Cuộc sống hôn nhân

Khi chồng tôi đi chợ…

Hôm bữa mình nhờ chồng đi chợ mua bịch gạo.

Nhìn ra cổng, mình ngạc nhiên khi thấy anh ấy khệ nệ vác túi gạo to uỳnh đi vào nhà. Nhà có mỗi hai người lớn và hai đứa nhỏ, đứa nhỏ nhất còn mới tập ăn, không hiểu chồng mình mua túi gạo to thế làm gì. Mà gạo mở ra rồi để lâu sợ hỏng. Cảm giác khó chịu trong mình bắt đầu nổi lên.

Mình chỉ muốn chạy xồng xộc ra nói: “Anh sợ chợ hết gạo hay sao mà mua bịch to vậy!

Nhưng may mà mình kiềm lòng được. Mình vui vẻ chào chồng và không quên cảm ơn anh ấy đi chợ giúp mình, giấu đằng sau một “nỗi niềm” khó nói, bấm bụng đợi một ngày đẹp trời sẽ góp ý.

Không hiển nhiên mà mình làm vậy đâu bạn ạ. Phải sau bao lần hậm hực, cãi nhau, mình mới đúc rút ra được cái kinh nghiệm quí giá ấy.

=========

Chuyện là thế này…

Kể từ khi có bé thứ 2 thì chồng mình gần như phụ trách việc đi chợ. Đi chợ cả nhà cùng hai đứa nhỏ thì lỉnh kỉnh, mà mình lại chưa có bằng lái xe, nên cách đơn giản nhất là nhờ chồng đi chợ giúp. Với nữa, nhà mình ăn uống khá đơn giản, thực đơn hàng tuần khá giống nhau nên cứ làm một cái danh sách sẵn rồi chồng mình cứ thế mà mua.

Nhưng khổ nỗi, việc đi chợ nhiều khi cũng cần sự linh động mà người vốn ít khi tham gia chuyện nấu nướng như chồng mình không thể biết được.

Và kết quả là tuần nào cũng có vấn đề:

Tuần đầu, chồng mình mua mấy bông súp lơ ngả vàng, héo quắt. Mình khó chịu hỏi thì thì anh nói tại vì nó có trong danh sách.

Rút kinh nghiệm tuần sau chồng mình chỉ chọn mua những loại rau tươi thôi, rau nào héo thì bỏ qua. Nhưng lần này mình lại không thể rời mắt được bịch xoài to tướng mà xem giá cũng “nghẹn ngào” theo.

Tuần tiếp theo chồng mình đã biết cân nhắc giá cả hơn. Nhưng buồn thay, lúc này mình đang săm soi chục quả bơ chín rữa như muốn nát bẹp ra.

Tuần nữa chồng mình đã biết chọn bơ chuẩn hơn, nhưng lại phạm phải một sai lầm đáng tiếc… mua sữa gần hết hạn.

Tóm lại là mỗi một tuần ông chồng tội nghiệp của mình rút ra được một kinh nghiệm, nhưng khổ nỗi là không kinh nghiệm tuần nào giống nhau. Đi chợ về hôm nào cũng bị bà vợ khó tính là mình đây “góp ý” một cái gì đó.

Một vài lần đầu chồng mình im lặng.

Một vài lần nữa thì anh ấy bắt đầu tỏ vẻ hậm hực, khó chịu.

Đỉnh điểm là một hôm trong lúc vừa xếp đồ vừa nghe mình ca thán, chồng mình giận dữ xỏ dép đóng cửa cái rập đi ra ngoài, không quên với lại một câu: “Đi chợ vất vả đã không khen thì thôi suốt ngày phàn nàn. Giỏi thì hôm sau tự mà đi chợ!!!”

========

Ngồi lại một mình với đống đồ ăn lỉnh kỉnh trên sàn nhà, lúc đầu mình thấy khó chịu vì người đâu mới có góp ý mấy câu đã tự ái. “Thì cũng phải nói để biết lần sau mà rút kinh nghiệm chứ”, mình nghĩ.

Nhưng mà ngẫm một lúc thì thấy cũng có lỗi thật.

