Tiền ở đâu trong bức tranh hạnh phúc?
Đây có lẽ là một trong những bài mà tôi dành thời gian lâu nhất để viết. Tôi bắt đầu nó từ cách đây 2 tháng, nhưng rồi cứ viết lại ngừng, viết lại ngừng. Bởi trong quá trình viết, càng đi sâu, tôi thấy nó khó hơn tôi tưởng. Bởi tiền là một chủ đề rất rộng và phức tạp, khó có thể tìm được một cái nhìn vừa bao quát vừa thấu đáo. Bởi tình hình tài chính, khả năng kiếm tiền và hoàn cảnh mỗi người một khác. Bởi hạnh phúc, nó dù sao cũng là một khái niệm quá trừu tượng để có thể tìm một câu trả lời tuyệt đối. .
Thế nhưng có một điều gì đó vẫn thôi thúc tôi viết và chia sẻ bài viết này. Nó hẳn sẽ không thể trả lời một cách trọn vẹn, thấu đáo, và chắc chắn sẽ không thể thiếu những góc nhìn khác. Tôi chỉ hi vọng bạn đọc nó với một thái độ cởi mở, để bài viết này chỉ là mở đầu cho bạn tự đi tìm câu trả lời cho mình.
=========
Trong bài viết hôm trước, tôi có bàn luận về chủ đề: Vật chất có mang lại hạnh phúc?
Câu trả lời là đến một ngưỡng nhất định, sự nâng cấp về đời sống vật chất không làm chúng ta hạnh phúc hơn. Thậm chí nếu tính vào yếu tố căng thẳng, lo âu về tiền bạc đi kèm, thì sự nâng cấp ấy có thể làm ta thâm hụt về hạnh phúc.
Vậy còn TIỀN…chắc chắn phải mua được hạnh phúc chứ?
Bởi rõ ràng ai trong chúng ta cũng mơ ước về một ngày không phải lo lắng về tiền bạc, được trút bỏ cái gánh nặng cơm áo gạo tiền để tự do hơn trên con đường đi tìm những niềm vui, ý nghĩa khác của cuộc đời.
Nhưng rồi đâu đó, ta cũng thường nghe câu nói: “Tiền không mua được hạnh phúc!”. Mà ngẫm cũng đúng. Nếu được ngồi trên một đống tiền nhưng sức khoẻ không còn, hôn nhân tan vỡ, con cái hư hỏng, cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày hưởng thụ vật chất, thì tôi nghĩ đó là đỉnh cao của sự bất hạnh.
Vậy rốt cục thì tiền ở đâu trong bức tranh hạnh phúc?
=======
BẬC THANG NHU CẦU MASLOW
Khi nghĩ về câu hỏi này, trong đầu tôi thường nghĩ đến bậc thang nhu cầu Maslow, một lý thuyết đã được công nhận và áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Dù không giải thích được một cách thật trọn vẹn, và còn một số những hạn chế, nhưng tôi nghĩ tháp Maslow cho ta một cái nhìn khá bao quát vị trị của tiền trong bức tranh cuộc đời.
Trong lý thuyết này, Maslow xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự, trong đó, các nhu cầu cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn ở một mức độ nhất định.
Theo Maslow, nhu cầu của con người được chia làm 5 cấp bậc:
Nhu cầu tồn tại: Bao gồm những nhu cầu cơ bản của con người như không khí, đồ ăn, nước uống, chỗ ở, quần áo, giấc ngủ… Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất, bởi nó là nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Một khi những nhu cầu cơ bản này không được thỏa mãn thì chúng vẫn là thứ chế ngự, kiểm soát mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Nhu cầu an toàn: Khi nhu cầu tồn tại được đảm bảo rồi, nhu cầu về an toàn sẽ được kích hoạt. Đó là nhu cầu được pháp luật bảo vệ, sống ở nơi an ninh tốt, có nhà cửa để ở, có bệnh viện khi đau ốm, có công việc đảm bảo thu nhập.
Nhu cầu xã hội: Sau khi các nhu cầu cơ bản và an toàn được đảm bảo, con người tập trung sự chú ý vào nhu cầu giao lưu tình cảm. Đó là nhu cầu được hoà nhập trong một cộng đồng nào đó, nhu cầu có gia đình hạnh phúc, có bạn bè thân thiết.
