Làm cha mẹ

Kiểm soát cảm xúc trong việc làm cha mẹ

Chuyện đọc sách cho con

Thảo An rất thích đọc sách. Hàng ngày, yêu cầu nhiều nhất của con có lẽ là: ” Mẹ đọc sách cho con!”

Những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi hào hứng chấp nhận lời đề nghị đó. Tôi có thể ngồi đọc cho con cả chục cuốn sách một lúc. Tôi cảm thấy vui xen lẫn chút tự hào vì đã truyền được nguồn đam mê đọc sách cho con. Những ngày ấy, mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng. Tôi thấy con mình thật biết nghe lời, ngoan ngoãn.

Thế nhưng những ngày trong người uể oải, mệt mỏi, thứ tôi cảm thấy rất phiền toái và khó chịu nhất lại chính là cái yêu cầu này của con. Tôi cáu kỉnh gắt lên: “Mẹ cần nghỉ ngơi! Con tìm trò khác chơi đi!” Con gái ủ rũ đi chỗ khác, một lúc sau lại quay lại đòi tôi đọc sách tiếp. Tôi vừa bực bội vừa cảm thấy tội lỗi. Những ngày ấy, tôi thấy con mình sao ương bướng, khó chiều!

Thế nên, nhiều khi con ngoan hay hư không phải ở con, mà là ở tâm trạng của tôi.

======

Thẳng thắn nhận trách nhiệm cho cảm xúc bên trong chính mình

Tâm trạng bên trong ảnh hưởng rất nhiều đến cách mà ta nhìn và đối xử với con cái. Khi vui vẻ, chúng ta dễ dàng đáp ứng yêu cầu và bỏ qua những lỗi lầm của con. Khi mệt mỏi, một hành động bình thường của con cũng dễ làm ta nổi trận lôi đình.

Vừa ngày hôm qua, con ăn chậm chạp, chúng ta vẫn kiên nhẫn đợi con. Hay ngày hôm kia đi làm về thấy đống đồ chơi bừa bộn, chúng ta vẫn vui vẻ ngồi xuống dọn dẹp cùng con. Thế sao hôm nay, chúng ta lại quát mắng, thậm chí đánh con cũng chỉ bởi những hành động ấy?

Nhiều khi vấn đề không nằm ở hành động của con, mà nằm ở tâm trạng của chúng ta.

Nhìn bên ngoài, rõ ràng mọi quát mắng của chúng ta với con luôn có lý do “chính đáng”: vì con lười ăn, con bừa bộn, con ương bướng, con không nghe lời… “Có ai đánh con vô cớ bao giờ?”- chúng ta nghĩ.

Nhưng nếu nhìn kỹ, đó là phần nổi của tảng băng chìm. Sâu bên trong, những hành động đó nhiều khi là cách chúng ta dùng để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực bên trong mình.

Nếu bạn để ý một chút, bạn sẽ thấy rõ những ngày bạn mệt mỏi hay khó chịu trong người, là những ngày bạn quát mắng con nhiều nhất. Bạn trở nên khắt khe với con hơn, bạn dễ nổi cáu với con hơn.

Trong cuộc sống, sẽ không tránh khỏi những áp lực và cảm xúc tiêu cực. Nhiều khi, chuyện công việc, hay mâu thuẫn với vợ/chồng mình là tác nhân chính gây ra tức giận trong ta, nhưng vì nhiều lý do, chúng ta kìm nén những cảm xúc ấy ở trong lòng. Vấn đề là mớ cảm xúc ấy tiêu cực ấy vẫn cần một nơi để giải toả, và nơi dễ dàng và thuận tiện nhất chính là những đứa con của mình. Vì sao?

Vì chúng ta tự cho mình cái sức mạnh của người lớn, và chúng ta biết con cái phụ thuộc vào mình. Dù có quát mắng bao nhiêu thì con cái vẫn luôn cần và bên cạnh chúng ta. Dù có làm tổn thương con đến mức nào thì con vẫn không thể rời bỏ cha mẹ được. Và vì chúng ta quên mất rằng con cũng có những cảm xúc phức tạp, nhạy cảm như người lớn. Chúng ta nghĩ mình la mắng con một lúc rồi con lại quên ngay mà.

Những điều này phần lớn không xuất phát từ sự cố ý làm tổn thương con mà chỉ là do những phản ứng thiếu chủ ý nhất thời, và hơn ai hết, tôi cũng hiểu rất rõ để làm được điều trên không phải dễ. Không ít ngày tôi trút bỏ những cảm xúc tiêu cực lên con. Không ít ngày tôi doạ nạt, la mắng con một cách rất vô cớ.

Thế nhưng, chúng ta có thể hạn chế bằng việc thẳng thắn nhận trách nhiệm với tâm trạng của bản thân và điều chỉnh hành vi của mình.

Khi tâm trạng không tốt, hãy hít một hơi thật sâu và tự nhắc nhở mình: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm cho cảm giác tiêu cực của mình. Tôi sẽ không trút cơn tức giận của mình lên con.”

Thậm chí, bạn có thể tránh xa con nếu đó là điều cần thiết.

Tìm cho mình một nơi tĩnh lặng để cơn sóng cảm xúc được dịu xuống trước khi nói chuyện cùng con.

Hãy dừng lại việc bắt con phải là nạn nhân cho tâm trạng của mình.

2 thoughts on “Kiểm soát cảm xúc trong việc làm cha mẹ

Trả lời