Đúng là cái list của mình có hàng chục thứ từ nhỏ đến lớn, từ củ tỏi đến chai dầu ăn cho đến thịt cá….làm sao có thể tránh được một vài sai sót. Bản thân mình nhiều khi chợ cũng mua phải rau hỏng, quả thối, hay là quên cái này cái kia. Sao mình dễ dàng bỏ qua cho bản thân, mà lại khó tính với ông chồng vụng về của mình vậy?

Mình đã có thể dừng lại và cảm ơn nỗ lực của chồng thay vì săm soi một vài lỗi nhỏ ấy. Anh ấy đã rất vất vả và cố gắng chỉ vì muốn san sẻ gánh nặng với mình thôi mà.

Sai quá là sai thôi.

=======

Bốn cánh cổng của lời nói

Chuyện đi chợ ấy làm mình nhớ đến bốn cánh cổng của lời nói, cụ thể là trước khi nói, hãy để lời nói của mình đi qua bốn cánh cổng sau:

1. Điều mình nói có đúng không?

Trong trường hợp của mình thì những nhận xét ấy là đúng (rau héo là đúng thật, xoài đắt là đắt thật, sữa gần hết hạn là có thật…)

2. Điều mình nói có cần thiết không?

Mình nghĩ là cần thiết. Chồng mình cần phải biết để rút kinh nghiệm cho lần sau.

3. Điều mình nói có tốt không?

Đây là khi lời nói của mình bắt đầu có vấn đề. Cách mà mình nói mang tính phàn nàn, đổ lỗi hơn là mang tính góp ý, xây dựng. Nghe qua thì đúng là mình muốn chồng mình biết để lần sau tránh, nhưng năng lượng mình mang vào trong đó rất tiêu cực, nó mang theo cả sự khó chịu và giận dữ trong mình. Thế nên, cách mà mình nói không tốt.

4. Điều mình nói có đúng thời điểm không?

Khi chồng vừa đi chợ về còn đang mệt mỏi và thường trong trạng thái đói bụng, còn mình thì hậm hực, khó chịu, cả hai đều không sẵn sàng để giao tiếp với nhau. Thế nên mình đã chọn nói không đúng thời điểm.Mà mua thì cũng đã mua rồi, nói ngay vào thời điểm đó không giải quyết được vấn đề gì. Nếu muốn chồng rút kinh nghiệm cho lần sau thì đợi ít hôm nữa khi vợ chồng vui vẻ góp ý cũng không muộn.

Vậy là lời nói của mình đi được qua hai cánh cửa đầu nhưng đã bị chặn lại bởi hai cánh cửa sau. Điều đó có nghĩa là mình đã có thể vẫn nói những điều ấy nhưng nên chọn một thời điểm tốt hơn, nói với một thái độ dễ chịu hơn.

Sau dạo ấy mỗi lần chồng đi chợ về thì mình chỉ vui vẻ khen những thứ anh ấy làm tốt. Còn những thứ chưa tốt lắm nếu được thì mình bỏ qua, còn không thì đợi lúc nào cả hai vui vẻ sẽ góp ý. Nó giúp mình tránh được khá nhiều những hậm hực không cần thiết với chồng.

========

Quay trở lại với chuyện bịch gạo

Mình định bụng hôm sau hết gạo mà cần chồng đi chợ tiếp thì sẽ góp ý về vấn đề này. Thế nhưng ngay trong bữa ăn hôm sau:

Chồng: “Em thấy gạo đợt này thế nào?”

Mình: “Em thấy gạo thơm và ngọt hơn gạo loại trước.”

Chồng: “Hôm ấy lúc tính tiền anh giật mình sao gạo đợt này đắt vậy. Nhìn kỹ mới thấy bịch gạo 30 kg, gấp đôi bịch mình thường mua. Anh định đổi lại mà vội quá nên thôi.”

Mình: “Em cũng thích gạo bịch nhỏ hơn. Bịch to em sợ ăn không nhanh hết bị hỏng.”

Chồng: “Ừ lần sau mua anh sẽ để ý chọn bịch nhỏ hơn.”

Ờ đơn giản vậy thôi, chồng mình biết cái cần biết… mà mình đỡ được trận cãi nhau mọi người ạ.

Trả lời