Nhu cầu tự trọng: Nhu cầu này thể hiện ở 2 cấp độ: Nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng, và nhu cầu cảm thấy quí trọng chính bản thân mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân.
Nhu cầu được khẳng định bản thân: Đây là nhu cầu được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”. Đó là khi con người tìm được lẽ sống của cuộc đời mình, hiểu mình muốn làm gì trong cuộc đời này, và tận dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để theo đuổi điều ấy. Đây là bậc thang cao nhất mang đến cho con người cảm giác thoã mãn, hài lòng nhất.
============
TIỀN Ở ĐÂU TRONG BỨC TRANH HẠNH PHÚC?
Nếu nhìn vào tháp nhu cầu Maslow, ta có thể thấy rõ hơn vị trí của tiền trong bức tranh hạnh phúc.
Tiền có thể mua cho ta hai nấc đáy: nhu cầu tồn tại và nhu cầu an toàn.
Hai nhu cầu này là cơ sở và nền tảng để ta tiến đến những nấc cao hơn. Khi ta chưa thỏa mãn những nhu cầu cơ bản ấy thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Và cũng rất khó để mà nói đến những điều lớn lao như hạnh phúc, như là ý nghĩa cuộc sống khi mà ta còn phải lo miếng ăn manh áo hàng ngày, lo đến sự an toàn của bản thân.
Thế nhưng, tiền không thể nâng ta lên tầng cao hơn của hạnh phúc: nhu cầu xã hội, nhu cầu tôn trọng, nhu cầu khẳng định bản thân mình.
Bức tranh hạnh phúc rộng lớn hơn nhiều. Muốn có một cuộc sống hài lòng và thoã mãn thực sự, chúng ta phải xác định cho mình yếu tố đủ ở những nấc dưới để tiếp tục bước lên những nấc thang cao hơn. Tiền có thể mua cho chúng ta nhiều thứ, nhưng những thứ quan trọng và quí giá nhất thì nó không thể mua được.
Điều này cũng không có nghĩa là khi qua giai đoạn tồn tại và an toàn rồi, ta phải dừng lại việc kiếm tiền, hay bỏ qua cơ hội kiếm tiền nhiều hơn. Bởi thực tế, tiền luôn là quan trọng, và ai trong chúng ta, dù giàu hay nghèo, vẫn cứ muốn nhiều tiền hơn. Tiền không những lo cho ta cuộc sống hiện tại, mà còn đảm bảo cho tương lai của ta. Chỉ là khi qua giai đoạn này rồi, thay vì vẫn tiếp tục dồn hết ưu tiên cho tiền, chúng ta nên bắt đầu cân nhắc việc phân bổ thời gian và năng lượng cho những khía cạnh khác quan trọng của cuộc sống. Càng nhiều tiền, thì năng lượng dồn vào việc kiếm tiền nên ít lại, và năng lượng dành cho những việc khác nên được ưu tiên hơn.
Và tuyệt vời nhất là khi chúng ta kiếm được tiền trên chính công việc mình yêu thích.
==========
LÀM SAO ĐỂ LÊN TẦNG CAO HƠN CỦA HẠNH PHÚC?
Tiền đảm bảo cho ta cái đáy của hạnh phúc. Thế nên, tiền rất quan trọng, vì nếu không có tiền thì thậm chí đến cái đáy hạnh phúc cũng chênh vênh.
Thế nhưng, cũng có nhiều người, họ cứ mải miết dồn hết năng lượng vào công cuộc kiếm tiền, giam chân mình ở dưới đáy hạnh phúc, dù hoàn cảnh cho phép họ đi lên những nấc cao hơn.
Theo tôi quan sát, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
1. Lối sống chạy theo vật chất quá xa
Những người này dùng tiền để mua hàng hoá/dịch vụ nhằm thoả mãn sở thích của mình mà không có điểm dừng. Thu nhập càng cao, họ chi tiêu càng mạnh. Mà mong muốn của con người là vô hạn; theo thời gian, họ cần nhiều tiền hơn để giữ được mức độ thoả mãn vật chất như ban đầu. Nếu trước đây họ vui sướng khi có chiếc túi xách 500 nghìn, thì nay phải chiếc túi 5-10 triệu mới cho họ cái niềm vui ấy. Nếu trước đây họ hài lòng với chiếc xe 300 triệu, thì nay phải chiếc xe 3 tỷ mới cho họ sự thoả mãn ấy. Đến một thời điểm, họ sẽ phải chi ra số tiền rất lớn chỉ để mang lại những cảm giác hạnh phúc rất nhỏ nhặt.
