Công nghệ và cuộc sống

Mạng xã hội có phải là thứ thuốc lá mới?

Thuốc lá lấy đi sức khoẻ của bạn, còn công nghệ đang lấy đi tâm hồn bạn.

Ai trong chúng ta cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ và là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến ung thư phổi. Thế nhưng, phải hơn nửa thế kỷ từ khi xuất hiện, con người mới bắt đầu lờ mờ nhận thức được tác hại của nó. 

Thuốc lá bắt đầu được sản xuất đại trà vào những năm đầu 1900s. Nó trở nên phổ biến trong chiến tranh thế giới thứ nhất, khi mà chính phủ các nước cấp thuốc lá miễn phí cho lính quân đội để giúp họ giải toả căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần. Dần dần, hút thuốc trở thành một thứ văn hoá trong quân đội, và lan toả đến mọi tầng lớp trong xã hội. 

Các công ty thuốc lá với những chiến dịch quảng cáo, tung hô rầm rộ khiến mọi người cho rằng nó là món quà thượng đế ban tặng loài người, một phát minh tuyệt vời của nhà sản xuất. Nó được chấp nhận rộng rãi trong xã hội, từ công sở, nhà ở, quán bar, rạp chiếu phim, trở thành một thứ không thể thiếu trong những hoạt động giải trí và tụ tập xã giao. Trong những năm đó, hơn 50% dân số trưởng thành ở các nước công nghiệp hút thuốc lá. Thậm chí, con số này ở nước Anh lên đến hơn 80%. Họ ngây thơ cho rằng nó là một giải pháp hữu hiệu cho việc giải toả căng thẳng, mệt mỏi mà không ảnh hưởng gì lâu dài.

Phải đến những năm 1950s, sau hơn một nửa thế kỷ xâm nhập vào cuộc sống, các nhà khoa học mới bắt đầu có những kết quả nghiên cứu đầu tiên về sự liên hệ giữa ung thư phổi và thuốc lá. Trước đó, ung thử phổi là bệnh khá hiếm. Nhưng cùng với sự phổ biến của thuốc lá, tỉ lệ người bị ung thư phổi tăng lên một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, việc nhận thức trong xã hội vẫn còn rất thấp. Nhiều người lờ mờ nhận ra được những thay đổi trong sức khoẻ của mình: khó thở, tức ngực, bất an, mệt mỏi…nhưng cảm giác phấn chấn, sảng khoái sau mỗi lần dùng dễ làm họ gạt bỏ những dấu hiệu cảnh báo ấy. 

Cho đến những năm 1960s-1970s, phải đến khi hàng loạt những nghiên cứu khoa học đồng nhất chỉ ra tác hại của thuốc lá, các công ty thuốc lá mới chịu chấp nhận điều đó. Khi số lượng người nghiện và nguy cơ gây hại của của nó ở mức đáng báo động, chính phủ các nước bắt đầu vào cuộc yêu cầu các công ty sản xuất cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao bì. Mọi người dần nhận thức được tác hại của nó. Hút thuốc lá dần bị liệt vào danh sách những hoạt động cấm ở nhiều nơi công cộng.

Việc nhận thức được tác hại của thuốc lá giúp số lượng người dùng giảm rõ rệt, nhưng một số lượng lớn vẫn không thể từ bỏ được. Cuộc sống của họ đã hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc lá. Dù biết là sức khoẻ đang bị huỷ hoại nhưng họ không thể từ bỏ được.

Liệu mạng xã hội có phải là thứ thuốc lá mới?

Sự xâm nhập của thuốc lá vào cuộc sống của thế hệ trước cũng có nhiều nét tương đồng với sự xâm nhập của mạng xã hội vào thế hệ chúng ta. Cả hai cùng bắt đầu giới thiệu bản thân mình như là những món quà tuyệt vời mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Nhưng sự thực thì chúng đang bán những sản phẩm có tính chất gây nghiện rất cao, và đó là cách mà chúng thu về lợi nhuận khổng lồ. 

