Tản mạn chuyện gia đình
“Sau hôn nhân, có điều gì ở chồng mà chị cảm thấy không hài lòng không?”
Em ngập ngừng hỏi tôi trong một lần trò chuyện.
Biết nói sao nhỉ!?
Trong mắt tôi, chồng tôi là một người tuyệt vời. Quen nhau gần 14 năm, từ chỗ bạn bè, đến người yêu, đến vợ chồng, rồi lên chức bố mẹ cùng nhau, tôi vẫn chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước sự chu đáo, ân cần và trách nhiệm của anh. Cùng anh bước qua tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết và cả những thăng trầm, tôi càng cảm thấy tôn trọng và tin tưởng người bạn đồng hành của mình.
Không ai là hoàn hảo, và tôi cũng những điều không hài lòng ở anh. Nhưng để tìm ra một điểm xấu mà tôi có thể bật ra ngay lập tức như thể nó là tảng đá dồn nén trong tôi thì quả thực không dễ….bởi phần lớn chúng là những điều vụn vặt.
Ngập ngừng một lúc, tôi nói: “Có một thứ chị vừa không hài lòng nhưng cũng vừa ngưỡng mộ chồng chị, đó là anh ấy không tham tiền. Với bằng cấp và năng lực như anh ấy, nhiều người ra ngoài làm lương cao hơn nhiều, nhưng anh thì vẫn kiên định với lựa chọn con đường học thuật của mình.”
Thực ra mà nói, không phải là chồng tôi không thích tiền, cũng không phải anh nhiều tiền có đến mức không phải lo nghĩ về tiền bạc. Ngược lại, anh rất quí trọng đồng tiền và vẫn nỗ lực, trăn trở để đảm bảo tài chính cho gia đình. Chỉ đơn giản, anh không phải là kiểu người tận dụng mọi thời gian và năng lượng để kiếm thật nhiều tiền hay để leo lên những nấc thang cao nhất có thể trong công việc.
_______
Tôi nhớ một lần cả nhà ra công viên chơi. Trong lúc ngắm nhìn bọn trẻ vui đùa, vợ chồng chia sẻ những dự định cho tương lai, anh nói: “Anh nghĩ là anh đang ở vị trí mơ ước của mình rồi!”.
Tôi đùa: “Anh làm giáo sư trường quèn, lương ba cọc ba đồng mà gọi là đỉnh cao. Anh phải làm giáo sư Harvard, Princeton, hay ra làm ngoài kiếm lương gấp 2-3 lần thì mới gọi là đỉnh cao được”.
Anh đáp lại: “Nói thật nha. Kể cả Harvard có mời thì cũng chưa chắc anh đã nhận. Những trường càng danh giá thì sự cạnh tranh và yêu cầu cũng càng gay gắt. Vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn, áp lực càng nhiều. Anh thích công việc vừa tầm đủ để phát triển bản thân nhưng cũng còn thời gian để tập trung cho những điều quan trọng khác trong cuộc sống.”
Tôi cười : “Anh ngồi đó mà mơ Harvard nhận anh đi!”
Anh cũng cười – vẫn nụ cười thật thà, thân thuộc ấy.
———
Đùa nhau vậy, nhưng tôi hiểu chồng tôi đang chia sẻ chân thành cách nhìn của anh về cuộc sống. Anh vốn là người sống rất kỷ luật, có ý chí và nhiều tham vọng. Nhưng mục tiêu của anh không hẳn là tối đa hóa tiền bạc, sự nghiệp, mà mục tiêu lớn hơn là sống một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc, bình an.
Anh đang làm công việc mà anh yêu thích.
Anh được đồng nghiệp tin tưởng, sinh viên quí mến, công việc không áp lực nhiều.
Thời gian làm việc của anh linh hoạt, có thời gian cho gia đình, cho bản thân.
Mức lương không hẳn cao nhưng cũng đủ cho một cuộc sống vừa dễ chịu.
Với anh, đó là đỉnh cao của công việc.
Đỉnh cao ấy không đo bằng tiền bạc, danh vọng hay sự ngưỡng mộ của người ngoài.
Thước đo ấy đến từ việc nhìn sâu vào bên trong để biết năng lực của mình đến đâu và thấu hiểu bản thân mình thực sự muốn gì. Đỉnh cao ấy nằm ở sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, giữa tài chính và thời gian cho sức khỏe và những thú vui của bản thân.
“Nếu như sự thăng tiến về tiền bạc, sự nghiệp cướp đi những điều giá trị hơn như thời gian cho gia đình, cho sức khỏe, cho sự an ổn bên trong mình, thì cái giá ấy không đáng!” – Anh nói.
————
Khi mới quen nhau, anh vẫn nói: “Anh không hứa sẽ cho em nhà lầu, xe hơi, cuộc sống sang chảnh. Nhưng anh hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho em”.
Cho đến bây giờ, anh vẫn làm tốt lời hứa đó, thậm chí là tốt hơn cả mong đợi của tôi. Thế nên dù cũng có những lúc cáu lắm nhưng tôi cũng chẳng thể phàn nàn hơn được. Mà suy cho cùng, có lẽ anh hiểu điều gì thực sự mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tôi hơn là tôi hiểu bản thân mình.
Thôi thì tôi đành ủng hộ con đường anh chọn, như cách anh luôn ủng hộ tôi trong những tháng năm qua.