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế tiêu dùng, nơi mà các công ty sẽ kích thích chúng ta dùng hết số tiền mà mình có, mà thậm chí nếu không có, họ sẽ sẵn sàng cho chúng ta vay. Họ tung hô lên niềm vui sở hữu vật chất. Càng nhiều càng tốt. Càng to càng tốt. Càng xịn càng tốt.
ĐỪNG TIN VÀO ĐIỀU ĐÓ!
Hãy nhớ rằng đến một ngưỡng nhất định, vật chất không còn mang lại cho ta hạnh phúc. Hãy xác định cho mình cái ngưỡng ấy để dừng lại đúng lúc.
2. Dùng tiền bạc làm thước đo của thành công, hạnh phúc, giá trị con người
Đây là những người coi tiền là thước đo duy nhất cho giá trị con người. Và chúng ta đang sống trong một xã hội cổ vũ điều này. Từ nhỏ, gia đình, xã hội dạy ta rằng mục đích duy nhất của ta là kiếm tiền. Có tiền, chúng ta sẽ có tất cả. Kiếm được nhiều tiền, nghĩ là ta thành công, là ta có giá trị. Càng nhiều tiền, chúng ta sẽ càng hạnh phúc. Kiếm tiền thì khó, còn những vấn đề khác có tiền ắt sẽ giải quyết được.
Và thế là chúng ta mang niềm tin ấy trong mình cho đến tận lúc trưởng thành. Ta cho rằng có tiền rồi, con cái khắc sẽ ngoan ngoãn hơn, vợ chồng tự khắc yêu thương nhau, sức khoẻ khắc sẽ tốt lên, cuộc sống khắc sẽ hạnh phúc.
Dave Ramsey, một tư vấn tài chính cá nhân nổi tiếng ở Mỹ từng nói: “Tiền không giúp bạn giải quyết mọi vấn đề. Tiền chỉ làm cho vấn đề của bạn lớn lên mà thôi”. Cụ thể hơn, nếu như cuộc hôn nhân của bạn đang hạnh phúc, tiền sẽ làm nó hạnh phúc hơn. Nhưng nếu hôn nhân của bạn bất đồng, thì tiền chỉ làm cho những bất đồng ấy căng thẳng hơn. Nếu như con cái bạn ngoan ngoãn, tiền sẽ hỗ trợ chúng. Nhưng nếu con cái bạn hư hỏng, tiền sẽ làm chúng hư hỏng thêm. Nếu như bạn cảm thấy tự tin, yêu đời, tiền sẽ củng cố cảm giác ấy của bạn. Còn nếu bạn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, thì tiền chỉ làm cảm giác ấy tồi tệ hơn.
Bởi rõ ràng những thứ không mua được bằng tiền thì không thể giải quyết được bằng tiền.
Tiền có thể giúp ta trang trải cuộc sống gia đình, nhưng không thể mua được cho ta một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Tiền có thể giúp ta chu cấp cuộc sống vật chất đầy đủ cho con, nhưng không thể mua được cho ta tình thương và sự tôn trọng của con.
Tiền có thể cho ta ngôi nhà, nhưng không thể mua được cho ta một mái ấm.
Tiền có thể giúp ta giải quyết lúc ốm đau, bệnh tật, nhưng không thể mua cho ta một cơ thể khoẻ mạnh, tràn đầy năng lượng.
Tiền có thể cho ta sự ngưỡng mộ, nhưng không thể mua cho ta những tình bạn chân thành.
Điều này không có nghĩa là nhiều tiền thì bất hạnh, mà chỉ đơn giản là đến một mức thu nhập nhất định, thì tiền và hạnh phúc là hai thứ hoàn toàn độc lập với nhau. Nhiều tiền không làm ta hạnh phúc hơn, cũng không làm ta bất hạnh hơn. Lúc đó, những yếu tố khác như gia đình, sức khoẻ, ý nghĩa cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng mới là yếu tố quyết định.