Với lịch sử tồn tại trăm năm của thuốc lá, hiện tại, chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng về tác hại của nó. Trong khi đó, mạng xã hội chỉ vừa xuất hiện cách đây hơn 10 năm, vẫn còn quá sớm để có thể lường hết được ảnh hưởng của nó đối với con người và xã hội. Nó vẫn đang hiện hữu dưới danh nghĩa là món quà tuyệt vời mà đế chế công nghệ ban tặng: giúp bạn kết nối với thế giới, chia sẻ, cập nhật thông tin một cách dễ dàng. Chúng ta vẫn đang tung hô, đón nhận món quà đó một cách ngây thơ mà không nhận ra rằng: dưới cái danh nghĩa tốt đẹp ấy là cả một hệ thống thiết kế tinh vi để cám dỗ và gây nghiện. Mục đích của chúng là lấy đi được nhiều nhất có thể thời gian và sự chú ý của bạn. Đó là chưa kể, với thuốc lá, bạn phải trả tiền, còn với mạng xã hội, đó là một món quà “miễn phí”. 

“Trong 20 năm nữa, không khó để chúng ta nhận ra rằng: tác hại của mạng xã hội lên bộ não cũng giống như tác hại của việc hút thuốc lá lên phổi” – Yancey Strickler – Kickstarter’s CEO

Nghiện mạng xã hội là gì?

Với nhiều người, nghiện là một từ đáng sợ. Chúng ta thường gắn nó với việc nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện chất kích thích. Thế nhưng, nghiên cứu chỉ ra rằng: nhiều loại nghiện hành vi, như nghiện cờ bạc hay nghiện internet, cũng có nhưng tác động tương tự lên não bộ chúng ta và có những tính chất giống như nghiện chất kích thích. Người dùng biết được những hậu quả nặng nề của chúng, nhưng họ bất lực không thể cưỡng lại cám dỗ của những chất kích thích hay hành vi ấy. 

Nghiện mạng xã hội là một loại nghiện hành vi, trong đó người dùng trở nên quá quan tâm đến mạng xã hội, bị điều khiển, thôi thúc một cách mất kiểm soát để lên mạng. Kết quả là họ dành quá nhiều thời gian, năng lượng trên mạng xã hội, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến các khía cạnh khác của cuộc sống.” 

So với nghiện chất kích thích, nghiện mạng xã hội thường nhẹ hơn. Nếu bạn không lên Facebook, bạn không phải chịu đựng cảm giác thiếu thốn, khó chịu như là việc bạn không có thuốc. Thế nhưng, khi khoảng cách giữa bạn và ứng dụng đó chỉ là một cú nhấp chuột, một cái chạm màn hình, thì việc cưỡng lại cám dỗ để đăng nhập gần như là điều không thể. 

Hai yếu tố gây nghiện của mạng xã hội

Việc chúng ta dễ bị nghiện mạng xã hội không phải là một sự ngẫu nhiên, mà nó là một tính năng được nghiên cứu và thiết kế một cách tinh vi, kỹ lưỡng. Các đế chế công nghệ lợi dụng những yếu điểm trong não bộ và tâm lý chúng ta để kích thích khả năng gây nghiện, trong đó hai yếu tố chính: cơ chế phần thưởng ngẫu nhiên và  nhu cầu được chấp nhận của con người

Hãy cùng tìm hiểu về cơ chế phần thưởng ngẫu nhiên. Khái niệm này bắt nguồn từ thí nghiệm con chuột và đòn bẩy của nhà tâm lý học B.F. Skinner. Nếu bạn đưa cho con chuột một cái đòn bẩy và cứ sau 100 lần nhấn đòn, nó sẽ được cho thức ăn. Đối với con chuột, điều này thật hấp dẫn. Nhưng sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nếu nó nhận được thức ăn một cách ngẫu nhiên. Kết quả là con chuột sẽ bị kích thích nhấn đòn nhiều hơn. Thế nên, những phần thưởng ngẫu nhiên có sức cám dỗ lớn hơn nhiều so với những phần thưởng có tính qui luật. 

Cả ngành công nghiệp cơ bạc dựa vào cơ chế này để cám dỗ người chơi. Và đây cũng chính là cách mà mạng xã hội đang lợi dụng để gây nghiện cho bạn. Phần lớn những tin tức bạn cập nhật trên mạng xã hội thường là nhàm chán, vô nghĩa, nhưng lâu lâu bạn lại nhận được một vài thông tin thú vị. Vì bạn không biết mình sẽ nhận được điều thú vị ấy lúc nào nên gần như luôn muốn đăng nhập kiểm tra.  

Khi bạn đăng một hình ảnh hay trạng thái nào đó và nhận được một thông báo, ví dụ như một nút thích hay bình luận tích cực của người khác, não của bạn sẽ tiết ra chất dopamine làm cho bạn cảm thấy kích thích, phấn chấn. Điều này làm cho não bạn bắt đầu liên hệ việc dùng mạng xã hội với những phần thưởng đó, khiến cho bạn càng muốn dùng nó nhiều hơn. Bạn bị thôi thúc đăng nhập mạng xã hội, thôi thúc quẹt màn hình để tìm kiếm những “phần thưởng” ngẫu nhiên ấy. Kết quả là bạn dành thời gian trên đó nhiều hơn là ý định ban đầu của mình. 

Thứ hai, mạng xã hội lợi dụng nhu cầu muốn được cộng đồng chấp nhận của con người. Thời nguyên thuỷ, được cộng đồng chấp nhận là một điều rất quan trọng cho sự sinh tồn của mỗi cá nhân. Bạn khó có thể tồn tại nếu không được sự chấp nhận, bảo vệ của cộng đồng xung quanh. Những đế chế công nghệ khai thác nhu cầu tâm lý này để chi phối bạn.

Bộ não của bạn sẽ xem những tính năng như nút thích hay bình luận là dấu hiệu cho biết bạn có được cộng đồng chấp nhận hay không. Nhiều nút thích hay bình luận tích cực cho bạn có cảm giác mình đang được quan tâm, yêu thích. Được ai đó tag vào mang lại cho bạn cảm giác thoã mãn rằng ai đó đang nghĩ về bạn. Ngược lại, những bình luận tiêu cực làm bạn cảm thấy mình bị đơn độc, lạc lõng. Thế nên, bạn luôn muốn liên tục cập nhật mạng xã hội để biết mình đang ở vị trí như thế nào trong cộng đồng. 

Trong hàng ngàn năm lịch sử, sự giao tiếp và giữ gìn mối quan hệ trong cộng đồng đòi hỏi những nỗ lực lớn và bằng những hình thức giao tiếp có tính chất truyền tải thông tin cao. Đó là những cuộc gặp gỡ thực tế, trao đổi qua giọng nói, qua nhiều biểu cảm sắc thái khác nhau. Trong khi đó, những cái thích hay bình luận trên mạng xã hội gần như không đòi hỏi bất cứ nỗ lực nào. Với người gửi, nó chỉ đơn giản là một cú nhấp chuột, một vài từ ngữ chung chung. Việc chúng ta dựa vào nguồn hồi đáp ít ỏi, nhanh chóng đó trên mạng xã hội để tìm cảm giác thuộc về thực sự là rất thiếu logic. 

Mạng xã hội cho ta ảo giác được kết nối nhưng thực tế thì nó làm ta cảm thấy cô lập hơn. Vì nó đang còn khá mới nên chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra hậu quả lâu dài của nó lên sức khoẻ và tinh thần của người dùng. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra sự liên hệ chặt chẽ giữa việc dùng mạng xã hội nhiều với nguy cơ bị lo âu, trầm cảm, cô đơn, thậm chí là tự tử.

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội. Nó mang lại những tiện ích và giá trị nhất định trong cuộc sống. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích và hệ luỵ trong thói quen sử dụng của mình. Đã đến lúc chúng ta cần phải cẩn trọng hơn với công nghệ, để chúng là công cụ phục vụ cuộc sống của ta thay vì là những rào cản đẩy chúng ta xa hơn với mục đích của mình. 

Hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Bạn đang sử dụng mạng xã hội, hay  mạng xã hội đang sử dụng bạn? Hãy thành thật với bản thân mình. Bởi nhận thức là bước đầu tiên để tiến đến thay đổi.

Trả lời