với nỗi buồn của mình. Thực ra thì em bé cũng giống như người lớn mình, khi có chuyện buồn, chúng ta cũng thường cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một trận khóc.

—> Con sẽ học được rằng: Mọi cảm xúc của mình đều chính đáng, và con hoàn toàn có thể bày tỏ cảm xúc của mình với bố mẹ. Con cũng học được cách đối diện trực tiếp với cảm xúc tiêu cực của mình.

3. Nhẹ nhàng hỏi con lý do bị vấp ngã và giúp con tìm ra giải pháp cho lần sau

Bước này chỉ có hiệu quả sau khi bạn đã kết nối với con và con đã bình tĩnh, vui vẻ trở lại. Luôn nhớ qui tắc: Kết nối trước, dạy dỗ sau.

Con chỉ có thể tiếp thu được khi cảm thấy an toàn. Chỉ trích, trách mắng, hay dạy dỗ trong lúc con đang khó chịu, giận dữ không phải là cách dạy dỗ hiệu quả.

Chúng ta có thể hỏi con với một thái độ tò mò, cởi mở về lý do con vấp ngã, cũng như giải pháp giúp con tránh những lần sau:

  • Sao lúc nãy con ngã vậy?
  • Có phải vì giày con trơn quá không?
  • Có phải vì con chui dưới gầm bàn mà lúc đứng lên quên mất không?
  • Lần sau con có thể làm gì để không bị ngã?
  • Lần sau nếu trời mưa mình có nên chọn đôi giày khác không nhỉ?
  • Lần sau nếu chui xuống gầm bàn thì con nên làm sao để không bị đụng đầu nữa?

Thái độ của cha mẹ là yếu tố quyết định tính thành công của bài học. Việc chúng ta khơi gợi, hỏi han con một cách tò mò, với mong muốn cùng giúp con tìm ra giải pháp sẽ thường có kết quả tích cực. Ngược lại, nếu chúng ta hỏi con với thái độ phê phán, chỉ trích, con sẽ thêm chống đối.

—> Con học cách tự nhận trách nhiệm cho những việc mình làm, và tìm giải pháp để tránh những lần tiếp theo.

4. Giúp con có cái nhìn toàn diện hơn về việc mình làm

Mình thường hỏi con:

  • Không biết cái bàn/ghế/sàn nhà lúc nãy bị con va vào có bị đau không nhỉ?
  • Mình làm gì để động viên, an ủi bạn ấy nhỉ?

—> Điều này giúp con biết đặt mình vào vị trí của người khác. Đó là nền tảng cho những bài học đầu tiên về cảm thông, thấu hiểu. Con cũng học cách sẵn sàng xin lỗi, sửa lỗi khi làm sai.

CÓ THỂ BẠN ĐANG NGHĨ:

Sao phải quan trọng hoá vấn đề như vậy? Chỉ là một cú ngã thôi mà!

Đúng là một vài lần chỉ trích hay phớt lờ con cái thường không để lại hậu quả tiêu cực gì. Nhưng vì đó là những chuyện diễn ra thường xuyên, qua ngày, qua tháng năm, những thông điệp ấy sẽ đi sâu vào tiềm thức con vô cùng mạnh mẽ và là nhân tố quyết định thái độ của con về bản thân và thế giới xung quanh mình. Nếu cư xử đúng cách, chúng ta đang giúp con xây dựng một nền tảng niềm tin và giá trị sống tuyệt vời. Nhưng nếu phản ứng một cách thụ động, thiếu suy nghĩ, chúng ta cũng có thể biến con thành những người tự ti, mặc cảm, vô trách nhiệm với cuộc sống của mình.

Thực hiện những điều trên có vẻ phức tạp quá!

Trên đây chỉ là những gợi ý cho bạn tham khảo. Mỗi em bé là một cá thể với những nhu cầu và tính cách hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi sự linh động và nhạy bén của người làm cha mẹ khi áp dụng gợi ý vào thực tế. Việc phân tích có vẻ dài dòng nhưng thực sự nó chỉ mất khoảng 4-5 phút để thực hiện. Và khi được lặp lại nhiều lần, những phản ứng này sẽ trở nên rất tự nhiên và đơn giản với bạn.

Hơn nữa, những cách thông thường cũng mất thời gian không kém. Đó là chưa kể vì cảm xúc không được giải toả, con sẽ thường hậm hực, khó chịu trong khoảng thời gian lâu hơn. Về lâu dài, bạn cũng mất thời gian nhiều hơn để giải quyết hậu quả những vấn đề tâm lý của con do cách phản ứng thiếu chủ ý của mình gây ra.

Bạn áp dụng điều trên nhưng con không rút ra bài học gì.

Em bé vẫn chỉ là những em bé. Chúng ta không thể kỳ vọng những em bé của mình ứng xử như là người lớn. Con sẽ vẫn hiếu động, thích khám phá mọi ngóc ngách hay những thứ mới lạ, và việc vấp ngã vẫn sẽ xảy ra mỗi ngày. Con sẽ vẫn ăn vạ, gào khóc, khó chịu…đó là điều hoàn toàn bình thường.

Dạy con là một chặng hành trình dài. Một lần bạn làm đúng không có nghĩa là xong. Một lần làm sai không có nghĩa là không thể quay lại sửa sai được. Điều quan trọng là việc chúng ta kiên trì áp dụng từng ngày. Nhìn lại, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: bạn trở nên chủ ý và tự tin hơn với cách ứng xử của mình, và con bạn cũng vui vẻ, hạnh phúc hơn nhiều.

Bạn cố gắng thay đổi nhưng nhiều lúc mất kiên nhẫn lại quay về với cách làm cũ.

Làm cha mẹ, không có ai hoàn hảo. Bản thân mình cũng như bao cha mẹ khác, đã phạm nhiều sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái. Biết là một chuyện, nhưng thực hiện lại là chuyện hoàn toàn khác. Mình không tránh khỏi những ngày mệt mỏi chỉ trích, la hét con. Không tránh khỏi những ngày phớt lờ, thậm chí chối bỏ cảm xúc của con. Nhưng điều quan trọng là khi nhận thức được những điều nên làm, mình không để tình trạng đó đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Mình học cách từ từ điều chỉnh lại.

Làm cha mẹ là một chặng hành trình dài. Việc bạn đang nỗ lực để làm một người cha, người mẹ tốt hơn đã là một thành công rồi.

Hãy cảm thông và tha thứ cho bản thân mỗi lần bạn mất kiên nhẫn và quay lại với cách làm cũ.

Qua bài viết này, mình mong người lớn chúng ta cùng dừng lại và xem thông điệp mình gửi đến con qua những tương tác hàng ngày. Không có gì có sức mạnh mạnh mẽ hơn là việc dạy con qua những tình huống cụ thể như vậy.

Để lại một bình luận