=========
NHỮNG MẢNH GHÉP CỦA BỨC TRANH HẠNH PHÚC
Mục đích cuối cùng của chúng ta là sống một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta kiếm tiền cũng chỉ vì muốn một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, vì chúng ta đánh đồng tiền bạc với hạnh phúc, xem nó là trung tâm của hạnh phúc, mải miết chạy theo nó mà quên dừng lại và tự hỏi: HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
Thực ra, tiền chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh hạnh phúc gồm nhiều mảnh ghép: HÔN NHÂN, CON CÁI, SỨC KHOẺ, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP, BẠN BÈ, CỘNG ĐỒNG, và nếu ta muốn đi sâu hơn nữa, thì là NIỀM TIN (Spiritual), TƯ DUY CUỘC SỐNG (Mindset).
Mỗi người sẽ có một cách xây dựng bức tranh cho mình khác nhau.
Nhưng tôi tin là nếu một khi đã tìm được mảnh ghép nào, ta nên trân trọng vun đắp, nuôi dưỡng mảnh ghép ấy cho chắc chắn trong lúc đi tìm những mảnh ghép khác, đặc biệt khi mảnh ghép đi tìm ấy là TIỀN.
Bởi đồng tiền hết sức cảm dỗ, nó như một hố sâu không đáy mà càng tìm ta sẽ càng thấy thiếu. Nếu chúng ta chỉ dồn hết năng lượng để kiếm cho “ĐỦ” tiền rồi mới tập trung vào những mảnh ghép khác, khả năng cao cuộc đời ta mãi ở dưới đáy hạnh phúc. Tệ hơn, trong quá trình tìm kiếm đó, vì không gìn giữ, chúng ta đánh rơi những mảnh ghép quan trọng mình đang nắm giữ, để cuối cùng bức tranh hạnh phúc của ta không những không trọn vẹn, mà trở nên vụn vỡ.
Nhiều khi, chúng ta làm cho cuộc sống phức tạp lên, cứ chạy theo cái vòng luẩn quẩn hi sinh A để có B, rồi dùng B để mua A’, mà cái A’ đó lại thường nhỏ hơn A:
Hi sinh sức khoẻ để có tiền, rồi lại dùng tiền để mua sức khoẻ.
Hi sinh thời gian vun đắp gia đình để có tiền, rồi dùng tiền để chữa lành những tổn thương trong mối quan hệ gia đình.
Nếu đang có A, thì hãy vun đắp, giữ gìn A trong khả năng của mình….và cùng đó xây dựng B một cách chậm rãi, chắc chắn.
Bởi hạnh phúc, nhiều khi cũng như một cây xanh. Gốc của cái cây ấy là sức khoẻ, là gia đình, là sự bình an trong tâm hồn. Tiền bạc, sự nghiệp, cuộc sống vật chất là những nhánh cây. Nhánh cây gãy thì cây có thể mọc lại được, nhưng cái gốc mà mất thì cây chắc chắn sẽ chết.
Đừng vì cái nhánh mà nhổ đi cái gốc.
=========
Tôi rất coi trọng việc kiếm tiền, và trân trọng những đồng tiền mà mình làm ra. Tôi cũng nỗ lực tiết kiệm, tìm cách kiếm tiền, để mong muốn về một ngày được tự do tài chính, được thoát khỏi sự chi phối của đồng tiền. Nói tóm lại là tôi cũng có một khát khao mãnh liệt với đồng tiền.
Nhưng rồi thỉnh thoảng tôi cũng phải nhắc nhở bản thân về vị trí của nó để có những thứ tự ưu tiên đúng đắn hơn cho cuộc sống của mình. Nếu một ngày tôi may mắn đạt được mục tiêu tài chính, thì những mảnh ghép khác cũng hoàn thiện, để tôi có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Còn nếu không, thì ít nhất tôi cũng đã có trong tay những mảnh ghép ý nghĩa nhất trong bức tranh hạnh phúc của mình.
==========
Bạn có thêm tham khảo thêm bài viết: